Nghiên cứu - Trao đổi

Ý nghĩa, tầm quan trọng và một số điểm mới của Luật An ninh mạng, Luật Tố cáo và Luật Cạnh tranh

Ngày Đăng: 1/1/2019 16:33 Lượt xem: 559

          Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình đất nước tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các luật đã được thông qua tại kỳ họp này nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong số các luật được thông qua, Luật An ninh mạng, Luật Tố cáo, Luật Cạnh tranh có những nội dung cơ bản như sau:
         1. Luật An ninh mạng năm 2018: gồm 07 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Luật An ninh mạng. Quy định đầy đủ các biện pháp, hoạt động bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng của hệ thống thông tin này, trong đó nêu ra tiêu chí xác định, lĩnh vực liên quan, quy định các biện pháp như thẩm định an ninh mạng, đánh giá điều kiện, kiểm tra, giám sát an ninh và ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
         Để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Luật an ninh mạng đã dành 01 chương (Chương III) quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Chương IV của Luật An ninh mạng tập trung quy định về triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng một cách đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới địa phương, trọng tâm là các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị, quy định rõ các nội dung triển khai, hoạt động kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức này. Cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, cổng kết nối mạng quốc tế cũng là một trong những đối tượng được bảo vệ trọng điểm. Chương V Luật An ninh mạng quy định đầy đủ các nội dung bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng, xác định lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng chất lượng cao, chú trọng giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức về an ninh mạng. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng được quy định rõ trong Luật An ninh mạng, tập trung vào trách nhiệm của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành chức năng, ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện đồng bộ các biện pháp được phân công để hướng tới một không gian mạng ít nguy cơ, hạn chế tối đa các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. 
         Luật An ninh mạng là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong việc sử dụng không gian mạng trái pháp luật. Đồng thời bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và phòng, chống tấn công mạng.
          Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
          2. Luật Tố cáo năm 2018: có 9 Chương và 67 Điều, so với Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 có nhiều điểm mới, đó là:
          Thứ nhất, bổ sung các quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo: Luật Tố cáo 2011, không quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.  Chính vì vậy, việc xác định thẩm quyền giải quyết các tố cáo này trong thời gian qua có những khó khăn, lúng túng, không cụ thể nên ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo. Luật Tố cáo 2018 đã bổ sung thêm các nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với các trường hợp nêu trên tại Điều 12.
          Thứ hai, bổ sung quy định về xử lý tố cáo: Khoản 3, Điều 24 quy định: Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo không xử lý.
          Ngoài ra, Luật Tố cáo 2018 quy định điểm mới, đó là khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định của Luật này (tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp) thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định của Luật này. Tuy nhiên, trường hợp thông tin tố cáo này có các điều kiện nhất định có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật, có cơ sở để thẩm tra, xác minh.
          Thứ ba, là rút gọn trình tự giải quyết, rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo: Luật Tố cáo năm 2018 quy định trình tự giải quyết tố cáo được rút gọn lại chỉ còn 04 bước (so với 05 bước của Luật Tố cáo năm 2011), bao gồm: Thụ lý tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo. Thời hạn giải quyết tố cáo đã được quy định rút ngắn là không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý tố cáo (Luật Tố cáo năm 2011 là 60 ngày).Trường hợp vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
          Thứ tư, bổ sung quy định về việc cho phép rút tố cáo; tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo: Quy định việc người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản. Người tố cáo rút tố cáo vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Quy định cho phép người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợi kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan hoặc cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại. 
          Việc đình chỉ giải quyết tố cáo được thực hiện khi: Người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo; người bị tố cáo là cá nhân chết và nội dung tố cáo chỉ liên quan đến trách nhiệm của người bị tố cáo; vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
          Thứ năm, bổ sung quy định về việc bảo vệ người tố cáo: Luật Tố cáo 2018 quy định rõ về người được bảo vệ, phạm vi bảo vệ; cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm áp dụng biện pháp bảo vệ và trình tự, thủ tục bảo vệ khi người tố cáo có văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ. Về các biện pháp bảo vệ, khác với Luật Tố cáo 2011, Luật Tố cáo 2018 quy định 03 biện pháp bảo vệ đó là: Biện pháp bảo vệ bí mật thông tin; biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm; biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm.
          Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, Luật Tố cáo số 03/2011/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
          3. Luật Cạnh tranh năm 2018: gồm 10 chương, 118 điều, so với Luật Cạnh tranh năm 2004 Luật Cạnh tranh 2018 có một số điểm mới như sau:
          Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Luật Cạnh tranh năm 2004 không điều chỉnh với những giao dịch ngoài lãnh thổ Việt Nam nên Luật Cạnh tranh năm 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, nghĩa là bất cứ một hành vi, một thỏa thuận hay một giao dịch 
M&A (sáp nhập, mua lại) nào xảy ra ở bất cứ nơi đâu, kể cả trong lãnh thổ Việt Nam hay ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có khả năng tác động gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể tới thị trường Việt Nam thì đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2018.
          Thứ hai, sửa đổi, bổ sung và làm rõ những hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước: Luật Cạnh tranh năm 2004 mặc dù đưa ra các hành vi bị cấm đối với các cơ quan nhà nước nhưng đã không có bất cứ một hình thức xử lý nào, khiến cho các quy định đó rất khó đi vào cuộc sống và không có được hiệu quả thực thi nhất định. Chính vì vậy Luật Cạnh tranh năm 2018 bên cạnh việc bổ sung thêm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh thì cũng có điều quy định về mức xử lý vi phạm đối với loại hành vi này.
          Thứ ba, bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường: Luật Cạnh tranh 2018 đã bổ sung thêm yếu tố khác ngoài yếu tố thị phần để xác định doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường. Tức là những doanh nghiệp có thị phần dưới 30% thì cơ quan cạnh tranh sẽ đánh giá hoặc bản thân doanh nghiệp cũng có thể đánh giá theo các quy định rất cụ thể trong Luật Cạnh tranh 2018 để xem rằng liệu doanh nghiệp có vị trí sức mạnh thị trường hay không. Chính vì vậy việc xác định doanh nghiệp có vị trí như thế nào trên thị trường là điều kiện tiên quyết để xem xét các hành vi lạm dụng của doanh nghiệp. Bên cạnh tiêu chí xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh 2018 cũng quy định thêm các nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường.
          Thứ tư, hoàn thiện quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh: Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, luật không tiếp tục quy định một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định trong một số luật khác và khẳng định nguyên tắc các hành vi 
cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định tại các luật khác được thực hiện theo pháp luật từng ngành đó. Điểm mới bổ sung đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh là các doanh nghiệp cần lưu ý quy định về hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ mà nhằm dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.
          Thứ năm, tổ chức lại cơ quan cạnh tranh: Theo luật quy định Việt Nam chỉ có một cơ quan cạnh tranh là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Cơ quan này trực thuộc Bộ Công thương nhưng mô hình của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia vẫn đảm bảo được tính độc lập trong việc điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh.
          Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Thạc sĩ Đỗ Thị Phương Điệp
Phó Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính – Quản trị
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8004852

Đang Online : 174