Nghiên cứu - Trao đổi

Phân công lao động xã hội – Bước tiến vào xã hội văn minh

Ngày Đăng: 27/11/2018 21:6 Lượt xem: 22863

          Phân công lao động xã hội là sự chuyên môn hóa sản xuất, phân chia lao động xã hội vào các ngành, các lĩnh vực sản xuất khác nhau. Phân công lao động xã hội thể hiện trình độ phát triển cao của lực lượng sản xuất xã hội. Trình độ phát triển lực lượng sản xuất của một dân tộc phụ thuộc rất lớn ở trình độ phát triển ở phân công lao động. Chính nhờ sự phát triển của phân công lao động mà loài người thoát khỏi “thời mông muội”, tiến vào “thời văn minh”.
          Sự phân công lao động đầu tiên của xã hội loài người là sự phân công nguyên thủy giữa nam và nữ. Đàn ông đi đánh trận, săn bắn và đánh cá, tìm thức ăn và những công cụ cần cho việc đó. Đàn bà trông coi nhà cửa, chuẩn bị cái ăn cái mặc; làm bếp, may vá. Trong lịch sử đã diễn ra 3 cuộc phân công lao động xã hội lớn, cụ thể là:
          Cuộc phân công lao động xã hội lần thứ nhất: chăn nuôi tách rời khỏi trồng trọt. Một vài bộ lạc đã bắt đầu lấy việc thuần dưỡng gia súc làm hoạt động sản xuất chính, sau đó phát triển thành những bộ lạc lấy việc chăn nuôi và coi dưỡng gia súc làm công việc chủ yếu nhất. “Các bộ lạc du mục tách rời khỏi số đông những người dã man khác: đó là cuộc phân công lao động xã hội lớn đầu tiên”
[1]. Họ không chỉ tạo ra thịt, sữa, các sản phẩm từ thịt, sữa, mà còn tạo ra da lông, rồi đến len sợi và hàng dệt. Từ đó khiến cho lượng sản phẩm trong xã hội tăng lên, trao đổi sản phẩm giữa người với người diễn ra thường xuyên hơn. Nói về điều này Ăngghen viết: “Vật phẩm chủ yếu mà các bộ lạc du mục đem trao đổi với láng giềng chính là súc vật; súc vật trở thành một hàng hóa được dùng để định giá mọi hàng hóa khác, và ở mọi nơi, … bắt đầu có sự trao đổi hàng hóa.”[2]. Nghĩa là, cuộc phân công lao động xã hội lớn đầu tiên diễn ra với nội dung: những bộ lạc du mục tách rời khỏi bộ phận còn lại của những người dã man, hay chăn nuôi tách rời khỏi trồng trọt.
          Cuộc phân công lao động xã hội lần thứ nhất này đã khiến cho năng suất lao động tăng lên, của cải tăng lên và tất yếu phải dẫn đến làm “nảy sinh sự phân chia lớn đầu tiên trong xã hội, thành hai giai cấp: chủ nô và nô lệ, kẻ bóc lột và người bị bóc lột”
[3]. Cuộc phân công lao động xã hội lần thứ hai - chính là giai đoạn cao của thời dã man – khi đó kiếm sắt, cày sắt, rìu sắt trở thành công cụ lao động chủ yếu của nền sản xuất xã hội, nó cho phép con người canh tác trên diện tích lớn hơn, khai hoang trên những vùng đất rộng hơn, đem lại cho thợ thủ công những công cụ hoàn thiện hơn, cứng và sắc hơn.. Của cải tăng lên mau chóng, nhưng đó vẫn là của cải tư nhân. Sản phẩm làm ra không chỉ gói gọn trong phạm vi nông sản mà còn có rất nhiều các ngành thủ công khác ra đời; nhờ đó mà sản phẩm của chúng ngày càng đa dạng và chất lượng. Các hoạt động nhiều mặt như vậy không thể chỉ do mỗi một cá nhân tiến hành được nữa; “cuộc phân công lao động xã hội lớn thứ hai đã diễn ra: thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp”[4]
          Trong cuộc phân công lao động xã hội lần thứ hai, chế độ nô lệ đã trở thành bộ phận chủ yếu cấu thành chế độ xã hội. Người nô lệ không còn đơn thuần là người giúp việc trong gia đình nữa, mà bị đẩy xuống các cánh đồng, các xưởng thợ. Thời kỳ này, theo Ăngghen, vẫn là thời của những người “dã man”, họ lấy việc cướp bóc trở thành vinh dự hơn so với lao động sản xuất. Chiến tranh không chỉ nhằm mục đích trả thù hay mở rộng lãnh thổ. Chiến tranh đã trở thành hệ quả đơn giản của việc cướp bóc và được tiến hành thường xuyên. “Không phải vô cớ mà người ta xây lên các bức tường thành dựng đứng đáng sợ, bao bọc các thành thị được phòng thủ kiên cố. Hào sâu dưới chân thành là cái mồ của chế độ thị tộc, và các tháp canh chung quanh thành đã vươn tới thời văn minh”
[5].
          Thời đại văn minh bổ sung thêm hình thức phân công lao động xã hội lớn thứ ba: thương mại tách khỏi sản xuất, hình thành một giai cấp không tham gia sản xuất nữa mà chỉ làm công việc trao đổi sản phẩm, có toàn quyền lãnh đạo sản xuất, bắt những người sản xuất phụ thuộc mình về mặt kinh tế - “đó là
thương nhân”[6]. Nó trở thành kẻ trung gian không thể thiếu giữa hai người sản xuất, và bóc lột cả đôi bên. Viện cớ “giúp người sản xuất tránh khỏi những khó nhọc và rủi ro trong việc trao đổi, mở rộng việc bán sản phẩm của họ tới các thị trường xa xôi, do đó trở thành giai cấp có ích nhất trong nhân dân”[7], một giai cấp những kẻ kí sinh đã xuất hiện, những kẻ ăn bám xã hội đích thực; chúng hớt lấy phần tinh túy nhất của sản xuất, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, và coi đó là tiền công trả cho sự giúp ích - mà trên thực tế là rất nhỏ nhặt - của mình; giai cấp này mau chóng thu về một lượng của cải kếch xù, tương ứng với đó là ảnh hưởng xã hội to lớn; vì thế, ở thời văn minh, giai cấp này ngày càng có được nhiều vinh dự, và chi phối nền sản xuất ngày càng mạnh.
          Theo Ăngghen, văn minh là “chính trị khoanh văn hóa lại” và “sợi dây liên kết văn minh là nhà nước”. Do vậy, dấu mốc cho sự ra đời của thời đại văn minh chính là sự ra đời của nhà nước đầu tiên trong lịch sử - nhà nước chủ nô. Về vấn đề này Ăngghen viết: “thời văn minh là một giai đoạn phát triển của xã hội. Ở đó, sự phân công lao động, rồi đến sự trao đổi giữa các cá nhân, vốn là do phân công lao động mà ra, và nền sản xuất hàng hóa, là sự kết hợp hai quá trình nói trên, đều đạt tới sự phát triển toàn thịnh, và gây ra một cuộc cách mạng trong toàn bộ xã hội trước đây”
[8]. Chính sự phân công lao động đã hủy đi tính tập thể của sản xuất, chiếm hữu tư nhân trở thành tất yếu, do đó nền sản xuất hàng hóa dần trở thành hình thức thống trị nền sản xuất xã hội. Toàn bộ thời văn minh đều nằm dưới sự thống trị của những quy luật kinh tế của nền sản xuất hàng hóa. “Cho tới ngày nay, sản phẩm vẫn thống trị người sản xuất; và cho tới ngày nay, toàn bộ nền sản xuất xã hội vẫn được điều tiết, không phải bởi một kế hoạch do xã hội đề ra, mà là bởi các qui luật mù quáng”[9].
          Về mặt kinh tế, xã hội văn minh – cùng với giai đoạn sản xuất hàng hóa - xuất phát từ những nguyên nhân sau: một là, tiền kim khí, cùng với nó là tư bản dưới dạng tiền, lợi tức, và tệ cho vay nặng lãi; hai là, thương nhân, với tư cách là giai cấp những kẻ trung gian, đứng giữa những người sản xuất; ba là, chế độ tư hữu ruộng đất, và chế độ cầm cố; bốn là, lao động của nô lệ, với tư cách là hình thức sản xuất thống trị.
          Ở Việt Nam, Đảng và Nhà Nước trong quá trình hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội luôn quan tâm đến việc xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của đất nước trong phân công, hợp tác lao động trong nước và quốc tế nhằm mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình phân công lao động xã hội được thực hiện trên phạm vi cả nước cũng như từng ngành, từng cơ sở, tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường như: tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm xuống, tỷ trọng lao động trong công nghiệp tăng lên; tỷ lệ lao động trí óc ngày càng tăng lên và chiếm phần lớn trong tổng lao động xã hội; tốc độ tăng lao động trong các ngành sản xuất phi vật chất (dịch vụ, thương nghiệp ...) tăng nhanh hơn tốc độ tăng lao động trong các ngành sản xuất vật chất.
          Đồng thời, nhờ những thành tựu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong thời gần đây, ở Việt Nam có rất nhiều các công ty, nhà máy lớn được xây dựng do các tập đoàn kinh tế lớn bỏ vốn như Sam Sung, Toyota, Deawoo... Nhờ đó, cơ cấu lao động của Việt Nam đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực, số lượng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật ngày càng tăng, thu nhập bình quân đầu người đạt mức trung bình khá … góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.
          Tuy nhiên, lực lượng lao động Việt Nam vẫn chưa có sự tham gia sâu sắc vào phân công lao động quốc tế, mối quan hệ giữa các ngành chưa chặt chẽ, lao động thủ công, lao động chưa qua đào tạo vẫn chiếm tỷ lệ cao … Do đó, để tiếp tục phát triển phân công lao động ở nước ta cần chú trọng một số giải pháp như không ngừng cải tiến trình độ của tư liệu sản xuất, nhất là công cụ lao động; ứng dụng ngày càng nhiều hơn khoa học – công nghệ vào sản xuất; nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động …
Thạc sĩ Trần Phương Linh
Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 

 
1,2. 3 C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, t21, tr 240
4,5 C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, t21, tr 243
6,7 C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, t21, tr 247
8,9 C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, t21, tr 259
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7985810

Đang Online : 1237