Nghiên cứu - Trao đổi

Phát triển kinh tế lâm nghiệp: Những bước đi khoa học, hiệu quả Bài 2: Tích tụ đất đai, mở rộng quy mô rừng trồng

Ngày Đăng: 7/8/2018 10:57 Lượt xem: 711

Trong khi câu chuyện tích tụ ruộng đất trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều trở ngại, thì sự chủ động, thích ứng từ chính người trồng rừng và doanh nghiệp đã tạo ra những cánh rừng rộng lớn, cho nguồn thu nhập ổn định.

Từ tự phát

Xã Tiến Bộ (Yên Sơn) hiện có trên 3.100 ha rừng sản xuất. Bám rừng, có thu nhập từ rừng, nhiều hộ dân đã mở rộng diện tích từ 1-2 ha lên hàng chục ha. Anh Nịnh Văn Lìn, dân tộc Cao Lan, thôn Tân Biên 2 có 2 ha rừng từ những năm 2007. Mỗi năm tích cóp được ít tiền, anh lại bỏ tiền ra mua thêm vài ha rừng. Giờ thì diện tích rừng của gia đình anh đã có hơn 20 ha. Năm 2017, 13 ha rừng đầu tiên đến tuổi cho thu hoạch, đây cũng là một trong những ha rừng đầu tiên ở Tiến Bộ được cấp chứng chỉ FSC, nhờ thế mỗi ha cho thu từ 180 - 190 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng rừng thông thường. 

Công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi chăm sóc rừng trồng
theo hình thức liên doanh với công ty.

Vĩnh Lợi hiện có 744 ha rừng sản xuất với hơn 500 hộ tham gia trồng rừng. Anh Nguyễn Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi chia sẻ, khoảng 6-7 năm trở lại đây phong trào trồng rừng ở Vĩnh Lợi được lan tỏa đến từng hộ dân. Mỗi hộ dân trồng rừng có trung bình 4-5 ha rừng. Thu nhập từ trồng rừng mỗi năm ở Vĩnh Lợi đạt khoảng 5 tỷ đồng. Hiện xã đang vận động người dân chủ động tích tụ đất đai để mở rộng diện tích rừng trồng, gối vụ liên tục, để thay vì chờ đợi 6-7 năm mới được  khai thác rừng một lần, thì việc gối vụ sẽ giúp người trồng rừng có thu nhập đều đặn hơn.Ông Phạm Ngọc Tân, thôn Kim Ninh, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) hiện có 4,5 ha rừng đã gần đến tuổi khai thác. Ông Tân bảo, những năm đầu trồng rừng, ông không mấy chú tâm đến việc đầu tư thâm canh, vì nghĩ nguồn thu nhập từ rừng không ổn định. Nhưng từ khi Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa đi vào hoạt động ngay trên địa bàn xã, việc thu mua nguyên liệu được đẩy mạnh và tiêu thụ dễ dàng, gia đình ông yên tâm đầu tư thâm canh rừng bằng các giải pháp như sử dụng giống cây chất lượng cao, bón phân đúng, đủ liều lượng… Mỗi ha rừng đến tuổi cho thu hoạch cũng cho thu nhập của gia đình ông trung bình 60 triệu đồng.  

Theo số liệu từ Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh hiện có trên 420 nghìn ha rừng, trong đó rừng sản xuất có trên 240 nghìn ha, đa số diện tích rừng sản xuất thuộc về nhân dân. 

 Để người dân có thu nhập cao từ rừng, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2021, trong đó diện tích rừng nhân dân được hỗ trợ phải có từ 0,5 ha trở lên. Năm đầu tiên thực hiện (2018), tỉnh đã hỗ trợ gần 1,7 triệu cây giống chất lượng cao, trong đó trên 926 nghìn cây keo lai mô; 738 nghìn cây keo tai tượng nhập ngoại, tương đương 1.039 ha. Ngoài ra là các chính sách giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp theo các Quyết định 258/QĐ-UBND ngày 7-9-2015 về việc phê duyệt Phương án giao rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã quy hoạch lại là rừng sản xuất sau điều chỉnh phân 3 loại rừng theo Quyết định 1770/QĐ-CT, ngày 31-12-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh và Quyết định 1859/QĐ-UBND, ngày 31-12-2016 điều chỉnh quy hoạch phân 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020; chính sách giao rừng trồng bằng vốn ngân sách chuyển sang rừng sản xuất theo Đề án 65 về giao rừng trồng gắn với giao đất lâm nghiệp thuộc Chương trình 327 và Dự án 661 đã quy hoạch lại là rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh… 

Rừng keo hơn 20 ha của gia đình anh Nịnh Văn Lìn, thôn Tân Biên 2, xã Tiến Bộ (Yên Sơn).

Đến liên doanh

Liên doanh trồng rừng bắt đầu được các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện từ những năm 2006. Sau hơn chục năm thực hiện, đã thể hiện hiệu quả trên nhiều mặt: Doanh nghiệp giữ được đất được rừng, người dân tích tụ được đất đai mở rộng quy mô trồng rừng. 

Ông Bùi Thu Thủy, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình cho biết: Thời điểm bắt đầu liên doanh, năm 2006, số người tham gia liên doanh không nhiều do nhiều nguyên nhân, trong đó có cơ chế phân chia lợi nhuận. Sau 1 vài năm thực hiện, hiện nay, công ty đang thực hiện mô hình liên kết trồng rừng theo phương thức công ty đầu tư giống, phân bón, thiết kế kỹ thuật và quản lý chung, người dân bỏ nhân công trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác, khi kết thúc chu kỳ khai thác sẽ chia sản phẩm  theo tỷ lệ đầu tư của mỗi bên. Thay vì mức phân chia 50:50 hay 60:40 như trước đây, công ty thực hiện theo hình thức bên nào đầu tư nhiều hơn sẽ được hưởng thành quả nhiều hơn. Cơ chế này tạo ra những tác động tích cực hơn khi toàn bộ 1.400 ha rừng của đơn vị đã có 100% diện tích được liên doanh với công nhân, với người dân để trồng, chăm sóc và bảo vệ, với hơn 200 lượt hộ gia đình tại các xã Trung Trực, Kiến Thiết, Tân Long, Tân Tiến, Tràng Đà… tham gia liên doanh. Ông Thủy cho biết, lợi ích của liên doanh là không thể phủ nhận. Từ khi có cơ chế trồng rừng liên doanh, công ty tiết kiệm được chi phí khi giảm một lượng lớn nhân công bảo vệ rừng. Khi thực hiện liên doanh, các hộ coi khu rừng là tài sản của mình nên việc chăm sóc, bảo vệ rừng được tốt hơn, hạn chế mất mát. Nếu như trước đây, mỗi ha rừng chỉ cho sản lượng gỗ khai thác từ 60 - 70 m3/ha thì nay đã tăng lên 90 - 100 m3/ha. Sản lượng gỗ tăng giúp thu nhập của các hộ trồng rừng tăng lên. Thực hiện liên kết trồng rừng cũng tạo ra nhiều việc làm cho người dân.

Gia đình bà Nguyễn Thị Tâm, thôn Khuổi Lếch, xã Trung Trực (Yên Sơn) giờ là một trong những hộ nhiều rừng nhất xã, với hơn 20 ha. Năm 2006, khi Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình có cơ chế liên doanh trồng rừng với nhân dân, gia đình bà nhận hơn 2 ha. Bà Tâm chia sẻ, khi mới bắt đầu nhận rừng liên doanh, bà chỉ nghĩ đơn giản là nhận để đấy thôi, vì thời điểm đấy phong trào trồng rừng chưa được quan tâm như bây giờ. Nhưng sau nhận thấy việc trồng rừng mang lại nhiều hiệu quả: Gia đình có tư liệu sản xuất, việc đầu tư ban đầu để trồng rừng (từ cây giống, phân bón, đến kỹ thuật, thiết kế hồ sơ trồng rừng) đều có công ty đứng ra hỗ trợ, nên mỗi năm gia đình bà nhận nhiều thêm một chút. Từ hơn 2 ha đầu tiên, đến nay, bà Nguyễn Thị Tâm đã có hơn 20 ha, mỗi năm gia đình bà có 4-5 ha rừng đến tuổi khai thác. Theo tính toán, sau khi đã trừ chi phí đầu tư cho công ty, số tiền bỏ ra của gia đình bà đạt hơn 200 triệu đồng, riêng năm 2017 còn lãi hơn 400 triệu đồng. 

Cùng thôn Khuổi Lếch, gia đình ông Nguyễn Viết Hạnh cũng có hơn 10 ha rừng liên doanh với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình. Theo ông Hạnh, liên doanh với công ty lâm nghiệp trong trồng rừng có rất nhiều lợi ích: Được cung cấp nguồn cây giống chất lượng, đảm bảo; được hướng dẫn toàn bộ kỹ thuật  trồng, chăm sóc; cơ chế “ăn chia” hoàn toàn theo thỏa thuận… Từ những ha rừng liên doanh với công ty lâm nghiệp, bà Nguyễn Thị Tâm, ông Nguyễn Viết Hạnh… trở thành những hộ có thu nhập cao ở Trung Trực, nguồn thu từ rừng mỗi năm sau khi trừ chi phí không dưới con số 200 triệu đồng. 

Công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi chăm sóc rừng trồng
theo hình thức liên doanh với công ty.

Gần 25 năm gắn bó với rừng, gia đình anh Dương Văn Bắc, thôn Đồng Tậu, xã Lương Thiện (Sơn Dương) hiểu được giá trị kinh tế của rừng đem lại. Hiện tại gia đình anh có chục ha rừng trồng theo cơ chế liên doanh với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương và là hộ trồng nhiều rừng nhất ở xã. Anh Bắc cho biết, năm 2006, công ty có chính sách liên doanh với người dân thực hiện trồng rừng theo phương thức công ty đầu tư giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, anh mạnh dạn nhận hơn chục ha… Từ khi có rừng, các thành viên trong gia đình có công ăn việc làm, thu nhập từ rừng mỗi năm cũng đạt trên 100 triệu đồng. Nguồn thu này chưa hẳn là cao, nhưng là nguồn thu nhập ổn định và xứng đáng với công sức, tâm huyết mà gia đình bỏ ra để chăm sóc, bảo vệ. Cơ chế liên doanh trồng rừng với nhân dân hiện đã được tất cả các công ty lâm nghiệp trên địa bàn thực hiện, với hàng nghìn lượt hộ dân tham gia liên doanh. Mô hình liên doanh đã tạo ra cuộc cách mạng khi thay vì chỉ sở hữu 1-2 ha rừng, nhiều hộ dân có hàng chục ha rừng. Diện tích rừng lớn, thay vì phải chờ đợi 7-8 năm mới được khai thác 1 lần, các hộ dân tham gia liên doanh trồng gối vụ để mỗi năm đều có diện tích cho khai thác. Thu nhập từ rừng ổn định, giúp họ yên tâm, gắn bó với rừng. 

Anh Nguyễn Tiến Khanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương cho biết: Hiện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương có 2.534 ha rừng, ngoài 7 ha rừng thông trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì toàn bộ diện tích này đang được đơn vị liên doanh với hơn 500 hộ dân và các công nhân trồng, chăm sóc, bảo vệ. Cơ chế liên doanh đã tạo ra lợi ích kép, khi đất rừng của công ty được bảo vệ, công tác quản lý rừng được giữ vững, người liên doanh có thu nhập ổn định. Theo tính toán, mỗi ha rừng liên doanh, sau khi đã trừ chi phí, người trồng rừng còn lãi 50 triệu đồng/ha. Cơ chế phân chia lợi nhuận cũng được thay đổi theo từng thời kỳ, nếu trước đây là công ty hưởng 37%, người dân hưởng 63% thì từ năm 2014 trở lại đây, cơ chế này là 41-59. Anh Khanh lý giải cơ chế thay đổi là do công ty tập trung đầu tư giống cây chất lượng cao như keo lai mô, keo hạt ngoại; tăng lượng phân bón cho một ha rừng. Tỷ lệ rừng được trồng bằng các giống chất lượng cao của công ty hiện chiếm 70%, có thời điểm đạt trên 80% (năm 2015, 2016). Theo dự tính, mỗi ha rừng trồng bằng giống chất lượng cao sẽ tăng năng suất thêm 20%. 

Cơ chế liên doanh hiện đang được 5 công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, gồm: Chiêm Hóa, Yên Sơn, Nguyễn Văn Trỗi, Tuyên Bình, Sơn Dương thực hiện đồng bộ. Ngoài các công ty lâm nghiệp, các doanh nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn cũng đã và đang thực hiện một số hình thức liên doanh, liên kết trồng rừng như: Liên kết giữa các công ty lâm nghiệp với các hộ dân; liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến với các hộ dân; liên kết giữa các công ty chế biến với nhóm hộ trong quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng; liên kết giữa các công ty lâm nghiệp của tỉnh với công ty chế biến... Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, hình thức liên doanh, liên kết trồng rừng khiến diện tích rừng trồng tăng hàng năm, thu nhập của người dân được nâng cao, đồng thời phá vỡ sự độc quyền trong tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, khi thực hiện liên kết, các doanh nghiệp cũng chủ động nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến của mình. Việc liên doanh, liên kết tạo thành chuỗi giá trị khép kín từ trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm và luôn đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa các bên.

Tích tụ đất trồng rừng đang xóa bỏ dần những diện tích bỏ hoang sau bao năm, thay vào đó là màu xanh bạt ngàn đã được phủ đầy. Tư liệu sản xuất không thiếu, giờ đây khi mọi thứ đã vào guồng quay, người trồng rừng ở Tuyên Quang đã hoàn toàn sống khỏe nhờ vốn rừng khi mỗi năm, giá trị từ kinh tế lâm nghiệp tăng bình quân 4,54%/năm. Riêng năm 2017, giá trị ngành lâm nghiệp năm 2017 đạt trên 996 tỷ đồng. Mỗi năm, các địa phương trong tỉnh hoàn thành trồng mới trên 10 nghìn ha, đưa Tuyên Quang trở thành 1 trong 3 tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất của cả nước, cùng với Bắc Kạn và Quảng Bình.

(còn nữa)

Bài 1: Quyết liệt bảo vệ và phát triển rừng
 

Nguồn: http://www.baotuyenquang.com.vn

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8286094

Đang Online : 225