Nghiên cứu - Trao đổi

Việt Nam - Thành viên có trách nhiệm của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị

Ngày Đăng: 11/12/2018 11:34 Lượt xem: 483

        Ngày 24/9/1982, Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, 36 năm qua, dù còn gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng Việt Nam đã luôn cam kết tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

http://www.dangcongsan.vn/DATA/0/2017/01/img_0764-18_26_43_415.jpg
Hội thảo khoa học "50 năm hai công ước về quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và việc thực hiện tại Việt Nam" Nguồn: dangcongsan.vn
        Về Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua theo Nghị quyết số 2200A (XXI) ngày 16/12/1966, có hiệu lực ngày 23/3/1976. Công ước có kết cấu gồm Lời nói đầu, sáu (VI) phần, 53 điều.
        Từ phần I đến phần III, Công ước quy định về các quyền dân sự và chính trị của các dân tộc, quốc gia thành viên của Công ước và của mọi người. Một số quy định nổi bật như: Điều 1: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết”, Điều 3: “đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ đối với tất cả các quyền dân sự và chính trị”, Điều 6: “Mỗi người đều có quyền được sống. Quyền này được pháp luật bảo vệ. Không ai bị tước mạng sống một cách vô cớ”, “Không được phép tuyên án tử hình với người phạm tội dưới 18 tuổi và không được thi hành đối với phụ nữ có thai”, Điều 9: “Không ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ”, Điều 14: “Tất cả mọi người đều bình đẳng trước tòa án và hội đồng xét xử”, Điều 18: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo”, Điều 19: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận”, Điều 21: “Quyền hội họp hòa bình phải được công nhận”, Điều 22: “Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình”, Điều 23: “Quyền kết hôn và thành lập gia đình của nam và nữ đã đến tuổi kết hôn được thừa nhận”, Điều 24: “Mọi trẻ em, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản hoặc dòng dõi đều có quyền được hưởng những biện pháp bảo hộ của gia đình, xã hội và nhà nước theo quy chế đối với vị thành niên”, Điều 25: “Mọi công dân đều có quyền và cơ hội để: Tham gia vào việc điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua những người đại diện được họ lựa chọn”, Điều 27: Ở những nước có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ, thì những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không thể bị tước bỏ quyền có đời sống văn hoá riêng, hoặc quyền sử dụng tiếng nói riêng”.
        Phần IV Công ước quy định về việc thành lập Ủy ban Quyền con người của Liên hợp quốc gồm 18 thành viên, mỗi nước chỉ có thể có một công dân trong Ủy ban, các thành viên của Ủy ban được bầu với nhiệm kỳ 4 năm và có thể được bầu lại. Ngoài ra còn có các quy định về chức năng, nhiệm vụ, cách thức hoạt động của Ủy ban.
        Phần V Công ước quy định “Không một quy định nào của Công ước này được giải thích làm phương hại đến những quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và điều lệ của các tổ chức chuyên môn ấn định trách nhiệm của các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức chuyên môn về các vấn đề được đề cập trong Công ước này”. “Không một quy định nào của Công ước này được giải thích làm phương hại đến quyền đương nhiên của mọi dân tộc được hưởng và sử dụng một cách đầy đủ và tự do mọi của cải và tài nguyên thiên nhiên của họ”.
        Phần VI Công ước quy định về việc tham gia, phê chuẩn, gia nhập Công ước; hiệu lực của Công ước; việc sửa đổi, bổ sung Công ước; Công ước được viết bằng các thứ tiếng Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha đều có giá trị như nhau và sẽ được lưu chiểu tại kho lưu trữ của Liên hợp quốc.
        Về việc thực hiện Công ước ở Việt Nam. Một là, hệ thống các cơ quan nhà nước được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Điều 2, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Ở Việt Nam “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6, Hiến pháp). Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, được thành lập trên cơ sở kết quả bầu cử của cử tri cả nước được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có trách nhiệm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức ở các đơn vị hành chính của Việt Nam. Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương, quyết định các vấn đề của địa phương theo quy định của luật.
        Hai là, việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật. Hiến pháp – văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất ở Việt Nam luôn ghi nhận quyền con người, quyền công dân. Chương II, Hiến pháp năm 2013 quy định riêng về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” với 35 điều ghi nhận đầy đủ các quyền về dân sự, chính trị trong đó có quy định quan trọng “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14). Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện kịp thời. Luật Ban hành văn bản QPPL quy định nghiên cấm việc ban hành văn bản QPPL trái với Hiến pháp, trái với văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên. Để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Việt Nam đã tiến hành rà soát hơn 100.000 văn bản QPPL để đưa ra các kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản có liên quan. Từ tháng 01/2014 đến tháng 6/2017, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 81 luật, pháp lệnh, trong đó, nhiều luật quan trọng về quyền con người đã được ban hành mới như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ tuật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Luật Báo chí năm 2016, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017…Những thành tựu to lớn về lập pháp và tổ chức thi hành pháp luật mà Việt Nam đã đạt được trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới chính là yếu tố bảo đảm quan trọng về pháp lý để mọi người có cơ hội và điều kiện thuận lợi hưởng thụ quyền con người.
        Ba là, việc thực hiện cam kết quốc tế về quyền con người của Việt Nam. Được thể hiện trong Hiến pháp, Luật Điều ước quốc tế và Luật Ban hành văn bản QPPL. Khoản 1 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 quy định: Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp”. Khoản 5 Điều 156 Luật Ban hành văn bản QPPL quy định:“Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 7/9 Công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người và một số Nghị định thư của các Công ước này. Bên cạnh đó, Việt Nam còn tham gia nhiều công ước quốc tế khác có nội dung liên quan đến việc ghi nhận, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người như: Công ước về nô lệ, Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước chống phân biệt đối xử trong giáo dục, Công ước về lao động cưỡng bức, Công ước phân biệt và đối xử trong việc làm và nghề nghiệp… Ngoài ra, Việt Nam đang nghiên cứu khả năng gia nhập một số Công ước về quyền con người như: Công ước chống mất tích cưỡng bức, Công ước quốc tế về bảo vệ các quyền của người lao động di cư và các thành viên gia đình của họ.
        Là một quốc gia kém phát triển trong một thời gian dài, phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước làm kinh tế kiệt quệ; khuôn khổ pháp luật về quyền con người ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, năng lực tổ chức thực hiện pháp luật còn hạn chế; mức độ phát triển kinh tế - xã hội chưa đồng đều giữa các vùng và nhóm dân cư, một số phong tục, tập quán lạc hậu đang tồn tại đã cản trở phụ nữ và một số đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; giáo dục về quyền con người, quyền công dân trong các cấp học so với yêu cầu vẫn còn khoảng cách nhất định, nội dung giảng dạy về quyền con người nói chung và các quyền cụ thể còn đơn giản và chưa phù hợp với cấp học và độ tuổi, phần lớn mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin, nội dung các quy định pháp luật.
        Dù còn gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng với sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Việt Nam đã chủ động, tích cực hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao năng lực thực hiện pháp luật, quyết tâm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền dân sự, chính trị phù hợp với các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền và điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Thạc sĩ Mai Quang Thắng
Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
 
 
Tài liệu tham khảo:
- Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
- Báo cáo thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Việt Nam năm 2017.
- Luật Hiến pháp 2013.
- Luật Ban hành văn bản QPPL 2015.
- Luật Điều ước quốc tế 2016.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8001041

Đang Online : 4515