Nghiên cứu - Trao đổi

Đôi điều cảm xúc về chuyến đi thực tế tại tỉnh Hà Giang

Ngày Đăng: 13/6/2018 23:51 Lượt xem: 887

          Về công tác tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang được 8 năm, một trong những hoạt động mà tôi thấy rất cần thiết là hoạt động nghiên cứu thực tế. Hằng năm thường có nhiều đợt nghiên cứu trong tỉnh và ngoài tỉnh, dưới hình thức cá nhân và tập thể. Những đợt nghiên cứu đó là những trải nghiệm vô cùng thú vị giúp tôi cũng như các giảng viên khác được mở rộng tầm nhìn, đưa thực tiễn vào giảng dạy lý luận chính trị, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy cho mỗi giảng viên. Trong khoảng thời gian 8 năm công tác, tôi đã có rất nhiều chuyến đi nghiên cứu thực tế nhưng để lại ấn tượng sâu sắc nhất với tôi là chuyến đi gần đây đến tỉnh Hà Giang, mảnh đất vùng cao biên giới, nơi địa đầu của Tổ quốc.
          Nhớ lại những ngày cuối của Tháng Tư, trong không khí hào hùng chào đón ngày 30/4 lịch sử, Hội Cựu Chiến binh nhà trường tổ chức đợt nghiên cứu thực tế với các điểm đến: Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, Khu di tích Nhà Vương ở Sà Phìn, Cột cờ Lũng Cú - Đồng Văn, may mắn tôi cùng 4 giảng viên trẻ khác được mời tham dự. Là một giảng viên giảng dạy Lịch sử Đảng, được đến những địa điểm này thật sự rất có ý nghĩa đối với tôi.
          5h30 phút sáng, đoàn chúng tôi bắt đầu xuất phát từ Tuyên Quang, điểm đến đầu tiên của đoàn là vào thắp hương viếng các anh hùng liệt sỹ ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Qua cán bộ quản lý Nghĩa trang chúng tôi được biết đến nay Nghĩa trang đã quy tụ được hơn 1.700 liệt sỹ. Nếu tính trên toàn chiến trường Vị Xuyên từ năm 1979 đến 1989, có khoảng hơn 4.000 cán bộ chiến sỹ hi sinh, chủ yếu tập trung vào hai năm khốc liệt nhất là 1984-1985.  Hiện tại, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã có kế hoạch mở rộng Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, sau khi mở rộng sẽ tăng khả năng tiếp nhận từ hơn 1.700 phần mộ liệt sỹ lên hơn 4.000 phần mộ.
          Mặc dù đã đọc, đã xem và đã giảng rất nhiều tư liệu về trận chiến Vị Xuyên năm 1984 trong các bài học của phần Lịch sử Đảng và Tình hình nhiệm vụ địa phương nhưng được đến tận nơi, được tận mắt nhìn thấy hàng nghìn ngôi mộ và đếm không biết bao nhiêu những dòng chữ “Chưa biết tên” khắc trên những tấm bia mộ ấy, cảm xúc thật khó diễn tả, có gì đó rất đỗi tự hào, thương xót và hơn cả là sự biết ơn vô cùng đối với hàng nghìn chiến sỹ đã mãi mãi nằm lại nơi đây.
          Đoàn chúng tôi đã tổ chức lễ dâng hoa tưởng niệm trong cảm xúc tự hào và biết ơn ấy, các đồng chí trong Hội Cựu Chiến binh kính cẩn, nghiêm trang trong những bộ quân phục màu xanh của người lính cụ Hồ, mỗi người đều có một cảm xúc riêng nhưng nhìn ánh mắt ai cũng dưng dưng, có đồng chí lấy tay quẹt vội lên má lau đi những giọt nước mắt hòa cùng những giọt nước mưa vừa rơi xuống. Sau lễ dâng hoa tưởng niệm chúng tôi thắp hương tri ân cho từng mộ liệt sỹ, hầu hết các liệt sỹ còn rất trẻ, tuổi đời của các anh đều mới chỉ mười tám, đôi mươi, nhưng cũng có liệt sỹ đã đến tuổi tứ tuần, các anh đến từ khắp các tỉnh trên mọi miền Tổ quốc. Người Việt Nam là vậy, khi Tổ quốc lâm nguy, Tổ Quốc gọi các anh luôn sẵn sàng, truyền thống đoàn kết, anh hùng bất khuất ấy đã có từ ngàn đời nay.
           Đến nghĩa trang, tôi có thêm nhiều tư liệu, cảm xúc về cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979 mà hằng năm tôi vẫn giảng dạy trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Hiểu thêm về những mất mát, đau thương và sự khốc liệt cũng như giá trị, ý nghĩa to lớn của cuộc chiến này. Từ đó, tôi càng ý thức được hơn trách nhiệm của một giảng viên giảng dạy Lịch sử Đảng. Tích cực đưa thực tiễn đã được trải nghiệm vào những bài giảng lý luận chính trị, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả chuyên môn.
          Rời Vị Xuyên, đoàn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến Đồng Văn thăm Khu di tích Dinh thự Họ Vương. 16h chiều, chúng tôi đến thung lũng Sà Phìn, theo chân Hướng dẫn viên chúng tôi được biết khái quát về Dinh thự họ Vương, đây là Dinh thự có diện tích 3000m2 được xây dựng trong vòng 8 năm và tiêu tốn 150 vạn đồng bạc trắng Đông Dương tương đương 150 tỷ đồng tiền Việt lúc bấy giờ. Nhà Vương là Dinh thự kiêm pháo đài của dòng họ Vương, dân tộc Mông ở huyện Đồng Văn. Chủ nhân là ông Vương Chính Đức - thủ lĩnh người Mông, còn được gọi là “Vua Mèo”. Nét độc đáo của ngôi nhà là các phiến đá nhỏ được kè chặt khít với nhau không cần chất kết dính, dày khoảng 50cm và xếp thành vòng tròn tạo thành khuôn viên riêng biệt. Trong dinh thự, tất cả đều được những bàn tay khéo léo của những người thợ thời kỳ bấy giờ chạm khắc cầu kỳ, khéo léo, tinh xảo.
         Chúng tôi được nghe người dân kể lại rằng, ông Vương sống rất tình người và rất đời thường. Của cải ông Vương có được hơn người chính là do sự lao động và tính toán kể cả sự buôn bán. Mặc dù là người có tiền nhưng ông Vương rất biết mình, khiêm tốn, ít nói và rất giữ lời hứa. Thế nhưng đã nói thì nói đâu ra đó và đã hứa thì phải làm bằng được và rất có tình có lý. Với bản lĩnh và tính cách như vậy nên đã tạo cho bộ phận người dân ở đây những tin cẩn và dần dần trở thành "trọng tài" trong "những trận đấu" với bao khúc mắc của người dân… 
          Vương Chí Sình (1886 - 1962) - con thứ hai của Vương Chính Đức được xã hội nhắc tới nhiều hơn, là người con chính thức theo cách mạng, cũng là người anh em kết nghĩa với Bác Hồ. Ông từng tham gia Đại biểu Quốc Hội khóa I và II. Từ khi có Việt Minh, Vương Chí Sình đã giác ngộ và theo Bác Hồ. Với ảnh hưởng và uy tín của mình, ông đã giúp phong trào Việt Minh trong khu vực vùng cao nguyên đá Hà Giang lớn mạnh. Vương Chí Sình đã được Bác Hồ trân trọng tặng áo ấm, thanh kiếm và mời tham gia đại biểu Quốc hội khóa I. Được xây dựng từ đầu thế kỷ XX đến nay di tích lịch sử nhà Vương vẫn giữ được hình dáng xưa cũ gần như nguyên vẹn. Năm 1993, khu dinh thự nhà Vương được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kết thúc ngày thực tế thứ nhất với nhiều cảm xúc, đoàn chúng tôi dừng lại ở thị trấn Đồng Văn, thăm phố cổ Đồng Văn, nghỉ ngơi và cảm nhận tình cảm và con người nơi đây. Sáng sớm hôm sau, đoàn tiếp tục khởi hành đến điểm thứ ba là Cột cờ Lũng Cú.
           Xe chạy bon trên con đường mang tên Hạnh Phúc. Càng đi dần càng lên cao, địa hình càng hiểm trở. Con đường vắt vẻo qua  các sườn núi, nhìn xuống phía dưới thấy đường như sợi chỉ trắng chạy trên nền đá xám xịt. Nhiều đoạn thấy cả xe và người bồng bềnh trên mây, đường dài và quanh co. Để làm nên con đường lịch sử này, hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam đã cống hiến trên 2 triệu lượt ngày công lao động  trong 6 năm, từ năm 1959 - 1965. Có lẽ sự cảm nhận của mỗi người lần đầu đến cao nguyên đá là sự mênh mông và kỳ vĩ của thiên nhiên. Sức người đã khuất phục thiên nhiên, tạo nên con đường thắp sáng tương lai, đó là “Con đường Hạnh Phúc”.
          Điểm nhấn của đường Hạnh Phúc là đèo Mã Pì Lèng nằm trên một đỉnh núi thuộc cao nguyên đá Đồng Văn. Đèo Mã Pì Lèng được mệnh danh là một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam. Theo lời giải thích của người dân địa phương, Mã Pì Lèng hiểu nôm na nơi dốc cao đến mức ngựa đi qua phải ngã và tắt thở. Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng, trong đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi. Nhìn xuống vực sâu, con sông Nho Quế chỉ bé như một cổ tay. Đến Mã Pì Lèng mới thấy mình nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ và càng cảm phục sự trường tồn của các dân tộc Việt Nam sinh sống trên mảnh đất biên cương địa đầu Tổ quốc.
           Càng đến gần trung tâm xã Lũng Cú, cột cờ hiện ra thật sinh động, xung quanh là phong cảnh núi rừng hùng vĩ, trùng điệp... Theo lịch sử, cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc. Cột được xây dựng lại từ thời Pháp thuộc, năm 1887. Sau khi đất nước được giải phóng, cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian. Cột cờ mới được xây dựng lại vào tháng 3/2010 và hoàn thành vào tháng 9/2010 với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng.
           Theo lối chính được xây bằng  839 bậc đá, chúng tôi bước lên đỉnh núi Rồng (Long Sơn) nơi đặt cột cờ Lũng Cú. Cột cờ bề thế và trang nghiêm. Đi theo vòng “xoáy ốc” với chiều cao 33,15m, chúng tôi leo lên đỉnh cờ. Trong tĩnh lặng của một khoảng tối, tự nhiên giữa một vòm sáng mở ra khoảng trời với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Trước mắt chúng tôi là lá cờ có chiều dài 9m, chiều rộng 6m với tổng diện tích 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam hình chữ S. Nhìn lá cờ bay phấp phới giữa không gian bao la trên đỉnh núi, ai cũng lặng mình ngắm nhìn, giai điệu bài hát Quốc ca vang lên trong tôi, giây phút ấy, một cảm xúc dâng trào như lời ngàn xưa vọng về ca ngợi bao thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để làm hiên ngang dáng hình đất nước. Đây sẽ là những tư liệu vô cùng quý báu, những cảm xúc sâu sắc tôi sẽ gửi vào những bài giảng Lịch sử Đảng sau chuyến đi, chắc chắn tôi sẽ lựa chọn kiến thức và cảm xúc thực tiễn này để thổi hồn vào bài giảng của mình. Chuyến đi này thực sự rất thú vị và ý nghĩa.
          Trở về sau chuyến đi thực tế đã hơn một tháng nhưng dư âm, hình ảnh về mảnh đất vùng cao biên giới Hà Giang vẫn để lại ấn tượng sâu sắc đối với tôi cũng như các thành viên trong đoàn. Bài giảng đầu tiên của tôi trong phần học Lịch sử Đảng về chiến tranh biên giới phía Bắc, ngoài những kiến thức của giáo trình, tôi đã vận dụng kiến thức thực tiễn giới thiệu hình ảnh và những tư liệu thu được cho học viên, nhìn xuống dưới lớp, bắt gặp những ánh mắt, gương mặt chăm chú, so sánh với những bài giảng trước đó tôi có thể khẳng định bài giảng của mình ít nhiều có sức thuyết phục hơn, lôi cuốn hơn. Giá trị của những chuyến đi nghiên cứu thực tế chính là ở đó. Hy vọng rằng tôi sẽ có thêm nhiều chuyến đi bổ ích và có giá trị như chuyến đi này.

 
Thạc sĩ Phùng Thị Hà
Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8286229

Đang Online : 88