Nghiên cứu - Trao đổi

Thiếu hụt lao động nông nghiệp Nguyên nhân và giải pháp

Ngày Đăng: 16/7/2018 16:19 Lượt xem: 583

Bài 2: Lời giải cho bài toán thiếu hụt lao động nông nghiệp
Theo các chuyên gia nông nghiệp, vấn đề thiếu hụt lao động mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp hiện nay có thể giải quyết bằng tích tụ ruộng đất tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để đầu tư sản xuất; đẩy mạnh cơ giới hóa để giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, đây là vấn đề tương đối nan giải.
Những khó khăn
Chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên bò sữa Việt Nam - Trang trại bò sữa Tuyên Quang tại xã Phú Lâm (Yên Sơn), có quy mô chăn nuôi 2.000 con bò, trong đó có trên 1.000 con đang cho khai thác sữa. Mặc dù đi vào hoạt động đã trên 10 năm, song đến thời điểm này trang trại mới chỉ tích tụ được 5 ha đất để trồng cây làm thức ăn cho đàn bò. Bà Vũ Thị Hải Yến, Giám đốc Chi nhánh cho biết, do không tích tụ được đủ diện tích đất nên trang trại đang phải ký hợp đồng với 50 hộ dân quanh khu vực để trồng 35 ha cỏ làm thức ăn cho đàn bò. Theo bà Yến, diện tích cỏ này cũng không đủ, chủ yếu là để dự phòng, còn trang trại vẫn phải hợp đồng với các đầu mối đi thu gom mua cây ngô non ở khắp các địa phương trong tỉnh với giá trên 1 triệu đồng/tấn làm thức ăn cho bò.
Ứng dụng cơ giới hóa vào thu hoạch tại cánh đồng mẫu lớn trồng lạc tại xã Lâm Xuyên (Sơn Dương)
đã giải phóng được sức lao động thủ công. Ảnh: Cao Huy
 
Trang trại bò sữa Hồ Toản, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) cũng rất khó khăn để tích tụ ruộng đất cho kế hoạch sản xuất của mình. Ông Lương Duy Toản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hồ Toản cho rằng, nhu cầu sử dụng đất hiện tại của doanh nghiệp ở mức tối thiểu là 30 ha và trong tương lai là 300 ha để mở rộng quy mô trang trại lên 1.000 con bò và mở rộng diện tích cây thức ăn, xây dựng nhà máy chế biến sữa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, doanh nghiệp mới được cấp 15 ha. 
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh có 92.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có gần 90.000 ha đất được cấp quyền sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân, chỉ có trên 2.000 ha của tổ chức kinh tế. Thực tế cho thấy, đất đã thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân thường manh mún và thu hồi để thực hiện các chương trình, dự án là rất khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh chưa đạt được mục tiêu đề ra. 
Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng gặp khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg hỗ trợ các tổ chức, cá nhân vay vốn mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong hai năm đầu vay vốn; 50% lãi suất cho năm thứ 3. Tỉnh cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực điều kiện đầu tư mua sắm máy móc ứng dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, vì nhiều lý do việc mua sắm máy móc để cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp vẫn chưa được như mong muốn. 
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay lực lượng lao động trẻ, có kiến thức đều đã đi làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, công trường. Số lao động ở vùng nông thôn hiện nay phần lớn là lao động đã lớn tuổi, ngại điều khiển máy móc. Hơn nữa chi phí đầu tư mua máy quá lớn trong khi chỉ phục vụ sản xuất của gia đình là chính, giá sản phẩm nông nghiệp lại bấp bênh nên  khó có thể thu hồi được vốn đầu tư.
Ông Hà Văn Ngạc, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn cho rằng, thực tế cho thấy, việc thực hiện Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ chỉ phù hợp với các hợp tác xã để tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hợp tác xã nào được vay vốn. 
Theo quy định, các hợp tác xã được tiếp cận nguồn vốn phải có tài sản thế chấp và tài sản thế chấp không được hình thành từ tài sản vốn vay... Ông Nguyễn Văn Ngân, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Ỷ La (TP Tuyên Quang) cho rằng, hợp tác xã nông nghiệp hiện nay chỉ có đất là tài sản giá trị để thế chấp, tuy nhiên hiện nay rất nhiều hợp tác xã chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì lấy đâu ra tài sản để thế chấp. Đây là những nút thắt khiến các tổ chức, cá nhân khó có thể tiếp cận được chính sách ưu đãi và bài toán cơ giới hóa, giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp vẫn rất nan giải. 

Người dân phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) sử dụng máy gặt đập liên hoàn
để giải phóng sức lao động thủ công.
 
Cần giải pháp đồng bộ
Tìm lời giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cần có giải pháp đồng bộ. Nhà nước cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, có quy định phù hợp về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân... nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Nhà nước nên quy hoạch đất nông nghiệp theo hai hướng: Quy hoạch cứng và quy hoạch mềm. Quy hoạch cứng là Nhà nước đưa ra những vùng, những loại đất không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng; quy hoạch mềm là Nhà nước đưa ra những vùng, những loại đất có tính tương đồng để người dân có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Nhà nước, cần vận động nông dân cùng tham gia với các hình thức: Nông dân góp vốn bằng diện tích ruộng đất, doanh nghiệp kinh doanh và chính nông dân là công nhân lao động hoặc doanh nghiệp ký kết hợp đồng với nông dân, nông dân vẫn là chủ thể trong quá trình sản xuất nhưng có sự giám sát của doanh nghiệp. 
Trên thực tế, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm (Yên Sơn) đã thực hiện mô hình liên kết để tích tụ ruộng đất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Người dân quanh khu vực góp vốn với công ty bằng diện tích đất trồng chè và công lao động, công ty có tiến bộ khoa học kỹ thuật, dây chuyền chế biến và thị trường tiêu thụ, lợi ích kinh tế chia đôi theo hướng cùng có lợi.
Riêng với việc cơ giới hóa sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo danh mục, chủng loại máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đến các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; khuyến khích người dân có nhu cầu thành lập tổ hợp tác đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị thực hiện cơ giới hóa ngoài mục đích phục vụ gia đình là làm dịch vụ. Song để đẩy mạnh cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng đều giữa các khâu sản xuất thì việc tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn cần phải được thực hiện. Hiện nay, nhiều địa phương đang xây dựng cánh đồng lớn như mô hình trồng mía tại xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa), trồng lạc tại xã Lâm Xuyên (Sơn Dương)... đã mang lại hiệu quả bước đầu. Đây là những mô hình cần được nhân rộng để thực hiện hiệu quả cơ giới hóa các khâu sản xuất, giải quyết vấn đề thiếu lao động nông thôn.
Bài 1: Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng
 
Nguồn: http://www.baotuyenquang.com.vn
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8286101

Đang Online : 232