Nghiên cứu - Trao đổi

Công tác dân vận của các cấp ủy đảng ở tỉnh Tuyên Quang

Ngày Đăng: 5/7/2018 18:19 Lượt xem: 460

        

         Công tác dân vận là hoạt động nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Bởi vậy, ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng và quan tâm công tác này.     
         Qua các kỳ Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đều tập trung nhấn mạnh đến tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân và việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng sao cho phù hợp với thực tiễn ở từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng… đồng thời, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc về công tác vận động quần chúng, lấy đó làm cơ sở để tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận.
          Ngoài Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (Nghị quyết 8b), khóa VI (27-3-1990) - Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về công tác dân vận, một dấu mốc quan trọng nữa đó là Nghị quyết 25 - NQ/TW, ngày 03-6-2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Đây là Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa to lớn về công tác dân vận trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
          Đến Đại hội lần thứ XII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân” nhằm phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”[1].
          Trong thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng về công tác dân vận của các cấp ủy đảng ở tỉnh Tuyên Quang đã được quan tâm đúng mức với nhiều cách làm hay, sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực. Tổ chức động viên, khích lệ nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Giải quyết kịp thời, thỏa đáng những vấn đề bức xúc nảy sinh từ thực tiễn được chú trọng, thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng luôn tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động thảo luận, bàn bạc về các chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, tổ chức đảng nhằm phát huy sáng kiến, tạo sự thống nhất trong phương thức tiến hành công tác dân vận. Để công tác dân vận đi vào thực chất và có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, nhiều tổ chức đảng trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể, chi tiết với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Kiện toàn Ban Dân vận các cấp, nhất là khối dân vận xã, phường, thị trấn, Ban Chỉ đạo tôn giáo, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế Dân Chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy trong lãnh đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
          Nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua đã được triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả như cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, “ngày vì người nghèo”,… Điểm nổi bật trong công tác dân vận của các cấp ủy đảng, đó là kết quả lãnh đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân đã được phát huy, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội ở các địa phương, cơ sở. Phong trào đã lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị và nhân dân. Điển hình như mô hình “Dân vận khéo” và thực hiện phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân đã tự nguyện hiến trên 41.847 m2đất để làm đường. Năm 2017, vốn huy động từ nhân dân đạt trên 29 tỷ đồng. Tính đến nay, đã có 23 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Phấn đấu năm 2018 có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh là 29 xã. Bê tông hóa 100 km đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hoá; kiên cố hóa 275 km kênh mương; xây dựng 159 nhà văn hóa thôn bản[2]. Quy chế Dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn cũng được các cấp ủy đảng lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, coi đó là khâu quan trọng của mọi thành công. Các chính sách xã hội, chính sách đối với người có công, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ được giải quyết kịp thời, đúng đối tượng. Vì vậy, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
          Kết quả công tác dân vận đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh. Là điều kiện để củng có lòng tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền cũng như huy động nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế- xã hội.
          Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
          Một là, tiếp tục quán triệt nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận. Trên cơ sở đó, từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực có nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác dân vận phù hợp với đặc điểm, tính chất nhiệm vụ; đề ra mục tiêu, yêu cầu đạt được sao cho vừa đáp ứng được tình hình cụ thể, vừa tạo sự đồng bộ trong triển khai thực hiện.
          Hai là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức tiến hành công tác dân vận, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị các cấp đối với công tác dân vận. Trong đó, lấy chi bộ làm trọng tâm để chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đồng thời, phát huy tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, là yêu cầu về phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ làm công tác dân vận nói riêng.
          Ba là, chú trọng nâng cao chất lượng tham mưu của hệ thống dân vận các cấp quan tâm, chăm lo, giải quyết, tháo gỡ những vấn đề có liên quan đến lợi ích của nhân dân. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ dân vận, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ dân vận các cấp.
          Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác vân động quần chúng. Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cần đưa nội dung công tác dân vận vào chương trình, kế hoạch công tác hằng tháng, quý, năm; chỉ đạo các đoàn thể tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và tuyên dương tập thể, cá nhân có thành tích về công tác dân vận.        
Năm là, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ làm công tác dân vận ở cấp cơ sở vừa “hồng” vừa “chuyên”; có cơ chế, chính sách phù hợp, thỏa đáng đối với đội ngũ làm công tác dân vận nhằm thu hút, khích lệ họ phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
          Sáu là, các tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở cần thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng; chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy về công tác dân vận; việc thực hiện Pháp lệnh Dân chủ xã, phường, thị trấn, và Quy chế Dân chủ ở cơ sở.
          Thực hiện đồng bộ những giải pháp trên đây sẽ góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận ở tỉnh Tuyên Quang, đáp ứng yêu cầu tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020./.
 
Thạc sĩ Đỗ Thị Xuân Anh
Khoa Xây dựng Đảng
 

[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr 210
[2] Báo cáo số 222 – BC/TU ngày 18/01/2018 về công tác lãnh đạo thục hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2017; phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8286099

Đang Online : 230