Nghiên cứu - Trao đổi

Những mốc son Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày Đăng: 1/2/2019 11:22 Lượt xem: 553

        Năm 2019, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta long trọng kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (03/02/1930 – 03/02/2019). Chặng đường lịch sử 89 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam trải qua những mốc son chói lọi, tô thắm thêm truyền thống yêu nước của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng, chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam là người tổ chức, lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
        Trong từng giai đoạn cụ thể, Đảng luôn năng động, sáng tạo trong việc đưa ra những quyết sách chiến lược, tạo nên những bước tiến lịch sử của dân tộc. Từ khi Đảng ra đời, lịch sử phát triển của Đảng luôn gắn liền với lịch sử phát triển dân tộc, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng thể hiện một cách tập trung trong các kỳ Đại hội của Đảng.
        1. 
HỘI NGHỊ THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
        Từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930, Hội nghị hợp nhất Đảng đã họp tại Cửu long, Hương Cảng (Trung Quốc). Đồng chí Nguyễn Aí Quốc chủ trì Hội nghị. Hội nghị hợp nhất tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để lập ra Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam và ngày 24/02/1930 đã tiếp nhận Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn.
        Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và các Điều lệ vắn tắt của các tổ chức quần chúng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam có ý nghĩa như một Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
        2. 
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ NHẤT CỦA ĐẢNG
        Ngày 27 đến 31/3/1935, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng đã họp tại phố Quan Công, Ma Cao (Trung Quốc) nhằm xác định đường lối cho thời kỳ đấu tranh mới khi Đảng đã phục hồi. Tham dự Đại hội có 13 đại biểu thuộc các đảng bộ trong nước và tổ chức của Đảng hoạt động ở nước ngoài.
        Trên cơ sở đánh giá tình hình thế giới và trong nước, Đại hội đề ra 3 nhiệm vụ chủ yếu của toàn Đảng trong thời gian trước mắt là: Củng cố và phát triển Đảng, thu phục quảng đại quần chúng lao động, chống đế quốc chiến tranh.
        Đại hội đã thông qua một loạt nghị quyết quan trọng: Nghị quyết Chính trị của Đảng; các nghị quyết về công tác quần chúng với từng đối tượng cụ thể: công nhân, nông dân, binh lính, phụ nữ, dân tộc thiểu số, thanh niên, đội tự vệ; Nghị quyết về công tác phản đế liên minh, xây dựng đội tự vệ, công tác cứu tế đỏ…
        Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 13 uỷ viên (trong đó có 9 uỷ viên chính thức và 4 uỷ viên dự khuyết). Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.
         Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu thắng lợi căn bản của cuộc đấu tranh giữ gìn và khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở. Đại hội đề ra nhiệm vụ củng cố phát triển Đảng, tăng cường lực lượng cách mạng, vận động quần chúng, mở rộng tuyên truyền chống đế quốc, chống chiến tranh.
        Các Tổng bí thư của Đảng thời kỳ này: Lê Hồng Phong (tháng 3/1935 - 1936); Hà Huy Tập (1936-1939); Nguyễn Văn Cừ (tháng 3/1938 - 01/1940); Trường Chinh (tháng 5-1941- 02/1951)
        3. ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ II CỦA ĐẢNG
        Đại hội đại biểu lần II của Đảng diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19/02/
1951 tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Tham dự Đại hội có tất cả là 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 766.349 đảng viên cả nước.
          Đại hội đề ra nhiệm vụ đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất hoàn toàn cho dân tộc, xóa bỏ những tàn tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện “Người cày có ruộng”, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
        Đại hội quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương để thành lập ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia một Đảng Mác – Lênin riêng, có cương lĩnh phù hợp với đặc điểm phát triển của từng dân tộc.
        Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên mới là Đảng Lao động Viêt Nam, tiếp tục đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Đại hội Đảng thông qua Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ mới; quyết định xuất bản báo Nhân dân – cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng.
        Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 19 ủy viên chính thức, 10 ủy viên dự khuyết và Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên chính thức, 01 ủy viên dự khuyết; bầu Ban bí thư Trung ương Đảng. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
        4. ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ III CỦA ĐẢNG
        Họp tại Hà nội, từ ngày 5 đến 10/9/1960. Dự Đại hội có 522 đại biểu chính thức và dự khuyết thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước.
        Đại hội III của Đảng là Đại hội xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Thông qua nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).
        Đại hội bầu BCHTƯ gồm 47 ủy viên chính thức, 31 ủy viên dự khuyết. BCHTƯ bầu Bộ chính trị gồm 11 ủy viên chính thức và 02 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng (Người giữ cương vị này cho đến khi qua đời: tháng 9-1969). Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất BCHTƯ Đảng.
        5. ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ IV CỦA ĐẢNG
        Họp từ ngày 14 đến 20/12/1976 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.008 đại biểu, thay mặt cho 1,5 triệu đảng viên trong cả nước.
        Đây là Đại hội toàn thắng của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước và đưa cả nước tiến lên CNXH.
        Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976-1980); Báo cáo tổng kết công tác Xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng. Đại hội quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
        Đại hội bầu BCHTƯ gồm 101 ủy viên chính thức và 32 ủy viên dự khuyết; BCHTƯ bầu Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết; bầu Ban Bí thư Trung ương Đảng gồm 9 đồng chí. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng.
        6. ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ V CỦA ĐẢNG
        Họp tại Hà Nội, từ ngày 27 đến ngày 31/3/1982. Dự Đại hội có 1.033 đại biểu thay mặt cho hơn 1,7 triệu đảng viên.
       Đại hội thông qua báo cáo chính trị khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối cách mạng XHCN và xây dựng nền kinh tế XHCN; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội 1981-1985 và những năm 80.
        Đại hội bầu BCH TƯ gồm 116 ủy viên chính thức và 36 ủy viên dự khuyết. BCHTƯ bầu Bộ chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết; bầu Ban bí thư Trung ương Đảng gồm 10 đồng chí. Đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng. Từ tháng 7-1986 đến tháng 12/1986, đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng.
        7. ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ VI CỦA ĐẢNG
        Họp tại Hà Nội, từ ngày 15 đến ngày 18/12/1986. Dự Đại hội có 1.129 đại biểu thay mặt cho gần 1,9 triệu đảng viên.
        Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đại hộị vạch ra phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 1986-1990, đề ra 3 chương trình kinh tế lớn: lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu.
        Đại hội “khẳng định quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học” kế thừa và quyết tâm đổi mới.
        Đại hội bầu BCH TƯ gồm 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết. BCHTƯ bầu Bộ chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 01 ủy viên dự khuyết; bầu Ban Bí thư Trung ương Đảng gồm 13 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ được cử làm cố vấn BCH TƯ Đảng.
        8. ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ VII CỦA ĐẢNG
        Họp tại Hà Nội, từ ngày 24 đến ngày 27/6/1991. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu thay mặt cho hơn 2 triệu đảng viên trong cả nước. Đây là Đại hội tiếp tục dưa sự nghiệp đổi mới tiến lên theo con đường XHCN.
        Đại hội đã thảo luận và thông qua các văn kiện quan trọng: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH; chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đến năm 2000; Báo cáo chính trị của BCHTƯ về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và phương hướng nhiệm vụ chủ yếu 5 năm (1991-1995); Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng; thông qua Điều lệ Đảng (sửa đổi).
        Đại hội bầu BCH TƯ gồm 146 ủy viên. BCHTƯ bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên; bầu Ban Bí thư Trung ương Đảng gồm 9 đồng chí. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng và Võ Chí Công được cử làm cố vấn BCH TƯ Đảng.
        HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC GIỮA NHIỆM KỲ ( KHÓA VII) CỦA ĐẢNG
        Họp từ ngày 20 đến 25/01/1994 tại Hà Nội. Dự Hội nghị có 647 đại biểu của 64 đảng bộ trong cả nước.
        Hội nghị kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng và tổng kết một bước thực tiễn đổi mới từ Đại hội VI, xác định những chủ trương, giải pháp lớn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VII, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta tiếp tục tiến lên, tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
        Hội nghị bầu bổ sung 20 đồng chí vào BCHTƯ.
        9. ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ VIII CỦA ĐẢNG
        Đại hội họp từ ngày 26/6 đến ngày 01/7/1996 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.198 đại biểu thay mặt cho hơn 2 triệu đảng viên trong cả nước. Đây là Đại hội tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên theo con đường XHCN.
        Đại hội đã thảo luận và thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo Chính trị; Phương hướng, Nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1996-2000); Điều lệ Đảng (bổ sung và sửa đổi) và Nghị quyết Đại hội.
        Đại hội đánh dấu bước ngoặt chuyển đất nước ta sang thới kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI.
        Đại hội bầu BCH TƯ gồm 170 ủy viên. BCHTƯ bầu Bộ Chính trị gồm 19 ủy viên; bầu Ban Bí thư Trung ương Đảng gồm 9 đồng chí. Đồng chí Đỗ Mười được bầu lại làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng và Võ Chí Công được cử làm cố vấn BCH TƯ Đảng. Bộ Chính trị cử 5 đồng chí làm ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.
        Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ khóa VIII (tháng 12/1997) đã chấp nhận đề nghị của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười về việc chuyển giao chức vụ Tổng  Bí thư và đề nghị của các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng và Võ Chí Công kết thúc nhiệm vụ cố vấn. BCH TƯ đã bầu đồng chí Lê Khả Phiêu giữ chức Tổng Bí thư; cử 3 đồng chí Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt làm cố vấn BCH TƯ Đảng; bầu bổ sung 4 đồng chí vào Bộ Chính trị.
        10. ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ IX CỦA ĐẢNG
        Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 19 đến ngày 22/4/2001. Đại hội có nhiệm vụ tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết của Đại hội VIII, 10 năm thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội 1991 - 2000 và tổng kết 15 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Đại hội IX kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng ngang tầm với đòi hỏi của dân tộc trong thời kỳ mới, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương. Chủ đề của Đại hội là: Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
        Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 150 ủy viên. Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ nhất đã bầu Bộ Chính trị gồm 15 đồng chí và Ban Bí thư gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
        Đại hội IX của Đảng là Đại hội Trí tuệ, Dân chủ, Đoàn kết, Đổi mới, thể hiện ý chí kiên cường và niềm tin, hy vọng lớn của cả dân tộc trong thời điểm lịch sử trọng đại bước vào thế kỷ mới và thiên niên kỷ mới.
        11. ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ X CỦA ĐẢNG
        Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 18 đến 25/4/2006 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu thay mặt cho hơn 3,1 triệu đảng viên trong toàn Đảng. 
        Đại hội X của Đảng có nhiệm vụ nhìn thẳng vào sự thật để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu và những yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2001 – 2005), chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010) và nhìn lại 20 năm đổi mới, từ đó tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối, quan điểm, định ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm tới (2006 - 2010).
        Chủ đề của Đại hội X (cũng là tiêu đề của Báo cáo chính trị) là: "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển".
        Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X gồm 160 Uỷ viên chính thức và 21 ủy viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí, Ban Bí thư Trung ương Đảng gồm 8 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X.
        12. ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XI CỦA ĐẢNG
        Đại hội họp từ ngày 12 đến 19/01/2011, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội. Tổng số đại biểu tham dự Đại hội là 1.377 đại biểu, thay mặt cho hơn 3,6 triệu đảng viên trong cả nước, trong đó có: 158 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng chính thức và 20 đồng chí là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, 1.188 đại biểu được bầu tại các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương, 11 đại biểu ở Đảng bộ ngoài nước do Bộ Chính trị chỉ định.
        Chủ đề của Đại hội là “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
        Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng có nhiệm vụ nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đề cao tinh thần tự phê bình nghiêm túc, để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010), tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010) và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở đó, Đại hội quyết định việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991; xác định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020); đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2011 - 2015).
        Ban Chấp hành Trung ương đã trình Đại hội các văn kiện: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; Báo cáo chính trị; Báo cáo một số vấn đề về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X.
        Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI gồm 175 đồng chí Ủy viên chính thức và 25 đồng chí Ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 Ủy viên, Ban Bí thư gồm 4 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Đại hội bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.
         
13. ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG
        Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, diễn ra từ ngày 20 đến 28/01/2016 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.510 đại biểu đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên trong cả nước. Chủ đề của Đại hội là "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
        Đại hội đã thảo luận và thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ 2016-2020; Báo cáo tổng kết thi hành Điều lệ Đảng và Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Đây là một cột mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình đổi mới toàn diện và đồng bộ được tiến hành từ năm 1986.
        Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII gồm 180 đồng chí ủy viên chính thức và 20 đồng chí ủy viên dự khuyết; bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu lại giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
        Điểm qua những Đại hội vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam sau 89 năm xây dựng và trưởng thành, chúng ta càng tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại. Mỗi con người Việt Nam chúng ta càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quyết tâm làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chuyên môn của mình, góp phần xây dựng nước ta “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
       Giảng viên Vũ Thị Sen
       Khoa Xây dựng Đảng
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7986333

Đang Online : 1760