Nghiên cứu - Trao đổi

Lễ hội Thành Tuyên – Một sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo của tỉnh Tuyên Quang

Ngày Đăng: 17/10/2018 8:37 Lượt xem: 1312

          Du khách có dịp đến thành phố Tuyên Quang vào những ngày tháng Tám (Âm lịch), khó có thể quên không khí vui tươi, hào hứng của người xứ Tuyên trong dịp diễn ra Lễ hội Thành Tuyên. Nét đặc sắc của lễ hội không chỉ ở các mô hình trình diễn mà ở cách thức thể hiện, tinh thần lễ hội thấm sâu vào người dân từ trẻ em đến người lớn. Không giống như các lễ hội đường phố của Hải Phòng, Hà Giang, Hà Nội, hay Đắc Lắc,… Lễ hội Thành Tuyên có một nét riêng, điều này đã tạo nên bản sắc và như một thương hiệu khi nói đến du lịch Tuyên Quang.
          Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc, có nhiều tiềm năng để phát triển đa dạng các loại hình du lịch lịch sử, sinh thái, văn hóa, tâm linh... Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và ban hành Quyết định 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đây là tiền đề quan trọng cho các địa phương trong cả nước lập quy hoạch phát triển phù hợp với tiến trình và tổng thể phát triển chung; Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, xác định:
“Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”[1], đồng thời nhấn mạnh:“Triển khai xây dựng thương hiệu Lễ hội Thành Tuyên”[2]; Tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 6/01/2017 của Chính phủ và Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 27/6/2017 thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW  ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Những năm gần đây, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền thành phố Tuyên Quang tổ chức Lễ hội Thành Tuyên, với mục đích là tổ chức Trung thu cho các cháu thiếu nhi, và cũng là dịp để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về truyền thống văn hóa, lịch sử, tiềm năng du lịch, hình ảnh đất và người Tuyên Quang - "Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến" tới bạn bè trong nước và quốc tế. Lễ hội Thành Tuyên - sức mạnh của lòng dân, đã thực sự tạo được sức hút đối với du khách gần, xa.
          Lễ hội Thành Tuyên mang nhiều nét đặc sắc. Hoạt động này được tổ chức đúng vào dịp Trung thu - Tết của các cháu thiếu niên, nhi đồng, thể hiện sự quan tâm tới những mầm non tương lai của đất nước. Đây là một hoạt động văn hoá truyền thống được thực hiện hoàn toàn từ nguồn kinh phí xã hội hoá, ít có tỉnh, thành phố nào làm được.
          Điểm nhấn của đêm hội là những màn diễn diễu và diễn xướng độc đáo. Các mô hình đều mô phỏng nét văn hoá truyền thống, lịch sử của dân tộc cũng như truyền thống cách mạng của vùng đất Tuyên Quang.  Bằng những chất liệu sẵn có chỉ là tre, nứa, giấy…dưới bàn tay khéo léo và kỳ công của người dân trong tổ (thôn, xóm) bỗng trở nên hấp dẫn lạ kỳ. Chiều cao của mỗi chiếc đèn mô hình khoảng từ 2 - 6m, chiều dài từ 5 -10m…đa dạng về nội dung thể hiện như: truyền thống lịch sử với biểu tượng lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào; chủ đề biển đảo với những con tàu, anh lính hải quân trên biển để diễu hành trên đường phố; tiếp đến là các mô hình theo truyền thuyết lịch sử, văn học dân gian của dân tộc Việt Nam: Thánh Gióng trên lưng ngựa sắt, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, truyện cổ tích Thạch Sanh, truyện dân gian mèo và chuột, cá chép trông trăng,… Những người tham gia rước mô hình hoá trang thành những nhân vật hết sức ngộ nghĩnh như: chú Tễu, thằng Bờm, chú Cuội… Trong lễ hội còn tổ chức múa lân, ca hát, không khí rất tưng bừng và náo nhiệt… Với những nét văn hoá đặc sắc này, lễ hội Trung thu tại Tuyên Quang năm 2012 đã được kỉ lục Guiness Việt Nam công nhận là nơi có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo và lớn nhất trên cả nước. Đối với người dân Tuyên Quang, tết Trung thu đã không còn nằm ở phạm vi của từng gia đình mà nó đã là tết Trung thu của cả một cộng đồng. Bằng sự sáng tạo và tâm huyết của mình, người dân Tuyên Quang đã tạo nên một lễ hội độc đáo. Lễ hội đã phát huy được tinh thần đoàn kết,  tính sáng tạo của người dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và mang đậm tính nhân văn. Đây là một hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa, cần được duy trì và nhân rộng.
Mô hình đèn trung thu của tổ nhân dân thành phố Tuyên Quang năm 2018
 
          Các sản phẩm du lịch của tỉnh Tuyên Quang hiện chưa phong phú, nên việc phát triển du lịch lễ hội, đặc biệt như Lễ hội Thành Tuyên chính là cơ hội để thu hút du khách thập phương cũng như các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Vingroup, FLC, Mường Thanh..; Lễ hội còn là dịp con người tìm về cội nguồn của chính bản thân và dân tộc mình, theo thời gian, các lễ hội vẫn trường tồn trong tâm thức của mọi người Việt Nam, thu hút một lượng du khách không kém gì các khu di tích lịch sử văn hoá. Chính nhờ có sự kiện Lễ hội Thành Tuyên, mà hằng năm Tuyên Quang thu hút hơn 1 triệu lượt du khách góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà; Lễ hội còn là một kho tàng văn hoá, nơi lưu giữ những tín ngưỡng, tôn giáo, những sinh hoạt văn hoá văn nghệ, nơi phản ánh tâm thức con người Việt Nam một cách trung thực. Với ngành Du lịch, lễ hội là một sản phẩm văn hoá đặc biệt, ngành Du lịch càng phát triển, càng gắn kết với lễ hội.
          Qua nhiều năm tổ chức, đến nay những giá trị văn hóa của Lễ hội thành Tuyên đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và tạo nên dấu ấn đặc biệt với du khách. Lễ hội Thành Tuyên không dừng lại là ngày tết của thiếu nhi nữa, mà thực sự trở thành ngày hội của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Hằng năm, Lễ hội Thành Tuyên  được tổ chức gắn với nhiều sự kiện văn hóa lớn của Quốc gia như: Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc; Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”; Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất; Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ nhất… Điều đó đã khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang trong công tác bảo tồn, tôn vinh và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa lịch sử của Việt Nam nói chung của tỉnh Tuyên Quang nói riêng, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
                                                   Thạc sĩ Phạm Thị Hoa
                                                     Khoa Xây dựng Đảng

[1] Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, tr104
[2] Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, tlđd

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7986689

Đang Online : 2117