Nghiên cứu - Trao đổi

Thiếu hụt lao động nông nghiệp, nguyên nhân và giải pháp Bài 1: Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng

Ngày Đăng: 11/7/2018 22:43 Lượt xem: 526

 Theo Cục Thống kê tỉnh, số người trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn hiện nay trên địa bàn tỉnh là trên 365.684 người, giảm trên 1.200 người so với đợt tổng điều tra năm 2011. Cơ cấu lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp giảm 10,15% so với năm 2008. Nguồn lao động đang có sự chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ. Đây là xu thế chung và tất yếu hiện nay. Tuy nhiên sự chuyển dịch này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp, khiến việc phát triển vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu đang gặp không ít khó khăn… Báo Tuyên Quang có loạt bài viết về vấn đề này.

 

Chủ nhà vườn, doanh nghiệp lo lắng

Hàm Yên tuy chưa bước vào mùa thu hoạch cam, song tình trạng thiếu lao động đang làm đau đầu các nhà vườn, chủ trang trại. Anh Bùi Văn Thiết, thôn 1 An Thạch, xã Thái Sơn cho biết, gia đình anh có 8 ha cam, 30 ha rừng. Đây là thời điểm chăm sóc cam, anh phải thuê 4 nhân công lao động. Để tìm được người lao động làm việc cho mình khá vất, ngoài trả tiền công từ 180 đến 300 nghìn đồng/người/ngày, còn phải có việc làm thường xuyên cho họ mới giữ chân được họ. Tuy nhiên, mấy bữa nay vào mùa cấy hái, người lao động lại đổ về quê làm mùa nên anh phải đánh vật với vườn cam. 
 

Người làm nghỉ việc khiến chủ trang trại Bùi Văn Thiết, thôn 1 An Thạch, xã Thái Sơn (Hàm Yên)
chật vật khi chăm sóc 8 ha cam.

 

Theo anh Thiết, thời điểm này tìm kiếm người làm còn dễ đến lúc vào mùa thu hoạch cam thì là cả vấn đề lớn. Trong 3 năm qua, anh phải lặn lội lên Chiêm Hóa, Na Hang, thậm chí là sang cả Hà Giang, Bắc Cạn để tìm người làm, thế mà có lúc cũng… về không. Thuê người lao động ở xa phải bố trí chỗ ăn ở cho họ, chi phí tăng thêm nhưng phải chấp nhận. Đây là điều mà nhiều chủ nhà vườn trên địa bàn huyện Hàm Yên phải làm như anh Thiết.

Tại các vùng trồng mía Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang, Yên Sơn, tình trạng thiếu nhân công khiến người làm mía không muốn đầu tư canh tác. Ông Nguyễn Văn Tuyên, xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) đang bỏ dần diện tích mía vì không có người làm. Ông Tuyên cho biết, con cái đi học, đi làm ăn xa hết, để chăm sóc, thu hoạch 3 ha mía ông Tuyên đã phải thuê hoàn toàn từ trồng, chăm sóc, chặt, bốc xếp... Ông Tuyên bảo rằng, nếu cứ đà này gia đình ông sẽ bỏ trồng mía để chuyển sang trồng rừng hoặc trồng cây ăn quả tốn ít công lao động hơn.  

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích mía phế canh từ năm 2016 đến nay đã tăng lên 1.695,4 ha, nguyên nhân chính là không có người làm mặc dù thị trường tiêu thụ mía rất ổn định. Ông Vũ Xuân Hà, Chủ tịch UBND xã Hào Phú (Sơn Dương) cho biết, năm 2015 xã có trên 200 ha mía, đến nay chỉ còn 100 ha. Nguyên nhân cũng chỉ vì không có lao động làm mía. Hiện nay, thanh niên, phụ nữ đi làm tại các nhà máy, khu công nghiệp công việc ổn định, có thu nhập, không còn quan tâm đến trồng mía nên nhiều diện tích mía bị phế canh, xã không hoàn thành mục tiêu phát triển vùng mía.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho rằng, hiện nay dây chuyền ép mía đã được công ty đầu tư nâng công suất từ 2.500 tấn/ngày lên 4.000 tấn/ngày, lượng mía nguyên liệu cho dây chuyền ép tăng gần gấp đôi nên đòi hỏi tiến độ thu hoạch cũng phải nhanh hơn. Tuy nhiên, trước thực tế nguồn lao động đang bị thiếu hụt nghiêm trọng như hiện nay sẽ khó có thể đáp ứng dây chuyền sản xuất. Thực tế đã cho thấy, vụ ép vừa qua, do không có lao động đốn chặt, dây chuyền ép mía của 2 nhà máy hoạt động không hết công suất thiết kế.

Nguyên nhân cốt lõi

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, tình trạng thiếu lao động sản xuất nông nghiệp ngày một gay gắt. Nguyên nhân là do “làn sóng” người trong độ tuổi đi làm việc tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, nhà máy, xuất khẩu lao động ngày càng nhiều. Thêm nữa là sản xuất nông nghiệp mang tính mùa vụ và tiềm ẩn không ít rủi ro, thị trường bấp bênh khó cạnh tranh được với các ngành nghề khác. Nếu làm phép so sánh, 1 lao động nông nghiệp làm 1 sào ruộng trong 1 năm cày, cấy, chăm sóc, thu hoạch được trên 4 tạ thóc, với giá thị trường hiện nay được trên 3 triệu đồng, không bằng 1 tháng đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp, ngành nghề dịch vụ. Đây là nguyên nhân cốt lõi khiến người lao động nông nghiệp hiện nay không tập trung đầu tư sản xuất mà luôn theo đuổi việc làm ở các ngành nghề khác.
 

Gia đình chị Hoàng Thị Dung, xã Thái Hòa (Hàm Yên) không có nhân lực do đi làm ăn xa
nên phải thuê người thu hoạch lúa xuân.

 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đại Thành cho rằng, hệ quả của việc thiếu lao động đã và đang gây khó khăn cho ngành trong việc thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế.  Không những vậy, thiếu hụt lao động còn gia tăng chi phí, tăng tổn thất và giá trị sản phẩm bị giảm đi rất nhiều. Thực tế cho thấy tình trạng không có lao động thu hoạch mía những năm gần đây nhiều diện tích mía đã trổ bông làm giảm trữ lượng đường gây thiệt hại cho không chỉ người trồng mía mà cả doanh nghiệp.Tại xã Thái Bình (Yên Sơn) những năm gần đây một số hộ dân đã xếp sản xuất nông nghiệp vào thứ yếu. Thay vì tập trung cho sản xuất nông nghiệp như trước đây, người dân Thái Bình giờ đã chuyển dần sang làm dịch vụ và đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Không còn lao động làm việc nên một số diện tích đất nông nghiệp gần như không được khai thác sử dụng triệt để. Tại các thôn Tân Ca, Bình Ca một số diện tích đất lúa giờ đây bà con chỉ sản xuất vụ mùa, vụ chiêm đất bị bỏ không. Ông Nguyễn Văn Tỵ, thôn Bình Ca chia sẻ, gia đình có 2,5 sào ruộng 1 vụ, mấy năm trước gia đình thường luân canh vụ chiêm trồng màu, vụ mùa trồng lúa thì 2 năm trở lại đây vì không có người làm, nên vụ chiêm gia đình  bỏ không, chỉ tập trung vào vụ mùa.

Bài 2: Lời giải cho bài toán thiếu hụt lao động nông nghiệp
 

Nguồn: http://www.baotuyenquang.com.vn

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8286089

Đang Online : 220