Nghiên cứu - Trao đổi

Một số kết quả trong việc thực hiện chính sách xã hội ở tỉnh Tuyên Quang hiện nay

Ngày Đăng: 13/9/2018 10:15 Lượt xem: 1233

          Từ nhiều năm qua, Ðảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Trong các kỳ Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên nhấn mạnh vai trò của chính sách an sinh xã hội và quyết tâm của Đảng trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) chỉ rõ: “Chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu, là động lực để phát triển nhanh và bền vững trong mọi giai đoạn phát triển”[1]. Mục tiêu cơ bản của chính sách xã hội là bảo đảm ổn định xã hội, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng và phát triển, hướng tới sự công bằng, tiến bộ xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: "Tiếp tục hoàn thiện chính sách, nâng cao mức sống người có công. Rà soát, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an sinh xã hội".[2]
          Cùng với quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang đã xác định ngày càng cụ thể hơn, đầy đủ hơn tầm quan trọng, mục tiêu và nội dung của việc giải quyết vấn đề xã hội, đặc biệt là an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI tiếp tục xác định: "Thực hiện tốt chính sách lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, tích cực đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội"[3]. Với nhận thức đó, Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Tuyên Quang và nòng cốt là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện có hiệu quả hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước về các lĩnh vực đời sống xã hội. Do đó, trong những năm qua, Chính sách xã hội ở Tuyên Quang được triển khai tích cực, toàn diện và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc chăm lo cho con người.
          Đối với Chính sách lao động việc làm, giáo dục nghề nghiệp, giảm nghèo. Tập trung triển khai thực hiện chương trình giáo dục nghề nghiệp - việc làm tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng từng bước cải thiện điều kiện sống; tổ chức điều tra rà soát nhu cầu sử dụng lao động, tiền lương tại các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; điều tra thu thập thông tin cơ sở dữ liệu thị trường lao động tại 2.096 thôn bản, tổ dân phố với 189.000 hộ gia đình; tư vấn lao động việc làm và học nghề cho người lao động; tư vấn lao động việc làm và học nghề cho 8.350 lượt người; cung cấp 281 lượt thông tin về tuyển dụng lao động trên trang Web và đài truyền hình tỉnh và Cổng thông tin điện tử Việc làm các huyện trong tỉnh. Năm 2017 đào tạo được 9.873/8000 lao động đạt 123% kế hoạch; đào tạo nghề cho lao động nông thôn 126/126 lớp, 4.242/4.315 học viên, đạt 98,3% kế hoạch; thẩm định hồ sơ Quyết định cho 3.023 lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng với tổng kinh phí 29.899 triệu đồng…
[4] Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, việc thực hiện chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo quy định. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung huyện nghèo được hưởng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
           Về Chính sách người có công với cách mạng, được Tỉnh ủy, UBND Tỉnh đặc biệt quan tâm với chế độ ưu đãi và toàn diện hơn. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 151-KH/TU ngày 31/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Cùng với chính sách ưu đãi người có công, các đối tượng tham gia các thời kỳ kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách và hỗ trợ của Nhà nước đối với người có công với cách mạng đúng, đủ, kịp thời. Cụ thể, đã tặng quà của Chủ tịch nước và quà của Tỉnh đối với đối tượng chính sách người có công trong dịp tết Nguyên đán và nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Quốc khánh 2/9 với 34.900 suất quà, số tiền: 6.356 triệu đồng; Lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà 72 người có công tiêu biểu, số tiền 50,4 triệu đồng nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Tuyên Quang (17/4/1947 – 17/4/2017); tổ chức điều dưỡng tập trung 120 người có công tại Trung tâm điều dưỡng Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa; tổ chức đưa người có công đi dự Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc tại Hà Nội, dự lễ tri ân của Ban chỉ đạo Tây Bắc tại Sơn La; tổng hợp gửi Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh 61 hồ sơ đề nghị tặng huân chương Độc lập hạng Ba cho gia đình có nhiều liệt sĩ… Các thiết chế chăm sóc người có công, tri ân các anh hùng, liệt sĩ ngày càng hoàn thiện và được quan tâm đầu tư. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được chú trọng, thể hiện tinh thần “Hiếu nghĩa bác ái”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta trong điều kiện mới. Hoàn thành việc tu bổ nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Sơn Dương, khu mộ Liệt sĩ tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Triển khai tu bổ nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Na Hang, xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chiêm Hóa. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nhà máy Z113 quy tập hài cốt liệt sĩ; đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào.
[5]
            Có thể khẳng định, những thành tựu về chính sách xã hội trong thời gian qua thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Điều đó góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là những người có công, gia đình chính sách. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế như: chất lượng đào tạo nghề sự gắn kết giữa đào tạo với doanh nghiệp chưa cao; tiến độ đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn chậm; tạo việc làm và giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao; mức trợ cấp ưu đãi người có công còn thấp; đời sống của một bộ phận người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất khó khăn; chênh lệch các chỉ số về an sinh xã hội giữa miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mức trung bình của cả nước còn lớn… Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, bên cạnh việc nâng cao năng suất, hiệu quả lao động nhằm tạo nguồn lực để  thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, thiết nghĩ cần đồng thời quán triệt thực hiện một cách đồng bộ các  giải pháp sau:
          Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, phải thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội gắn với tiến bộ xã hội, với mục tiêu cao cả là giải phóng triệt để con người, người dân phải được ấm no hạnh phúc. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị về thực hiện chính sách xã hội. Đổi mới các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các chương trình, chính sách đối với người có công và bảo đảm an sinh xã hội.
          Thứ hai, thực hiện có hiệu quả việc phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xã hội.
          Thứ ba, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và các điều kiện đảm bảo hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Trường Cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
          Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực cho việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thiện các quy định về việc quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo minh bạch, hiệu quả.
          Thứ năm, tiếp tục phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn, đẩy mạnh các phong trào Đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái, chăm sóc, giúp đỡ người có công, gia đình chính sách. Cần đa dạng các hình thức giúp đỡ cho phù hợp với hoàn cảnh của từng đối tượng, chú trọng hiệu quả, tránh mang tính hình thức phong trào. Hằng năm cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp ở địa phương phải có báo cáo cụ thể, rõ ràng về kết quả thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước tại địa phương  với cấp trên./.
                                                             Thạc sĩ Phạm Thị Hoa
                                                               Khoa Xây dựng Đảng
 
 

[1] Nghị quyết Trung ương 5 (khoá XI), Nxb CTQG, H. 2012, tr. 68.
[2] Văn kiện Đại hội đại  biểu toàn quốc lần thứ XII, tr300.
[3] Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020,tr123.
[4] Báo cáo số 1738/BC-SLĐTBXH, ngày 07/12/2017, Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2017- Phương hướng nhiệm vụcông tác năm 2018.
[5] Báo cáo số 1738/BC-SLĐTBXH, ngày 07/12/2017, tldd

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8285825

Đang Online : 551