Nghiên cứu - Trao đổi

Những hội viên một thời mang áo lính

Ngày Đăng: 12/2/2019 10:5 Lượt xem: 488

        Hoàn thành nghĩa vụ trong quân đội trở về địa phương, phần lớn các cựu chiến binh xã Yên Phú, huyện Hàm Yên đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn; đại đa số cựu chiến binh thiếu vốn sản xuất, thiếu việc làm, thiếu kiến thức về kinh tế - kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh; sức khỏe yếu... Nhưng Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh xã Yên Phú đã quyết tâm đẩy mạnh phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” xứng danh Bộ đội Cụ Hồ và được nhiều đối tượng gia đình cựu chiến binh trong xã vượt lên khó khăn tích cực tham gia và trở thành những công dân gương mẫu ở thôn, xóm.
        Chúng tôi đã có mặt tại gia đình ông Nguyễn Đức Chuông và bà Dương Thị Chi, thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên. Căn nhà xây cấp 4 đơn sơ, giản dị nằm giữa một màu xanh bát ngát của keo, chè, nhãn, vải... Điều đáng nói ở đây là cả 2 vợ chồng đều là những người đã có quá trình tham gia quân ngũ trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt nhất (giai đoạn 1966 đến 1975). Ông là bộ đội bộ binh, còn bà là thanh niên xung phong. Tuổi thanh xuân cả 2 ông bà đã cống hiến nơi chiến trường, trong mình ông lại ảnh hưởng chất độc da cam Diôxin nên lúc trở trời thường hay đau ốm, nhưng ông bà luôn tâm niệm, mình phải sống sao cho xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của những đồng đội đã ngã xuống và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ để động viên nhau vượt qua khó khăn. Bà chia sẻ: Những tấm huân huy chương vô giá này minh chứng cho một thời cả 2 vợ chồng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1966 bà Chi tròn 16 tuổi cùng các bạn tình nguyện tham gia vào đội thanh niên xung phong. Chiến tranh ác liệt không làm nhụt trí của người con gái quê hương Tân Trào, Sơn Dương lich sử. Khi tải đạn, mở đường, lúc cứu thương binh sau mỗi trận đánh, bà luôn hoàn thành các nhiệm vụ cấp trên giao phó, năm 1969 bà vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Còn ông Nguyễn Đức Chuông, năm 1968 rời quê hương Yên Phú cùng trai tráng tòng quân, tham gia khắp các chiến trường Nam Bộ, Trung Bộ, chứng kiến bao cảnh đau thương tang tóc do giặc Mỹ gây ra cho đồng bào, những hi sinh của đồng chí, đồng đội đã thôi thúc ông luôn nêu cao quyết tâm chiến thắng kẻ thù. Năm 1970, ông cùng bà Chi xây dựng hạnh phúc khi bà vừa được xuất ngũ. Sau hơn 10 năm làm công nhân tại xí nghiệp chè Sơn Dương, năm 1991 vợ chồng ông trở về quê hương là thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên.
        Ông tâm sự: Những năm 2000 trở về trước, 2 ha đất vườn đồi này đựợc gia đình ông trồng ngô, trồng sắn, thả gà, ngoài ra ông bà còn nuôi 2 cặp bò sinh sản. Tuy tần tảo lao động những hiệu quả kinh tế không cao, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhưng nhờ tham gia sinh hoạt hội Cựu chiến binh và  đoàn thể trong thôn, được các cấp hội quan tâm, giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, cách làm ăn...những năm gần đây ông đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng chè, trồng keo và trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi lợn, gà. Hiệu quả kinh tế được nâng lên, đời sống được cải thiện đáng kể.
        Đến với gia đình ông Lê Văn Sại – đảng viên 40 năm tuổi Đảng, thương binh chống Mỹ hạng 3/4 ở thôn 7 Thống Nhất, xã Yên Phú chúng tôi được biết, sau khi trở về cuộc sống thời bình, phát huy truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất của anh "Bộ đội Cụ Hồ" ông Sại lại chung tay, dốc sức xây dựng kinh tế gia đình và quê hương giàu mạnh. Qua hơn 10 năm tích cực lao động sản xuất và được sự giúp đỡ tích cực từ Hội Cựu chiến binh xã ông đã khai phá đất hoang mạnh dạn phát triển kinh tế VROC (vườn, rừng, ao, chuồng). Hiện nay gia đình ông có gần 5 ha keo 2 tuổi, 5 sào ao, trên 4 sào ruộng và nhiều loại cây hoa màu khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn trước, đời sống được nâng lên. Trong cuộc sống hàng ngày cũng như quá trình lao động sản xuất, ông luôn nêu cao tấm gương anh "Bộ đội Cụ Hồ", tích cực tìm ra những hướng đi mới trong phát triển kinh tế của gia đình mình.
        Hiện nay, xã Yên Phú có tổng số 56 cá nhân thuộc diện chính sách đã có đóng góp trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Cùng với sự quan tâm của nhà nước, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của Hội Cựu chiến binh, các gia đình chính sách đều phát huy truyền thống gia đình cách mạng, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, tích cực vươn lên trong phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và địa phương như gia đình ông Chuông, bà Chi, ông Sại. Đó chính là những Hội viên Hội Cựu chiến binh, Cựu thanh niên xung phong - hội viên một thời mang trên mình màu xanh áo lính, dù ở mặt trận nào (chiến đấu bảo vệ nền độc lập và bình yên cho Tổ quốc hay phát triển kinh tế, xây dựng quê hương) họ vẫn gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước; đi đầu trong các phong trào thi đua chiến đấu bảo vệ Tổ quốc hay lao động sản xuất... để mãi xứng danh anh "Bộ đội Cụ Hồ” và là tấm gương cho con cháu, nhân dân địa phương noi theo./.
Thạc sĩ Phạm Thị Huệ
Trưởng khoa Dân vận

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8028213

Đang Online : 140