Nghiên cứu - Trao đổi

Công tác dân vận của hệ thống chính trị xã Sơn Phú huyện Na Hang - Tạo đồng thuận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết

Ngày Đăng: 27/11/2018 21:13 Lượt xem: 480

          Sơn Phú là xã vùng sâu thuộc phía Bắc của huyện Na Hang, cách trung tâm huyện 25 km. Xã có tổng diện tích đất tự nhiên 12.808 ha, dân số có 3.102 nhân khẩu thuộc 641 hộ với 9 dân tộc. Trong đó, các dân tộc thiểu số chiếm 96,3%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 là 16 triệu đồng/người/năm.
          Sau 3 năm thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức của điều kiện thời tiết khi hậu bất lợi, tình hình thị trường tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn... đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, sản xuất. Vì vậy, đời sống nhân dân xã còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo còn cao (năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 53,9% và hộ cận nghèo chiếm 27,8% dân số - theo chuẩn nghèo đa chiều). Nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng ủy xã, sự phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cùng với sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân các dân tộc trong xã đã nêu cao ý trí tự lực tự cường, năng động sáng tạo, khái thác tiền năng, thế mạnh của địa phương, đoàn kết thi đua thực hiện có hiệu quả mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Cụ thể:
          Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội của xã đã tích cực tuyên truyền, vận đông nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; tích cực thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế; tích cực hưởng ứng các chương trình mục tiêu, các cuộc vận động ở địa phương; tham gia giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương và phong trào của cấp trên để xây dựng chương trình công tác hằng năm như Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phong trào 5 không, 3 sạch của Hội Liên hiệp Phụ nữ; phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Nông dân; thanh niên lập nghiệp, thanh niên tình nguyên của Đoàn thanh niên; phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo của Công đoàn... Qua các phong trào trên đã có nhiều hộ gia đình hội viên, đoàn viên vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng như: Hộ ông Phùng Xuân Sơn, thôn Nà Lạ nuôi cá lồng cho thu nhập trên 70 triệu đồng/năm; mô hình trồng tre lấy măng của hộ ông Bàn Văn Hẩy, thôn Nà Lạ cho thu nhập trên 80 triệu đồng/năm; hộ ông Ma Văn Thức thôn Bẳn Lằn nấu rượu nuôi lợn cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; mô hình quản lý, bảo vệ rừng của hộ bà Ma Thị Nghinh thôn Bản Lằn quản lý, chăm sóc trên 5,5ha rừng hay hộ ông Hà Văn Úy thôn Bản Dạ quản lý, chăm sóc trên 10 ha rừng; mô hình sản xuất chế biến chè Shan tuyết của hộ ông Đặng Quý Trình thôn Phía Trang cho thu nhập bình quân trên 2 triệu/tháng; hộ gia đình ông Hà Văn Giang thôn Bản Lằn nuôi trâu, lợn cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm... Từ những mô hình trên một mặt tạo sức lan tỏa trong đoàn viên, hội viên về ý trí vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững mặt khác còn tạo việc làm cho hàng chục lao động tại chỗ.
          Ngoài ra, để giúp đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế hằng năm MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với chính quyền cơ sở và các cơ quan  chức năng của huyện tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng các mô hình trình diễn, kết quả đã phối hợp mở được 48 lớp tập huấn sản xuất cho trên 28.854 lượt đoàn viên, hội viên và nhân dân trong xã. Qua lớp tập huấn giúp nhân dân nắm vững kỹ thuật, chủ động trong sản xuất nhờ đó mà năng suất cây trồng, vật nuôi được tăng lên.
          MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương như tuyên truyền vận động nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng, đường giao thông... mà không để xảy ra tình trạng khiếu kiện, điểm nóng; thực hiện phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” trong 3 năm qua xã đã kiên cố hóa được 1250m kênh mương, xây dựng, hoàn thiện 5/8 nhà văn hóa thôn, bản với sự đóng góp của nhân dân được trên 500 ngày công và trên 750 triệu đồng tiền mặt, góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay xã đã đạt 4/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (theo tiêu chí mới).
          Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội còn phối hợp với chính quyền thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, thăm hỏi động viên các gia đình thương binh, liệt sĩ, hỗ trợ hộ nghèo trong dịp lễ, tết hằng năm.
          Mặt khác, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong xã thường xuyên chú trọng công tác xây dựng, củng cố tổ chức, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn viên, hội viên. Nhờ đó hàng năm các tổ chức được cấp trên đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Trong đó, MTTQ xã đạt loại khá, Công đoàn cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ và Hội LHPN, Đoàn thanh niên, Hội CCB, Hội Nông dân đều xếp loại vững mạnh xuất sắc. Tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên đạt trên 67%.
          Có thể nói, việc thực hiện tốt công tác dân vận của hệ thống chính trị xã Sơn Phú đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường, nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự điều hành của chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong xã./.
 
Thạc sĩ Phạm Thị Huệ
Trưởng khoa Dân vận 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8285639

Đang Online : 360