Nghiên cứu - Trao đổi

Mô hình liên kết giữa Nhà nước – nhà doanh nghệp và nhà nông trong chăn nuôi trâu bò thương phẩm an toàn sinh học tại xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang

Ngày Đăng: 1/10/2018 8:8 Lượt xem: 1154

          Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững, trong những năm qua, Việt Nam đã tổ chức nhiều hình thức giao lưu, hợp tác, liên kết kinh tế … để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt là nông dân. Nhiều hình thức liên kết trong phát triển kinh tế được thực hiện như: Liên kết ngang (liên kết giữa các thành viên trong cùng một chuỗi sản xuất ở một cấp nhất định); liên kết dọc (liên kết giữa hai hay nhiều thành viên tham gia sản xuất ở các cấp khác nhau); liên kết nhiều nhà; liên kết khu vực…. Các hình thức liên kết đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng chuyên canh, tập trung, có quy mô sản phẩm hàng hóa ngày càng lớn. Nhờ đó, đời sống của người dân từng bước được ổn định, chất lượng cuộc sống được nâng cao, nhất là đời sống của người nông dân ở vùng nguyên liệu. Trong các hình thức liên kết về kinh tế nông nghiệp, liên kết nhiều nhà hiện đang là hình thức phổ biến nhất, với hàng ngàn các mô hình liên kết lớn, nhỏ được thực hiện trên khắp cả nước. Qua đó, góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, có chất lượng đồng thời đảm bảo thị trường tiêu thụ đầu ra cho nông sản.
          Không tách rời khỏi xu thế chung đó, hiện nay tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức liên kết, giao lưu hợp tác trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Các hình thức liên kết ba nhà, bốn nhà, năm nhà… được triển khai với nhiều hình thức tổ chức phong phú, đa dạng. Trong đó, liên kết ba nhà giữa Nhà nước – Nhà nông và Nhà doanh nghiệp được thực hiện khá phổ biến thông qua các mô hình cụ thể tại các địa phương. Tiêu biểu cho mô hình liên kết này là mô hình chăn nuôi trâu, bò thương phẩm an toàn sinh học tại xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang.
          Xã Hùng Mỹ là một xã miền núi của tỉnh Tuyên Quang, có diện tích tự nhiên rộng, chủ yếu là đồi, núi (chiếm khoảng 83% tổng diện tích tự nhiên toàn xã). Đất sản xuất phân bố chủ yếu theo lưu vực các con suối và đồi núi thấp. Toàn xã hiện có 14 thôn, gồm các thôn Dỗm, Nặm Kép, Đóng, Mũ, Thắm, Đình, Bảu, Ngầu 1, Ngầu 2, Rõm, Nghe, Nà Mý, Khun Thắng, Cao Bình. Do điều kiện đồi núi đất đai rất thích hợp để trồng cỏ cùng với khí hậu không quá rét, Hùng Mỹ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình chăn nuôi trâu bò cho hiệu quả cao.
          Căn cứ vào điều kiện địa hình và tự nhiên, đồng thời nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân trong xã, đầu tháng 12 năm 2017, Ủy ban nhân dân xã Hùng Mỹ đã triển khai thử nghiệm mô hình chăn nuôi trâu, bò thương phẩm an toàn sinh học  theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Để đảm bảo mô hình được thực hiện có hiệu quả, trước khi tổ chức thực hiện các hợp đồng liên kết chăn nuôi theo chuỗi, Ủy ban nhân dân xã Hùng Mỹ đã mời cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, cán bộ chuyên môn của địa phương tổ chức kiểm tra việc chuẩn bị bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật về chuồng trại, con giống, thức ăn tinh, thô xanh tại các hộ tham gia mô hình, đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, hệ thống truyền thông của tỉnh, huyện hướng dẫn kỹ thuật ủ chua thức ăn xanh (thân ngô, ngọn lá mía..) cho 15 hộ trên địa bàn xã để phục vụ chuỗi chăn nuôi trâu vỗ béo an toàn sinh học. Tổ hợp tác, các hộ chăn nuôi đã chủ động đầu tư xây dựng mới chuồng trại hoặc sửa chữa lại chuồng trại chăn nuôi trâu, bò theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật tỉnh, huyện và của hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành. Đồng thời, Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành Tuyên Quang cam kết chính sách cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi đầu vào và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm giống vật nuôi sau khi kết thức thời gian chăn nuôi.
          Nhờ mô hình liên kết theo chuỗi như trên, người nông dân không chỉ được cung ứng đầu vào mà còn được đảm bảo đầu ra nhờ việc bao tiêu sản phẩm. Sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn trong hệ thống chính trị từ tỉnh cho đến Ủy ban nhân dân xã cũng góp phần đem lại hiệu quả cho mô hình. Kết quả, sau ba tháng thực hiện mô hình nuôi trâu bò vỗ béo thương phẩm sinh học an toàn, đến tháng 4/2018 toàn xã Hùng Mỹ đã xuất bán 15 con trâu, tăng trọng bình quân 0,5 -1,5kg/con/ngày đêm, trừ chi phí còn lãi bình quân 1,8 – 4 triệu đồng/con; đồng thời xuất bán 05 con bò, sau 3 tháng nuôi qua đông, tăng trọng bình quân 1,2 kg/con/ngày đêm, trừ chi phí còn lãi bình quân 3 triệu đồng/con). Ngày 10/4/2018 gia đình ông Ma Văn Va (thôn Nặm Kép) nhập chuồng 03 con trâu nuôi sau 1,5 tháng  xuất chuồng tăng trọng bình quân 1,7 kg/con/ngày đêm, trừ chi phí, còn lãi 11 triệu đồng/ 3con/1,5 tháng nuôi.
          Có thể nói, mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo theo chuỗi liên kết tại xã Hùng Mỹ chính là sự vận dụng sáng tạo lý luận về liên minh công – nông – trí thức vào trong thực tiễn địa phương. Ở mô hình này, không chỉ có sự liên kết theo chiều dọc giữa người nông dân (người sản xuất) với nhà cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra (Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành) mà đó còn là sự liên kết giữa Nhà nước (Ủy ban nhân dân xã Hùng Mỹ), nhà nông, nhà doanh nghiệp (Hợp tác xã Tiến Thành) và nhà khoa học (Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chăn nuôi). Mô hình liên kết này đã tạo ra quy trình nuôi trâu bò khép kín, người nông dân kiểm soát được chi phí, chất lượng trâu bò xuất thịt được đảm bảo, qua đó góp phần nâng cao đời sống của bà con nông dân.
          Tuy nhiên, hiện nay, mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo thương phẩm theo chuỗi giá trị an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm ở xã Hùng Mỹ vẫn chưa được một số hộ nông dân quan tâm. Mặc dù đây là mô hình rất có hiệu quả, quay vòng vốn nhanh, tiêu thụ sản phẩm đầu ra ổn định nhưng chưa có nhiều hộ tham gia, do mức độ đầu tư lớn (từ 30 triệu trở lên/1 con trâu và từ 15 - 20 triệu trở lên/1 con bò), các hộ dân lại chưa tiếp cận được nguồn vốn vay có hỗ trợ lãi suất của tỉnh, thiếu vốn đầu tư. Để mô hình này được triển khai rộng rãi và có hiệu quả trong nhân dân, thiết nghĩ cần phải thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
          Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký tham gia vào tổ hợp tác chăn nuôi, tổ chức cho nông dân tham quan  mô hình tại xã về kết quả thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò thịt vỗ béo năm 2017.
          Hai là, hướng dẫn các hộ chủ động xây dựng chuồng trại đảm bảo kỹ thuật cho mô hình chăn nuôi trâu bò.
          Ba là, hướng dẫn các thôn thành lập tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết về kỹ thuật trồng cỏ, ủ cỏ, xây dựng chuồng trại và kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng trâu, bò vỗ béo.
          Bốn là, giám sát, nhắc nhở hộ, tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ nông dân chăn nuôi trâu, bò vỗ béo đúng khẩu phần ăn quy định. Đánh giá, báo cáo kết quả triển khai các mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo khi kết thúc lứa nuôi.
          Năm là, phối hợp giám sát các bên tham gia thực hiện tốt các cam kết trong hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị ./.
Thạc sĩ Lê Thị Hồng Hạnh
Khoa Lý luận Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh
 
 
*Tài liệu tham khảo: Ủy ban Nhân dân xã Hùng Mỹ, Chiêm Hóa, Tuyên Quang: Báo cáo kết quả thử nghiệm mô hình liên kết chăn nuôi trâu, bò thương phẩm an toàn sinh học theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2017; phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8285837

Đang Online : 563