Nghiên cứu - Trao đổi

Những đóng góp của đồng chí Tôn Đức Thắng với sự nghiệp cách mạng Việt Nam

Ngày Đăng: 19/8/2018 22:27 Lượt xem: 498

        Đồng chí Tôn Đức Thắng (1888-1980) là người chiến sĩ cách mạng kiên cường, mẫu mực, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam; người bạn chiến đấu gần gũi, thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc đấu tranh anh dũng của dân tộc, đồng chí là một trong những chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân, là tấm gương mẫu mực, tận tụy vì nước, vì dân.
       Thời kỳ hoạt động cách mạng trước 1945
        Sinh ra và lớn lên trên miền đất An Giang giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, Tôn Đức Thắng sớm có lòng yêu nước, thương dân. Năm 1907, sau khi học xong bậc tiểu học ở trường tỉnh Long Xuyên, Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn và bắt đầu cuộc đời làm thợ. Cùng với phong trào yêu nước diễn ra mạnh mẽ, đồng chí hòa mình ngay vào phong trào yêu nước của thợ thuyền và trở thành hạt nhân lãnh đạo của các cuộc đấu tranh, bãi khóa của học sinh Trường Bá nghệ Sài Gòn, là người tổ chức các cuộc bãi công của công nhân Ba Son năm 1912. Năm 1916, trở thành lính thợ trong lực lượng hải quân Pháp, tham gia vào cuộc phản chiến của thủy thủ trên Chiến hạm France ở biển Đen, ủng hộ giai cấp công nhân Nga trong cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Mười. Đây cũng là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời nhà yêu nước, chiến sĩ cộng sản quốc tế chân chính Tôn Đức Thắng.
        Sau sự kiện đó, Tôn Đức Thắng bị đưa ra khỏi lực lượng hải quân và bị trục xuất khỏi nước Pháp, đồng chí trở lại Sài Gòn tiếp tục làm việc và hoạt động trong phong trào công nhân, tích cực tham gia hoạt động nghiệp đoàn ở Sài Gòn, tổ chức và là người lãnh đạo Công hội bí mật đầu tiên ở Việt Nam. Đồng chí và Công hội đã tổ chức lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn, tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son (8/1925) với sự tham gia của hơn 1000 người.
          Đầu năm 1927, Tôn Đức Thắng bắt được liên lạc với các học trò của Nguyễn Ái Quốc và được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tháng 2/1927, kỳ bộ Nam kỳ được thành lập tại số 5 đường Babier, Sài Gòn (nay là đường Thạch Thị Thanh), đồng chí Tôn Đức Thắng được cử làm Ủy viên Kỳ bộ. Khi Thành bộ Sài Gòn - Chợ Lớn ra mắt, đồng chí Tôn Đức Thắng làm Bí thư. Từ đó, kỳ bộ Nam kỳ có sự đóng góp của Tôn Đức Thắng, phong trào công nhân Nam kỳ phát triển tiến lên những bước mới đặc biệt trong những năm 1926-1928.
         Tháng 7/1929, đồng chí bị địch bắt, suốt một năm bị địch giam cầm, tra tấn dã man trong Khám lớn Sài Gòn, Tôn Đức Thắng luôn giữa vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng kiên cường, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong Hồi ký của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng có kể lại: “… Được gần gũi anh Thắng ở Khám lớn (Sài Gòn) cũng như sau này ở Hầm xay lúa Côn Đảo, tôi cũng như tất cả mọi anh em bao giờ cũng quý mến ở đồng chí đức khiêm tốn rất cao, tấm lòng ngay thẳng độ lượng, ý thức tập thể vững chắc[1]. Không khuất phục được Tôn Đức Thắng, toà án thực dân Pháp đã kết án 20 năm tù khổ sai và đày ra nhà tù Côn đảo.
        Là người có kinh nghiệm trong tổ chức Công hội bí mật, ngay từ năm 1930, cùng với những người cộng sản Tôn Đức Thắng đã thành lập Hội những người tù đỏ để làm hạt nhân lãnh đạo ở trong tù do anh làm Hội trưởng. Đầu năm 1932, chi bộ đảng ở Côn đảo được thành lập, lúc đầu gồm 20 đảng viên, Tôn Đức Thắng tham gia Chi ủy, phụ trách tổ chức liên lạc, xuất bản báo, viết bài.. cùng với chi bộ Đảng, Tôn Đức Thắng tổ chức học tập lý luận chính trị, biến nhà tù thành trường học cộng sản; liên lạc với tổ chức Đảng ở đất liền, tổ chức vượt ngục… Suốt 15 năm liên tục bị đọa đày ở nơi được gọi là “địa ngục trần gian” nhưng sự bạo tàn của nhà tù đế quốc không khuất phục được người cộng sản Tôn Đức Thắng.
        Tham gia lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến kiến quốc (1945-1954)
        Ngay từ những ngày đầu cách mạng tháng Tám (1945), khi đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn: thù trong, giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt, yêu cầu cấp thiết khi đó là phải có một tổ chức thích hợp, rộng rãi nhằm tập hợp tất cả các thành phần giai cấp, các tầng lớp yêu nước vào công cuộc cứu nước, đồng chí Tôn Đức Thắng được Trung ương Đảng điều động từ Nam bộ ra công tác tại Trung ương. Tháng 3/1946, đồng chí ra tới Hà Nội, lần đầu tiên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người phân công chuẩn bị cho việc thành lập Hội Liên Việt.
        Sau Đại hội II của Đảng năm 1951, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tích cực chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh- Liên Việt. Đại hội diễn ra tại Việt Bắc, lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Mặt trận Liên - Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch danh dự, Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Mặt trận Liên - Việt. Trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, bằng tấm lòng chân thành, rộng mở, thật sự vì nước vì dân, đặt trách nhiệm phụng sự Tổ quốc lên trên hết, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã tập hợp, quy tụ được cả một “rừng cây đại đoàn kết” cùng hướng vào mục tiêu chung là giành độc lập cho Tổ quốc, dân chủ cho nhân dân, hòa bình cho thế giới.
        Cùng Đảng, Nhà nước lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trên cả hai miền Nam - Bắc (1954 -1969)
        Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới với hai chiến lược khác nhau ở mỗi miền. Đồng chí Tôn Đức Thắng cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trở về Hà Nội tiếp tục tham gia lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Dân tộc dân chủ nhân dân.
        Năm 1955, tại Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc đã thông qua Cương lĩnh, Điều lệ và quyết định tên mới của Mặt trận dân tộc thống nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại hội bầu Hồ Chí Minh làm chủ tịch danh dự, Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí đảm trách nhiệm vụ này đến năm 1977. Cùng với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng chí Tôn Đức Thắng đã lãnh đạo, động viên nhân dân ta ở hai miền Nam, Bắc khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hi sinh, đoàn kết một lòng xây dựng CNXH ở miền Bắc giành được nhiều thắng lợi to lớn và chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai ở miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
       Ngày 6/7/1960, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II được triệu tập tại Hà Nội, kỳ họp này đã bầu đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước và đồng chí Tôn Đức Thắng làm Phó Chủ tịch nước. Trên cương vị mới do nhân dân ủy thác, đồng chí Tôn Đức Thắng giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo vấn đề về công nghiệp, nông nghiệp. Đồng chí dành nhiều thời gian đến nhiều nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất… để nắm sát tình hình, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, hăng hái thi đua lao động sản xuất… Thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đoàn ngoại giao, các vị đại sứ, đại diện các nước…
        Ngày 22/9/1969, Quốc hội khóa III, kỳ họp thứ năm - phiên họp đặc biệt truy điệu tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và bầu chọn người kế tục chức vụ Chủ tịch nước. Quốc hội đã nhất trí bầu đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước. Trên cương vị trọng trách người đứng đầu Nhà nước, mặc dù tuổi đã cao, sức kém dần, Chủ tịch Tôn Đức Thắng vẫn có nhiều hoạt động, động viên toàn dân, toàn quân ra sức lao động, sản xuất, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, để thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ, đưa sự nghiệp chống Mỹ đến thắng lợi.
        Cùng Đảng, Nhà nước lãnh đạo công cuộc xây dựng CNXH trên cả nước (1975 - 1980)
         Tháng 4/1976 cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước và tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội đã quyết định đổi tên nước thành CHXHCN Việt Nam, đồng chí Tôn Đức Thắng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam thống nhất. Cùng với thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước, Đảng ta đã tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (12/1976), tại Đại hội này, đồng chí Tôn Đức Thắng tiếp tục được bầu vào BCH Trung ương Đảng.
         Kỷ niệm 130 năm ngày sinh đồng chí Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2018) người chiến sỹ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo lỗi lạc và mẫu mực. Trọn đời mình, đồng chí cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, là người góp phần tích cực vào việc thực hiện tình đoàn kết gắn bó giữa giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước. Đồng chí Tôn Đức Thắng đã để lại cho Đảng, Nhà nước, nhân dân ta một tấm gương sáng về chuẩn mực sống của một công dân yêu nước. Ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí luôn nêu cao tấm gương sáng về lòng trung thành, sự tận tụy, mẫu mực… hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
        Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn là một tấm gương mẫu mực, sáng ngời về nhân sinh quan và đạo đức cách mạng, cần - kiệm - liêm - chính, suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Ngày nay, trước những đòi hỏi của cuộc sống mới, tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng càng có ý nghĩa để mỗi cán bộ, đảng viên tích cực học tập, rèn luyện, noi theo để phấn đấu góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
 
Thạc sĩ Triệu Thị Bạch Vân
Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

[1] Nguyễn Duy Trinh, Con đường cách mạng, Nxb Thanh niên, 1970, tr.52,53

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8285941

Đang Online : 65