Nghiên cứu - Trao đổi

Phát triển kinh tế lâm nghiệp: Những bước đi khoa học, hiệu quả

Ngày Đăng: 10/8/2018 9:51 Lượt xem: 550

Bài 3: Phát triển và nâng cao giá trị rừng bằng chứng chỉ quốc tế

 
Ông Gregorio crespo Espnosa (thứ 3 từ trái sang), chuyên gia của tổ chức GFA (Đức) trong một cuộc khảo sát, đánh giá
để cấp chứng chỉ rừng tại xã Nhữ Hán (Yên Sơn).   Ảnh: Duy Hùng

Năm 2015, Tuyên Quang bắt đầu thí điểm xây dựng chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị rừng thế giới FSC. Tỉnh chủ động mời gọi Công ty cổ phần Woodsland ký kết thỏa thuận hợp tác, lựa chọn đơn vị tư vấn, xây dựng lộ trình cụ thể cho từng hoạt động. Một đoàn cán bộ lâm nghiệp, chủ hộ trồng rừng được tổ chức đến Quảng Trị tham quan và học hỏi về cấp chứng chỉ rừng.

FSC là một tiêu chuẩn quốc tế có những đòi hỏi ngặt nghèo. Hệ thống nguyên tắc và chuẩn mực của FSC đòi hỏi sản phẩm từ rừng phải có tính pháp lý, việc trồng rừng phải đảm bảo các yêu cầu về môi trường, xã hội, kinh tế. Sản phẩm rừng có nhãn FSC có giá bán cao hơn ít nhất 10% so với sản phẩm không có nhãn. Người trồng rừng phải tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc về pháp luật, trách nhiệm với việc sử dụng và sở hữu, mối quan hệ cộng đồng và quyền của người lao động. Ngoài ra còn phải lưu ý các tác động về môi trường, quản lý theo kế hoạch, hạn chế khai thác trắng, thiết kế đường vận xuất sản phẩm nhằm giữ rừng, tránh sạt lở đất… Chính vì vậy, tham gia FSC là tham gia xu thế hội nhập bắt buộc hiện nay để phát triển kinh tế rừng và bảo vệ môi trường bền vững.

Nói về ngày đầu triển khai việc cấp chứng chỉ FSC, kỹ sư Lê Thanh Hà, chi cục Lâm nghiệp tỉnh - một trong những người được giao triển khai chứng chỉ FSC từ những ngày đầu của tỉnh vẫn chưa hết ngao ngán: Mình phổ biến bà con phô tô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chứng minh tính pháp lý của rừng trồng, bà con cho là mình lừa đảo, gom sổ đỏ của dân để trục lợi cá nhân. Mình giảng giải chứng chỉ FSC yêu cầu phải thu gom các túi bầu cây giống và bao bì thuốc bảo vệ thực vật để xử lý, bà con cho là rườm rà. Hay như việc FSC yêu cầu mỗi diện tích rừng ven suối cần chừa một khoảng không trồng rừng để lấy chỗ cho các sinh vật khác sinh sống nơi bờ nước, bà con tiếc rẻ “Chỗ đất ấy cây mọc tốt hơn so với trên đỉnh đồi, là bao nhiêu gỗ của nhà tôi”…

Nhóm trưởng và thành viên xã Phú Thịnh (Yên Sơn) kiểm tra, giám sát
chăm sóc rừng trồng theo quy trình của FSC.

Ông Phạm Văn Sơn, thôn Mỹ Lộc, xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn thì bảo ngày đầu triển khai, dân trong xóm bán tín bán nghi: rừng đã có sổ đỏ, cần gì chứng chỉ. Có người thận trọng “Giọng miền trong này của tay tư vấn về FSC giống giọng mấy tay đa cấp về xóm lừa bữa trước”. Khiến cán bộ chi cục lâm nghiệp phải cạy cục mời nhân viên tư vấn khác. 

Với các công ty lâm nghiệp, ngày đầu cũng không đơn giản. Báo cáo đánh giá của GFA (tổ chức được FSC ủy nhiệm để thực hiện các dịch vụ đánh giá cấp chứng chỉ FSC) đối với công ty bao gồm những nội dung cực kỳ chi tiết từ quy mô chứng chỉ đến số tai nạn trong các hoạt động lâm nghiệp, kế hoạch đánh giá giám sát, danh sách các dịch vụ quản lý rừng đến việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu. Nhiều thói quen canh tác trước đây bị coi là lỗi như thiếu quần áo bảo hộ cho người làm rừng, dùng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, khai thác trắng gây sạt lở đất, chưa có chiến  lược phục hồi thành rừng tự nhiên…    

Thu nhập cao hơn trước


Nông dân thôn Nà Pồng, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) sử dụng máy xén cỏ chăm sóc rừng trồng.

Xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa có gần 783 ha rừng FSC, nhiều nhất trong số 7 xã toàn tỉnh đã được cấp chứng chỉ cho nhóm hộ. Phó chủ tịch xã, trưởng nhóm Quan Thị Hường phấn khởi: ngày đầu có khó, nhưng nay dễ rồi. Bà con nghe cán bộ giải thích, nếu rừng không có chứng chỉ, thì sẽ có lúc bị ế như nuôi được lợn mà không có người mua; nên ai cũng nhiệt tình đăng ký. Một số hộ bán gỗ có chứng chỉ FSC thu nhập cao như hộ ông Quân Văn Tác, thôn Bản Giảo, hộ ông Hoàng Vĩnh Dũng, Quân Hồng Quang, thôn Nà Héc… Điển hình như hộ anh Ma Văn Thái, nhóm phó Tân Mỹ vừa sắm xe hơi mới nhờ bán gỗ rừng có chứng chỉ FSC. 

Xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn từ năm 2015 đến nay đã có 110 hộ tham gia nhóm hộ có chứng chỉ rừng, với 424 ha được cấp chứng chỉ. Trong đó có khoảng 35 ha đã được khai thác, sắp tới khai thác thêm hơn 41 ha nữa. Mỗi ha rừng khai thác có giá cao hơn trước khi có chứng chỉ trên 10 triệu đồng. Cả nhà phấn khởi. Dân trong xóm háo hức. Thấy có thu nhập cao, bà con thực hiện các quy định FSC rất nghiêm túc. 
Từ chỗ phải đi học cách làm FSC tận Quảng Trị, nay Tuyên Quang đã đón nhiều đoàn từ các tỉnh Bắc Cạn, Hà Tĩnh, Yên Bái, Hòa Bình đến tham quan, học tập cách làm rừng FSC. 

Không chỉ các nhóm hộ hào hứng với chứng chỉ rừng FSC, các công ty lâm nghiệp cũng coi đây là cơ hội để nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống người lao động. 

Toàn tỉnh hiện có 18.217,36 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Trong đó:

- 11.464,89 ha của 5 công ty TNHH MTV 
Lâm nghiệp. 

- 3.650,51 ha của 2 công ty lâm nghiệp thuộc Tổng công ty Giấy. 

- Số còn lại của 509 hộ gia đình thuộc 7 xã của Yên Sơn và Chiêm Hóa.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa có 5.517,43 ha rừng đã cấp chứng chỉ, đạt 82,31% tổng diện tích rừng đang quản lý. Tuy mới bước đầu, nhưng giá bán gỗ chế biến đã tăng từ 10 - 15%. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương đã có 2.480,46 ha được cấp chứng chỉ FSC, hàng năm công ty xuất bán khoảng trên 11.000 m3 gỗ, lợi nhuận tăng so với khi chưa có chứng chỉ khoảng trên 1 tỷ đồng. 

Các công ty TNHH MTV lâm nghiệp khác thuộc tỉnh quản lý cũng đã triển khai cấp chứng chỉ FSC như Tuyên Bình trên 1.419 ha, đạt 76,24%, Nguyễn Văn Trỗi 326 ha, đạt 25,54%, Yên Sơn 1.722 ha, đạt 45,83% diện tích rừng đang quản lý. Ngoài ra, 2 công ty lâm nghiệp trực thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam trên địa bàn Tuyên Quang cũng đã có 3.650,51 ha rừng FSC. 
Hơn cả giá trị kinh tế

Sau 4 năm thực hiện, việc quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC đã góp phần nâng cao nhận thức về phương thức quản lý, tập quán canh tác của người trồng rừng. Quan trọng hơn, đã giúp các chủ rừng nhận thức được sự ảnh hưởng to lớn của phương thức sản xuất mới đối với môi trường, xã hội và kinh tế. 

Khi người trồng rừng đã hiểu về tính cần thiết, xu thế hội nhập bắt buộc của việc quản lý rừng bền vững theo chứng chỉ quốc tế FSC thì phong trào trồng rừng được phát triển, ý thức bảo vệ môi trường rừng được nâng cao. Tại nhiều xã, bà con đã tự trang bị máy cắt cỏ, vừa giải phóng sức lao động, vừa thay hẳn việc phun thuốc trừ cỏ rất nguy hại lâu nay. Như xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa), hiện bà con đã tự mua gần 1.000 máy xén cỏ để chăm sóc rừng trồng. Anh Phan Văn Tào, thôn Sơn Thủy, xã Tân Mỹ mua máy xén cỏ nên gần 10 ha keo 3, 4 năm tuổi được chăm sóc dễ dàng, rừng tốt bời bời, ao cá dưới chân đồi không hề bị ảnh hưởng như các hộ dùng thuốc trừ cỏ trước đây.

Cán bộ Sở Nông nghiệp và PTNT giám sát việc khai thác gỗ rừng trồng theo quy trình trên diện tích rừng được cấp
chứng chỉ FSC của Công ty TNHH - MTV lâm nghiệp Sơn Dương.

Thực hiện chứng chỉ FSC nên tập quán đốt thực bì xưa nay của người trồng rừng Tuyên Quang cũng đã được loại bỏ, giảm hẳn số vụ cháy rừng. Tổng hợp của Chi cục lâm nghiệp tỉnh cho thấy, năm 2014 toàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy rừng, diện tích 3,52 ha; đến năm 2017 chỉ còn 2 vụ, 0,008 ha. Rừng không đốt thực bì, nên các vi sinh vật có lợi được bảo toàn, giúp cây sinh trưởng tốt, chống bệnh tật.

Giá trị đáng kể của trồng rừng theo chứng chỉ FSC còn là nâng cao nhận thức xã hội, năng lực quản lý của cá nhân và đơn vị trồng rừng. Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa Phạm Anh Tuấn khẳng định, sau khi được cấp chứng chỉ rừng, công ty đã quảng bá được hình ảnh và thương hiệu gỗ rừng trồng. Cán bộ nhân viên công ty được nâng cao ý thức trách nhiệm trong chuyên môn. Người dân thấy được lợi ích từ rừng nên phong trào trồng rừng sản xuất trên địa bàn huyện được phát triển. Ông Nguyễn Tiến Khanh, Phó giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương cũng khẳng định, việc quản lý rừng bền vững theo chứng chỉ FSC đã giúp công ty nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp.

Có thể khẳng định, sau thành công về bảo vệ và phát triển rừng, việc triển khai phương thức quản lý rừng bền vững theo chứng chỉ quốc tế FSC là giải pháp tiên tiến, hữu hiệu để Tuyên Quang thúc đẩy kinh tế rừng phát triển. Quan trọng hơn, để đảm bảo cho lá phổi của Thủ đô xanh ngày càng khỏe mạnh, môi trường tự nhiên Tuyên Quang ngày càng bền vững.    
 

>> Bài 1: Quyết liệt bảo vệ và phát triển rừng​
>> Bài 2: Tích tụ đất đai, mở rộng quy mô rừng trồng 
    


Nguồn: http://www.baotuyenquang.com.vn

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8285950

Đang Online : 74