Nghiên cứu - Trao đổi

Phát triển vùng nguyên liệu và nâng cao thu nhập cho người trồng mía tại Tuyên Quang

Ngày Đăng: 1/1/2019 16:33 Lượt xem: 520

          Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg, phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong đó có định hướng: “duy trì quy mô và phương thức sản xuất đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm có nhu cầu nội địa lớn nhưng khả năng cạnh tranh trung bình như các sản phẩm chăn nuôi, đường mía....”. Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định “khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản hàng hóa, tập trung đối với một số cây trồng chủ lực như nguyên liệu giấy, mía, chè, cam, lạc”. Như vậy, tỉnh Tuyên Quang xác định cây mía là một trong những cây trồng trọng điểm nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế, đồng thời phát triển ngành mía đường là hướng đi phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ. Thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đã coi việc tập trung phát triển vùng nguyên liệu và nâng cao thu nhập cho người trồng mía là hai nhiệm vụ quan trọng nhằm mở rộng diện tích đáp ứng nhu cầu sản xuất và tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân.
          Đối với việc phát triển vùng nguyên liệu mía, giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2017, tỉnh đã xây dựng, phát triển diện tích trồng mía dao động từ 10.380 ha/năm đến 11.385 ha/năm; năng suất bình quân đạt từ 59,5 tấn/ha đến 61,6 tấn/ha; sản lượng trung bình hàng năm đạt trên 600.000 tấn/năm. Về cơ bản đã đáp ứng được nguồn cung mía nguyên liệu cho 02 nhà máy của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương.
          Bảng 1: Diện tích, năng suất, sản lượng mía giai đoạn 2015-2017 tỉnh Tuyên Quang[1]
STT CHỈ TIÊU ĐƠN VỊ TÍNH TỔNG CỘNG
I Năm 2015 ha  
  Diện tích ha 11.635,8
  Năng suất Tạ/ha 595,0
  Sản lượng Tấn 692.373,2
II Năm 2016 ha  
  Diện tích ha 11.225,3
  Năng suất Tạ/ha 609,8
  Sản lượng Tấn 684.513,6
III Năm 2017 ha  
  Diện tích ha 10.380,8
  Năng suất Tạ/ha 616,4
  Sản lượng Tấn 639.914,9
          Tính đến hết tháng 8/2018, toàn tỉnh đã trồng được 8.098 ha/10.386 ha, đạt 78% kế hoạch; năng suất ước đạt 69 tấn/ha. Bên cạnh đó, từ năm 2015 Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương phát động phong trào “Cây mía vàng Tuyên Quang” nhằm khuyến khích người trồng mía đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng mía. Đây là những nỗ lực nhằm góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bề vững ngành nông nghiệp Tuyên Quang, đảm bảo sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt mức khá.
          Trong việc nâng cao thu nhập cho người trồng mía, với diện tích vùng nguyên liệu phát triển rộng khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã ký hợp đồng liên kết với hơn 20.000 hộ nông dân trồng mía, tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Các hộ dã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đều được cam kết đảm bảo thu mua toàn bộ mía nguyên liệu, giá mua tối thiểu là 900.000 đồng/tấn. Đồng thời các hộ trồng mía cũng được hỗ trợ cả về giống và kỹ thuật, như: giúp bà con tiếp cận với các loại giống cho năng suất cao như giống Roc10, Việt đường 00236, Quế đường 42 …; ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm cho cây mía; sử dụng phân bón Grow More; triển khai các mô hình thâm canh mía nguyên liệu tiên tiến đạt năng suất trên 100 tấn/ha … Nhờ vậy, doanh thu từ cây mía bình quân đạt 54,9 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân đạt 35,2 triệu đồng/ha, thấp hơn so với thu nhập từ cây có múi như cam, bưởi nhưng cao hơn so với cây chè, ngô, dong giềng. Bên cạnh việc góp phần tích cực vào phát triển kinh tế của tỉnh, sản xuất mía đường Tuyên Quang còn tạo điều kiện giúp cho các ngành khác như dịch vụ vận tải, sản xuất vật tư, cung ứng máy nông nghiệp, tín dụng, kinh doanh đường và các sản phẩm từ đường phát triển.
          Bảng 2: Lợi nhuận từ một số cây nông nghiệp tại Tuyên Quang[2]
STT CHỈ TIÊU LỢI NHUẬN
(triệu đồng/ha)
1 Cây mía 35,2
2 Cây chè 26,7
3 Cây ngô 17,9
4 Cây lúa 22,5
5 Cây dong riềng 28,6
6 Cây cam 102
 
          Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cùng còn một số khó khăn, vướng mắc như: sản lượng bình quân năm 2018 cao hơn hẳn các năm trước, nhưng các chỉ tiêu về diện tích trồng mới, trồng lại đều không hoàn thành, diện tích phế canh lên tới 2.493 ha, dẫn đến diện tích trồng mía giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển vùng nguyên liệu của tỉnh. Sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là quy mô hộ gia đình; công tác cung ứng mía giống và giám sát chất lượng mía giống còn hạn chế, chủ yếu là giống chính sớm; thu nhập của người trồng mía còn thấp hơn so với trồng một số loại cây quả nên nhiều vùng đã chuyển từ trồng mía sang cây có múi; cơ giới hóa trong sản xuất còn chưa nhiều dẫn đến chi phí cao; thời tiết diễn biến bất thường làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây mía; mức đầu tư phân bón để thâm canh tăng vụ của các hộ trồng mía còn chưa đảm bảo theo đúng kế hoạch hướng dẫn…
          Năm 2019 toàn tỉnh phấn đấu đảm bảo diện tích vùng nguyên liệu mía đạt 8.636 ha, năng suất đạt 702,1 tạ/ha. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Tuyên Quang cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
          Một là, giải pháp về vùng nguyên liệu: phát triển diện tích sản xuất mía nguyên liệu phù hợp, chuyển từ sản xuất theo chiều rộng sang sản xuất theo chiều sâu, cân đối với khả năng tiêu thụ đường của nhà máy; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh cao trên toàn bộ diện tích mía, hạn chế tối đa diện tích phế canh; phối hợp với Ban chỉ đạo trồng mía các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con tham gia trồng mía; cơ cấu giống hợp lý, có khả năng rải vụ chế biến tối đa và hiệu quả cao nhất cho vùng nguyên liệu …
          Hai là, giải pháp về tổ chức sản xuất: tích cực rà soát, vận động, hướng dẫn nhân dân tập trung chăm sóc, bón phân đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, thời vụ; rà soát vận động ký hợp đồng những diện tích mía nguyên liệu nông dân tự đầu tư, kịp thời cung ứng phân bón để nhân dân chăm sóc bổ sung; xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tốt phương tiện vận chuyển, máy móc, thiết bị, nhân lực để tổ chức thu hoạch ngay khi mía đạt tiêu chuẩn, đảm bảo thu hoạch mía nguyên liệu trong khung thời vụ tốt nhất; nâng cao hiệu quả sản xuất của các xưởng phân bón hữu cơ; tuyên truyền, vận động thành lập các hợp tác xã trồng mía, tổ hợp tác theo mô hình liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ mía nguyên liệu tại địa phương …
          Ba là, giải pháp về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mía: nghiên cứu xây dựng quy trình cơ giới hóa đồng bộ, phù hợp với từng địa bàn để giảm lao động thủ công, giảm giá thành sản xuất; xây dựng các mô hình áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất mía nguyên liệu nhằm tăng năng suất, chất lượng mía nguyên liệu; xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiêu tiết kiệm  ở các vùng trồng mía trọng điểm; đẩy mạnh khảo nghiệm, đánh giá các giống mía mới để lựa chọn nhân nhanh các giống tốt ra sản xuất; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mía như trồng mía bằng công nghệ nuôi cấy mô, trồng mía có che phủ nilon …
          Bốn là, giải pháp thực hiện cơ chế, chính sách: tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, nhà máy thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất của nhà nước như Quyết định số 68/2013/QĐ-TTG, ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ làm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Nghị quyết 12/2014/NQ-HĐND, ngày 22/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hàng hóa đối với cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Kế hoạch số 47/KH-UBND, ngày 10/6/2016 của UBND tỉnh kế hoạch thực hiện dự án cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020.
Thạc sĩ Trần Phương Linh
Khoa lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 

[1] Báo cáo số 322/BC-SNN về “Thực trạng, giải pháp phát triển sản suất và nâng cao thu nhập cho người trồng mía trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”
[2] Báo cáo số 322/BC-SNN về “Thực trạng, giải pháp phát triển sản suất và nâng cao thu nhập cho người trồng mía trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8006709

Đang Online : 2033