Nghiên cứu - Trao đổi

Trọn nghĩa nước non - vẹn tình đồng đội

Ngày Đăng: 27/7/2017 9:2 Lượt xem: 503

          Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn đó những nỗi đau chưa nguôi ngoai trong trái tim những người ở lại. Chiến tranh với những hậu quả và mất mát đau thương là điều không ai muốn và “dù rằng đời ta thích hoa hồng” nhưng “kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tình yêu quê hương đất nước sâu thẳm trong mỗi người dân nước Việt đã giục giã lớp lớp người tham gia trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập nước nhà.
Đoàn công tác Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang dâng hương tưởng niệm trước mộ liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.
           Chiến tranh đã qua đi, nhưng đối với những con người từng là người lính, từng là đồng đội của nhau đều luôn canh cánh nỗi lòng với hai chữ “Đồng chí”. Đồng chí là một từ Hán Việt, thường được dùng như một đại từ nhân xưng trong tiếng Việt để gọi và xưng hô với những người cùng tổ chức, cùng lý tưởng, cùng đội ngũ, cùng chí hướng.... “Đồng chí”- hai tiếng thiêng liêng, nghĩa tình. Có lẽ, với thế hệ hôm nay khi được sinh ra và lớn lên khi đất nước hòa bình, độc lập, chắc chắn không thể hiểu hết ý nghĩa hai tiếng ấy, mà phải là những người đã từng đi qua cuộc chiến tranh ác liệt để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc mới thấu trọn vẹn ý nghĩa của hai tiếng “Đồng chí”.
           Phải chăng, tình đồng chí xuất phát từ một chí hướng chung, vì chữ “Trung” với nước nhà. Họ đến với cách mạng và cũng vì lí tưởng cao quý muốn dâng hiến cho đời. Bởi lẽ, cuộc sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình. Họ cùng chung một khát vọng, chung một lí tưởng, chung một niềm tin... Dường như tình đồng đội cũng xuất phát từ những cái chung nhỏ bé ấy.
                                                           
Anh với tôi đôi người xa lạ
                                                            
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
                                                            Súng bên súng, đầu sát bên đầu
                                                            
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
                                                            
Đồng chí!
                                                                      
(Đồng chí - Chính Hữu)
        Phải chăng, từ chính mẫu số chung ấy - lý tưởng cách mạng sáng ngời khiến họ, những người chưa từng biết nhau trở thành những người đồng chí, đồng đội, trở thành những người bạn tri kỷ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Càng trong những lúc khó khăn ấy, thì tình đồng chí hiện lên vô cùng chân thành giản dị:
                                                          Là hớp nước uống chung, nắm cơm bẻ nửa,
                                                          Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa,
                                                          Chia khắp anh em một mẩu tin nhà,
                                                          Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp
                                                          Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết
                                                                       (Nhớ - Hồng Nguyên)
          Phải chăng, tình đồng chí là cũng chính được thử thách qua sự trải qua những khó khăn vất vả nơi chiến trường, nơi mưa bom, bão đạn. Là sự thiếu thốn quân trang, quân dụng khi: áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá (Đồng chí - Chính Hữu), rồi họ còn phải đối mặt với những trận sốt rét rừng, những trận sốt rét đến liệt người hằn trên thân thể người chiến sĩ:
                                                           Giọt mồ hôi rơi
                                                           Trên má anh vàng nghệ
                                                              
(Cá nước - Tố Hữu)
                                                hay
                                                           Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
                                                           Sốt run người vầng trán đầm mồ hôi
                                                                
(Đồng chí- Chính Hữu)
    
     Tình đồng chí là sự gắn bó những con người ở những miền xa lạ, ra đi từ những miền quê nghèo khó của Tổ quốc, cùng chung  nguồn gốc xuất thân, gặp nhau và quen nhau dưới ngọn cờ lý tưởng cách mạng. chính sự gắn bó, sẻ chia trong những năm tháng khó khăn của cuộc đời đã gắn chặt họ thành những người bạn tri ân, tri kỷ. Người lính ra đi chiến trường với một lòng quyết tâm sắt đá
                                                           Người ra đi đầu không ngoảnh lại
                                                           Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
                                                           (Đất nước - Nguyễn Đình Thi)
          Họ là những thanh niên đang tuổi đôi mươi, gác lại bên mình câu chuyện tình duyên, gác lại chuyện gia đình vì cuộc kháng chiến. Bởi khi đất nước chưa được độc lập, thì tình riêng sẽ không trọn vẹn. Vượt lên tất cả là mục tiêu phía trước, là hướng về nền độc lập tự do của Tổ quốc, nhưng đâu đó trong những cuộc hành quân vất vả, vẫn có những tâm sự “rất lính”:
                                                           Nằm trên dốc nắng
                                                           Đứng cạnh bên nhau ngang bờ cát trắng
                                                           Quờ chân tìm hơi ấm trong mưa.
                                                                  - Đằng ấy lấy vợ chưa?
                                                                  - Đằng nớ
                                                                  - Tớ còn chờ độc lập
                                                           Cả lũ cười vang trên ruộng bắp
                                                           Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu 
                                                                      
(Nhớ - Hồng Nguyên)
           Và chắc chắn một điều, tình đồng chí thể hiện đậm nét nhất chính là lúc đứng cạnh bên nhau sẵn sàng chiến đấu - Đó cũng chính là vẻ đẹp ngời sáng trong gian khổ của những người lính. Trên tất cả, tình đồng đội, đồng chí như được sưởi ấm bằng những trái tim người lính đầy nhiệt huyết, vẫn đứng đó canh giữ cho bầu trời Việt Nam dù đêm đầy khuya, sương đã xuống, màn đêm cũng chìm vào quên lãng. Hình ảnh người lính bỗng trở nên đẹp hơn, thơ mộng hơn và cũng từ đó vẻ đẹp của người lính thể hiện rõ nét nhất qua tình đồng chí, đồng đội:
                                                             Đêm nay rừng hoang sương muối
                                                             Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
                                                             Đầu súng trăng treo
                                                                  (Đồng Chí - Chính Hữu)
          Tình đồng chí, đồng đội quả thật càng trong gian khổ lại càng tỏa sáng, nó gần gũi mà chân thực, không giả dối, cao xa... Tình đồng chí ấy sẽ sống mãi với quê hương, với Tổ quốc, với thế hệ hôm nay, ngày mai hay mãi mãi về sau. Thật khó để nói hết tình cảm của những người lính, người đồng chí một thời sát cánh bên nhau trong mưa bom, bão đạn. Khi đất nước hòa bình, có người may mắn trở về lành lặn nhưng lại mang trong mình chất độc da cam, có người trở về nhưng đã gửi lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường và có những con người ra đi mãi mãi không trở lại.
          Nhưng, dù ai mất, ai còn, những người đồng chí, đồng đội vẫn luôn dành trọn nghĩa tình với nhau. Vẫn còn đó những người lính mái tóc đã nhuốm màu thời gian vẫn hằng ngày, hằng giờ trăn trở đi tìm kiếm những đồng đội, đồng chí của mình đã ngã xuống nơi nào đó ở dưới lòng đất mẹ mà thời gian đã vô tâm xóa nhòa những kỷ vật về họ. Họ nằm đó nhưng chưa rõ tên tuổi, địa chỉ để được trở về bên gia đình, bên những người vợ, người mẹ tảo hiền. Luôn còn đó sự sẻ chia, quan tâm tới những gia đình thương bệnh binh, những người có công với cách mạng, hay những con người may mắn trở về những vẫn còn đó nỗi đau của chiến tranh bởi chất độc màu da cam tàn ác đã làm cuộc sống riêng tư trở nên không trọn vẹn. Ấm áp thay, đến ngày 27/7 hằng năm, từng đoàn xe của những Cựu chiến binh năm xưa với dòng chữ: Về thăm chiến trường xưa; về thăm đồng đội cũ… trên các nẻo đường của Tổ quốc khiến mỗi chúng ta cảm nhận rõ hơn nữa tình đồng chí, đồng đội. Họ trở lại với những kỷ niệm, dấu tích một thời máu lửa để thắp cho đồng đội nén nhang, ôn lại những ngày tháng oanh liệt, khó khăn của đời lính và cũng chính những người trở về từ chiến tranh đã và đang là tấm gương để thế hệ hôm nay tiếp ghi những truyền thống quý báu cha anh dựng xây, tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang của “anh bộ đội Cụ Hồ”, các anh chính là tinh hoa của một dân tộc anh hùng, một thời đại anh hùng.
           Giữa những ngày tháng Bảy nghĩa tình này, chúng ta càng nhớ tới công lao, sự hy sinh to lớn của những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Xin được gửi lời tri ân sâu sắc, cảm phục tới sự hi sinh của những người anh hùng, những thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, những Người mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày 27/7  - cũng là dịp để nhắc nhở tất cả những người con đất Việt ở khắp mọi miền đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”,“Đền ơn đáp nghĩa”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đồng thời thể hiện trách nhiệm, tình cảm và nét đẹp nhân văn của dân tộc Việt Nam. /.
 Thạc sĩ Triệu Thị Bạch Vân
Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289574

Đang Online : 3189