Nghiên cứu - Trao đổi

Phát triển kinh tế lâm nghiệp: Những bước đi khoa học, hiệu quả

Ngày Đăng: 7/8/2018 11:4 Lượt xem: 572

Theo số liệu của ngành Nông nghiệp và PTNT, Tuyên Quang hiện là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về độ che phủ của rừng, với 64%. Đây là nỗ lực trong rất nhiều năm của tỉnh, làm nên lợi thế để khắc phục những bất lợi về địa kinh tế, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao đời sống người trồng rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, việc bảo vệ và phát triển rừng là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp Tuyên Quang bảo vệ môi trường sống, phòng tránh thiên tai. Báo Tuyên Quang giới thiệu loạt bài viết về công tác này.

Bài 1: Quyết liệt bảo vệ và phát triển rừng 

“Rừng gắn liền với máu thịt con người” đó là phương châm của Tuyên Quang trong tiến trình phát triển. Do vậy, Tuyên Quang đã quyết liệt bảo vệ và phát triển rừng, coi rừng là lợi thế và là động lực phát triển. Làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhiều năm qua, Tuyên Quang hạn chế được những thiệt hại do thiên tai gây ra, là tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xây dựng Tuyên Quang trở thành nơi đáng sống…

Những giải pháp chiến lược


Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Na Hang tuần tra, bảo vệ rừng khu vực xã Năng Khả. Ảnh: Quốc Việt

Đến Tuyên Quang ai cũng thừa nhận nơi đây có khí hậu trong lành, đặc biệt là không bị ảnh hưởng nhiều bởi lụt bão, hạn hán. Điều này có nhiều nguyên nhân nhưng yếu tố cốt lõi là Tuyên Quang đã làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng. Những cánh rừng tự nhiên, rừng trồng ngút ngàn bao bọc, chở che chống rửa trôi đất, là lá chắn cho mỗi bản làng phòng chống bão lụt, điều tiết nguồn nước sản xuất.

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, chuyên gia lâm nghiệp Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Lâm nghiệp đã có hơn 60 năm gắn bó với rừng, bước chân ông đi khắp các nẻo rừng cả nước, trong đó có Tuyên Quang, điều ông luôn thấy thú vị là người dân vùng đất này yêu rừng như “máu thịt” của mình. Ông đã từng làm việc với lãnh đạo tỉnh nhiều thời kỳ, ông chưa thấy nơi nào có sự vào cuộc quyết liệt đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng như lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ đều xác định rừng là lợi thế phát triển của tỉnh, từ đó có những chính sách cụ thể để khơi dậy sự vào cuộc của người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Khi người dân là chủ rừng, chắc chắn rừng không bị khai thác trái phép, nhất là rừng tự nhiên được bảo vệ một cách nghiêm ngặt thực sự là “lá phổi xanh” của sự sống. Đây là yếu tố căn cốt để Tuyên Quang thu hút được các dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản, phát triển du lịch sinh thái ở Tân Trào (Sơn Dương), Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang...


Cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang tuần tra, bảo vệ rừng
nguyên sinh tại khu vực xã Khâu Tinh (Na Hang). Ảnh: Quốc Việt

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, bảo vệ và phát triển rừng đã làm nên thương hiệu Tuyên Quang. Nếu không có rừng, Tuyên Quang không còn lợi thế phát triển. Tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025; hoàn thành quy hoạch phân 3 loại rừng.

Theo đó, toàn tỉnh hiện có hơn 448,681 ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 46.934 ha rừng đặc dụng, hơn 121.629 ha rừng phòng hộ, hơn 280.117 ha rừng sản xuất. Một loạt giải pháp bảo vệ rừng nghiêm ngặt được triển khai với việc thành lập các Hạt Kiểm lâm tại 3 khu rừng đặc dụng Tân Trào (Sơn Dương), Na Hang, Cham Chu (Hàm Yên); thành lập 2 Ban Quản lý rừng phòng hộ tại Na Hang, Lâm Bình; thành lập 40 trạm kiểm lâm và 40 chốt bảo vệ rừng tại các huyện làm nhiệm tuần tra, kiểm soát, bảo vệ tại các địa bàn có nguy cơ rừng bị xâm hại. 


Rừng keo 4 năm tuổi của người dân xã Công Đa (Yên Sơn). Ảnh: Trần Liên

Tỉnh thực hiện nhiều chính sách cho công tác bảo vệ và phát triển rừng như hỗ trợ kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng mỗi năm để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho lực lượng tuần rừng; hỗ trợ cây giống chất lượng cao là giống keo lai nuôi cấy mô và giống keo tai tượng hạt nhập từ Australia cho người trồng rừng; ban hành chính sách trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy, theo đó hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực khi trồng rừng thay thế nương rẫy và hộ dân tộc thiểu số có diện tích chuyển đổi nương rẫy sang trồng rừng tối thiểu từ 0,5 ha tập trung trở lên được hỗ trợ bằng tiền mặt tương đương 15 kg gạo/nhân khẩu/tháng. Thời gian hỗ trợ bắt đầu từ thực hiện trồng rừng, tối đa không quá 7 năm.

Công tác phòng, chống cháy rừng được Tuyên Quang thực hiện hiệu quả. Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng nhấn mạnh, ngoài làm tốt công tác diễn tập, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, Tuyên Quang đã ứng dụng hiệu quả công nghệ cao cảnh báo nguy cơ cháy rừng. Đó là phần mềm cảnh báo cháy rừng có thông báo điểm nghi cháy bằng tin nhắn và phần mềm dự báo nguy cơ cháy rừng. Tuyên Quang là một trong những địa phương đầu tiên ứng dụng các công nghệ này vào dự báo và cảnh báo cháy rừng, góp phần giữ gìn màu xanh cho đất, tạo động lực mạnh mẽ để Tuyên Quang thực hiện tốt mục tiêu trở thành hình mẫu trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân.

Động lực phát triển


Công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình chăm sóc cây giống phục vụ trồng rừng 

Các chuyên gia lâm nghiệp, khí tượng thủy văn đã cảnh báo về sự “trả thù” của thiên nhiên khi con người tàn phá rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.  Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lũ lụt, hạn hán nhưng yếu tố căn bản là rừng, nhất là rừng tự nhiên bị tàn phá. Những cánh rừng tự nhiên bị “xẻ thịt”, chỉ còn lại đồi núi trọc làm đất bị rửa trôi gây ra lụt lội, sạt lở. 

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Ngọc Lung nhấn mạnh, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả sẽ hạn chế được 80% thiệt hại do thiên tai gây ra. Các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Tuyên Quang là “rốn” mưa của cả nước, nếu không có rừng, khi xảy ra mưa nhiều với lượng lớn làm mất đi độ kết dính của đất gây nên lũ lụt, sạt lở, tiềm ẩn những rủi ro khôn lường đến cuộc sống của người dân. Do đó, vai trò của rừng, nhất là rừng tự nhiên với nhiều tầng cây hỗn giao sẽ hút nước, biến nước mưa trở thành nước ngầm, nước không còn chảy tràn trên mặt, không làm thành lũ lụt được. 

Tuyên Quang đã làm tốt công tác giữ rừng tự nhiên với hơn 225.955 ha tập trung ở các vùng thượng nguồn Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên… Có  rừng bao bọc tạo sự an toàn cho các hồ đập thủy điện, giữ nước để hạn chế nước lũ đổ về hạ du. Vậy nên, trong nhiều năm qua, thành phố Tuyên Quang không còn cảnh “chưa mưa đã lụt”, thu hút được các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, diện mạo thành phố ngày càng khởi sắc, tạo đà để đến năm 2020 trở thành đô thị loại II.


Rừng tự nhiên tại xã Lương Thiện (Sơn Dương) được bảo vệ nghiêm ngặt 

Bà Vũ Thị Thu, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang cho biết, nguyên nhân lũ lụt kết hợp bởi nhiều yếu tố như địa chất yếu, độ dốc lớn, rừng bị tàn phá… Trong đó rừng bị tàn phá là nguyên nhân căn bản gây ra tình trạng lũ quét, sạt lở làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tuyên Quang đã làm tốt công tác giữ rừng đầu nguồn, hạn chế được lượng mưa rửa trôi đất, tình trạng lũ lụt, sạt lở không đáng kể. 

Ông Nguyễn Văn Sáng, chuyên viên Phòng Quản lý đê điều và chống thiên tai, Chi cục Thủy lợi tỉnh nhấn mạnh, Tuyên Quang có dãy núi Tam Đảo và Hoàng Liên Sơn che chắn, bao bọc, cộng với độ che phủ của rừng lớn nên đã hạn chế được những thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong khoảng hơn 1 thập kỷ qua, Tuyên Quang không xảy ra lụt bão lớn, nguồn nước được đảm bảo cho sản xuất, thực hiện hiệu quả các mục tiêu của tỉnh về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng phục vụ xây dựng cánh đồng lớn, phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới. 

Quyết liệt trong công tác bảo vệ và phát triển rừng đã tạo cho Tuyên Quang những lợi thế riêng, do đó đã thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản như Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang và các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch sinh thái như Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường…

(Còn nữa)

Bài 2: Tích tụ đất đai, mở rộng quy mô rừng trồng
 

Nguồn: http://baotuyenquang.com.vn

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8286090

Đang Online : 221