Nghiên cứu - Trao đổi

Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tại Tuyên Quang

Ngày Đăng: 15/6/2018 0:20 Lượt xem: 720

          Những năm qua, với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nông dân trong tỉnh, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục được chuyển dịch mạnh sang sản xuất hàng hóa. Nhiều nông sản hàng hóa  đang từng bước khẳng định thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 7.734,7 tỷ đồng, tăng 4,08% so với năm 2016. Nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện cánh đồng sản xuất tập trung, tạo ra các vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và đáp ứng nhu cầu thị trường; thu nhập và đời sống của người dân bước đầu được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
          Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 30 sản phẩm nông sản đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, điển hình như: Cam Sành Hàm Yên, miến dong Hợp Thành, bưởi Xuân Vân, chè Bát tiên Mỹ Bằng (Yên Sơn), chè xanh Vĩnh Tân (Sơn Dương), lạc Chiêm Hóa, mật ong Tuyên Quang, rượu ngô Na Hang, cá Lăng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản sẽ là cơ sở để sản phẩm được pháp luật bảo hộ đồng thời tạo điều kiện để nông sản Tuyên Quang dễ dàng mở rộng trên thị trường cả trong và ngoài nước, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
          Để mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ cho nông sản hàng hóa, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn thông qua nội dung hợp tác, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, phát triển chuỗi cung cấp rau thịt cho thành phố Hà Nội. Đến hết năm 2017, tổng số cơ sở cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn được kiểm soát theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh là 11 cơ sở; tiến hành cung cấp thông tin, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng của Tuyên Quang tại 02 cơ sở là Trung tâm trưng bày, giới thiệu và phân phối thực phẩm an toàn số 489 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, và Cửa hàng Thực phẩm sạch An Nguyên ở khu đô thị Tây nam Linh Đàm, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cắt băng khai mạc Hội chợ Cam Sành Hàm Yên lần thứ 2
 
          Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời có chính sách hỗ trợ công tác xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực nhằm tăng giá trị và lợi thế cạnh trạnh cho sản phẩm khi lưu thông tại các thị trường lớn. Các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp của tỉnh đã chủ động tìm hiểu thị trường và liên kết hợp tác với các đối tác trong và ngoài tỉnh để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Nhờ những hoạt động hiệu quả đó, thị trường nông sản đã phát triển theo hướng đa dạng và chuyên nghiệp hóa, góp phần tạo thêm động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
          Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa ở tỉnh Tuyên Quang vẫn tồn tại nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, ở nhiều nơi quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; năng suất, chất lượng, giá trị và thu nhập còn thấp, sức cạnh tranh hạn chế; những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm ngành nông nghiệp chưa thực sự trở thành sản phẩm hàng hóa có hiệu quả bền vững, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; nông sản chủ yếu tiêu thụ thô, mối liên doanh, liên kết và thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá chưa hiệu quả; quản lý chất lượng, an toàn nông sản còn nhiều vướng mắc; thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá cả không ổn định, việc quảng bá sản phẩm đã đăng ký sở hữu trí tuệ chưa bài bản; nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính tự cung, tự cấp, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao… Do đó khiến cho nông sản Tuyên Quang vẫn không có sức cạnh tranh, chịu nhiều thiệt thòi, giá cả sản phẩm nông sản chưa cao, tình trạng được mùa mất giá vẫn còn tồn tại.
          Từ thực trạng sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Tuyên Quang như đã nêu trên, để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thể thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
           - Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp tiếp tục tuyên truyền sâu rộng nội dung về phát triển thị trường nông sản hàng hóa chất lượng cao tại tỉnh Tuyên Quang theo tinh thần Nghị quyết số 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025 các tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân trong tỉnh để thực hiện.
           - Làm tốt công tác rà soát quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh để tạo động lực hình thành các vùng chuyên canh lớn, phát huy lợi thế của địa phương, của vùng.
          - Gắn việc xây dựng thương hiệu, phát triển các sản phẩm đặc sản của các địa phương với xây dựng nông thôn mới.
         - Thúc đẩy các công cụ nghiên cứu, dự báo thị trường, các chương trình liên kết, phát triển chuỗi liên kết trong ngành nông nghiệp từ khâu sản xuất đến phân phối.
          - Tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức sản xuất phù hợp, theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; mở rộng và đẩy mạnh liên kết giữa nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng.
          - Tích cực chủ động tổ chức và tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản Tuyên Quang.
          - Chú trọng các giải pháp về nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học.
         - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo và trang bị kiến thức để nông dân có đủ kiến thức nắm bắt thị trường, tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng, hiệu quả và thương hiệu trên thị trường.
         - Tập trung sản xuất, chế biến sản phẩm có chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Khuyến khích áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về chất lượng hàng hoá.
          - Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hoá.
          Để nông sản Tuyên Quang có chỗ đứng trên thị trường, ngoài việc thực hiện tốt những giải pháp trên rất cần đến việc nêu cao vai trò, trách nhiệm của người nông dân trong sản xuất, chế biến nông sản là yếu tố then chốt, tránh vì lợi ích trước mắt mà chưa quan tâm đến việc sản xuất sạch; lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ vào sản xuất, làm mất uy tín của sản phẩm nông sản Tuyên Quang trên thị trường. 
          Việc phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Tuyên Quang đã và đang có những thành tựu nổi bật, là động lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững. Các sản phẩm nông nghiệp hành hóa của tỉnh đang từng bước được mở rộng quy mô cả về chất lượng và số lượng, tập trung vào cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương với quy mô lớn, sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần giúp Tuyên Quang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc.

 
Thạc sĩ Trần Phương Linh 
Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8286197

Đang Online : 56