Nghiên cứu - Trao đổi

Phát huy truyền thống 61 năm Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang, tiếp tục xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới

Ngày Đăng: 6/6/2018 18:4 Lượt xem: 484

          Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang được thành lập ngày 06/6/1957, với tên gọi ban đầu là Trường Đảng tỉnh Tuyên Quang. Trải qua 61 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, nhà trường đã trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lớn nhất của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của mỗi giai đoạn lịch sử. Với truyền thống vượt khó đi lên, hơn 60 năm qua Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
          61 năm trôi qua, biết bao thế hệ cán bộ, giảng vên của nhà trường đã ngày, đêm không quản ngại gian khổ, chung tay xây dựng nhà trường lớn mạnh về mọi mặt. Đặc biệt là xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Với truyền thống 61 năm, đến nay đội ngũ giảng viên của nhà trường đã không ngừng được xây dựng theo hướng chính quy, chuẩn hóa, chuyên sâu, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, luôn giữ vững mục tiêu lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn. Điều đó thể hiện rất rõ về những thành tích mà đội ngũ giảng viên đã đạt được trong những năm qua, đó là: 02 giảng viên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 12 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi tại các cuộc thi “Giảng viên dạy giỏi các trường chính trị, thành phố trực thuộc Trung ương”, trong đó có 03 giảng viên đạt loại xuất sắc do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức; hằng năm có hàng chục giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp trường, trong đó có nhiều giảng viên đạt loại xuất sắc; nhiều giảng viên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng Khen.
          Đến nay, về số lượng đội ngũ giảng viên nhà trường có 40 người, trong đó trình độ thạc sĩ chiếm 31 người (77,5%) và 01 giảng viên đang nghiên cứu sinh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Có thể nói, đội ngũ giảng viên của nhà trường hiện nay đã được đào tạo tương đối bài bản, chính quy, theo hướng chuyên sâu chuyên ngành, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Song để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của nhà trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới - giai đoạn toàn cầu hóa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, gắn với phát triển kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) của nhân loại đang diễn ra thì trong thời gian tới nhà trường cần không ngừng tập trung vật lực, trí lực để xây dựng đội ngũ giảng viên vững mạnh về mọi mặt, đó là:
          Thứ nhất, về tư tưởng, lập trường chính trị: Phải thường xuyên quán triệt, trau dồi thế duy quan duy vật biện chứng (mà đặc biệt nhân sinh quan cách mạng); cùng với phương pháp luận duy vật biện chứng và phương pháp luận duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lênin, để đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân đấu tranh chống lại mọi luận điệu sai trái, xuyên tạc, hòng phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin; không ngừng bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin cho phù hợp với sự phát triển của lịch sử ở giai đoạn mới; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó chú trọng đặc biệt đến việc làm theo đạo đức, phong cách của Bác - đó là đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, với phong cách làm việc “tư duy độc lập, sáng tạo, khoa học, quần chúng, tập thể - dân chủ, ứng xử linh hoạt mềm dẻo, sinh hoạt khiêm tốn giản dị làm nền, chừng mực điều độ làm chuẩn, lấy trong sạch làm thanh cao, lấy gắn bó với con người, với thiên nhiên làm niềm say mê vô tận”....
          Thứ hai, tiếp tục xây dựng kế hoạch, lộ trình đưa đội ngũ giảng viên đi đào tạo chuyên sâu, chuyên ngành có trình độ sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ). Đồng thời phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp theo phương châm gắn lý luận với thực tiễn, tăng cường kỹ năng hướng dẫn người học biết vận dụng lý luận vào thực tiễn, vào giải quyết những công việc cụ thể ở cơ quan, đợn vị, địa phương, nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Muốn vậy thì nhà trường cần phải tăng cường tổ chức cho đội ngũ giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở trong tỉnh, nghiên cứu ở các tỉnh bạn, đặc biệt chú ý nghiên cứu thực tế ở những tỉnh có điều kiện tự nhiên, dân số, văn hóa, kinh tế - xã hội tương đồng với tỉnh Tuyên Quang để học hỏi kinh nghiệm, tích lũy kiến thức thực tế, tổng kết thực tiễn để bổ sung cho lý luận bài giảng, làm sâu sắc thêm cho cái chung, cái phổ biến khi áp dụng vào cái đặc thù ở địa phương Tuyên Quang.
         Thứ ba, cử giảng viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy tích cực, cập nhật, bồi dưỡng kiến thức mới, thay đổi giáo trình… do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên nhà trường.
          Thứ tư, phải xây dựng bộ tiêu chí thật cụ thể làm căn cứ đánh giá đúng năng lực, sở trường của đội ngũ giảng viên hiện nay một cách khoa học, khách quan và chính xác, để từ đó phân công nhiệm vụ cho phù hợp với năng lực, sở trường của từng giảng viên; có kế hoạch sát thực và cơ chế phù hợp cử giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, khắc phục kịp thời những thiếu hụt về chuyên môn cho đội ngũ giảng viên.
          Thứ năm, tăng cường công tác sinh hoạt chuyên môn, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động chuyên môn của đội ngũ giảng viên thông qua các hình thức: Thông qua bài soạn, kiểm duyệt giáo án, dự giờ rút kinh nghiệm bài giảng, thao giảng giảng viên dạy giỏi cấp khoa, cấp trường để lựa chọn giảng viên đi thi giảng viên dạy giỏi cấp học viện; thực hiện quản lý chặt chẽ đội ngũ giảng viên trên các mặt theo chế độ 5 quản đối với đảng viên, quản lý cán bộ viên chức theo pháp luật của Nhà nước; khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học để không ngừng nâng cao trình độ tư duy khoa học cho đội ngũ giảng viên trẻ, đi sâu làm rõ những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn, làm sáng tỏ thêm những nguyên lý, lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện mới hiện nay; tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên trẻ vững mạnh về mọi mặt, lấy tiêu chí về lập trường tư tưởng, phẩm chất chính trị và chất lượng chuyên môn là hàng đầu; tăng cường lấy ý kiến phản hồi từ người học đối với đội ngũ giảng viên để có thêm căn cứ nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ giảng viên trẻ; xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, khách quan, dân chủ, công bằng để phát huy hết khả năng, năng lực, trí tuệ của đội ngũ giảng viên, kết hợp với xây dựng môi trường giáo dục nghiêm túc, bình đẳng, văn minh để tạo nên mối quan hệ thân thiện giữa người dạy và người học, góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên nhà trường ngày càng vững mạnh hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong thời kỳ phát triển mới - đó là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; toàn cầu hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của nhân loại đang diễn ra mạnh mẽ, góp phần xây dựng quê hương Tuyên Quang - Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
 
Thạc sĩ Hoàng Bằng Giang
Q. Trưởng khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8286230

Đang Online : 89