Nghiên cứu - Trao đổi

Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc Hà Tuyên trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (1979 – 1989)

Ngày Đăng: 19/2/2019 8:12 Lượt xem: 1162

        Để đề phòng nguy cơ một cuộc tấn công từ phía bên kia biên giới, từ năm 1978 Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết về công tác quân sự địa phương trong tình hình mới, đặc biệt chỉ đạo các tỉnh biên giới phía Bắc tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, sẵn sàng chiến đấu, đánh bại mọi âm mưu và hành động xâm lược, phá hoại về mọi mặt của các thế lực thù địch.
        Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên cũ (nay là hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang), đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng nhằm tăng cường củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trước mọi hành động xâm lấn, phá hoại từ phía bên kia bên giới.
        Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thống nhất cùng các cấp, các ngành, đoàn thể tập trung xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang, sẵn sàng chiến đấu; triển khai xây dựng căn cứ, đào hầm hào, công sự; mở đường phục vụ chiến đấu, rà soát các đối tượng chính trị; tăng cường công tác bảo vệ trật tự trị an. Các phương án tác chiến được xây dựng. Các lực lượng vũ trang bao gồm cả bộ đội thường trực tỉnh, huyện và dân quân, tự vệ được phát triển hơn trước về số lượng, quy mô, tổ chức và chất lượng. (Lực lượng chủ lực tỉnh tăng 20 lần so với trước, gồm nhiều binh chủng được trang bị vũ khí mạnh, lực lượng dân quân, tự vệ chiếm 13% dân số toàn tỉnh)
[1].
        Xây dựng tuyến phòng thủ biên giới đáp ứng được yêu cầu sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; toàn tỉnh được chia làm hai tuyến để chỉ đạo. Tuyến I, là tuyến trực tiếp chiến đấu gồm các huyện: Na Hang, Bắc Quang, Vị Xuyên, Quản Bạ, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần và thị xã Hà Giang. Tuyến II, là tuyến căn cứ, hậu phương bao gồm toàn bộ các huyện còn lại của tỉnh. Tính đến tháng 7/1978, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã thành lập được 8 tiểu đoàn của 7 huyện biên giới, các đồn công an vũ trang cũng được bổ sung thêm lực lượng, hàng ngàn dân quân, tự vệ các huyện tuyến II được huy động lên biên giới xây dựng công sự, trận địa, chuẩn bị chiến đấu. Toàn tỉnh có 6.150 người nhập ngũ, tái ngũ, trong đó có 100 nữ (lớn nhất từ trước tới nay)
[2]. Số cán bộ dự bị động viên cũng được tăng cường. Các huyện tuyến sau đã đóng góp hàng triệu ngày công, hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, hàng triệu cây tre, gỗ, lá cọ, hàng triệu mũi chông cho việc xây dựng tuyến phòng thủ biên giới và giúp đỡ các đơn vị mới thành lập.
        Với sự chủ động tích cực của Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên trong lãnh đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã xây dựng tuyến phòng thủ biên giới vững chắc đáp ứng được yêu cầu sẵn sàng chiến đấu đánh địch bảo vệ địa phương.
        Ngày 17/2/1979, Trung Quốc mở cuộc tấn công ồ ạt trên toàn tuyến biên giới Việt Nam. Trên tuyến biên giới Hà Tuyên, quân Trung Quốc huy động 2 sư đoàn bộ binh, có sự yểm trợ của pháo binh, tấn công vào 7 huyện biên giới gây cho ta nhiều thiệt hại về người và của.
        Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, quân và dân các dân tộc Hà Tuyên (Tuyên Quang và Hà Giang) đã chung sức, chung lòng, kiên trì bám trụ, anh dũng kiên cường chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Sau hơn 1 tháng chiến đấu (từ 17/2 – 20/3/1979), các lực lượng vũ trang của tỉnh đã đánh 61 trận, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, làm thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh khác bảo vệ vững chắc biên giới. Trong cuộc chiến đấu ác liệt, đã xuất hiện nhiều đơn vị chiến đấu kiên cường, dũng cảm, tiêu biểu như Đồn biên phòng Bản Máy (Xín Mần), Thanh Thủy (Vị Xuyên)…; các đơn vị C1, C3, C5 công an vũ trang, Tiểu đoàn 1 bộ đội địa phương (Mèo Vạc)…nhiều anh hùng liệt sĩ như đồng chí Lộc Vĩnh Tài, Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Văn Nhiêu
[3]
        Từ cuối năm 1979 đến năm 1989, phía Trung Quốc liên tiếp có những hoạt động lấn chiếm một số điểm cao của ta, tăng cường khiêu khích vũ trang căng thẳng nhất là khu vực Vị Xuyên, đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, phá hoại ta về kinh tế, chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trước tình hình đó, đi đôi với lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội, công tác quốc phòng, an ninh được Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên đặc biệt coi trọng. Phong trào toàn dân tham gia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới bảo vệ Tổ quốc được phát động sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, chia lửa với chiến trường Hà Tuyên từ năm 1984, Bộ Quốc phòng, Quân khu II đã tăng cường nhiều đơn vị chủ lực lên Hà Tuyên tham gia chiến đấu, tạo cơ sở vững chắc, củng cố tinh thần chiến đấu cho các lực lượng vũ trang trong tỉnh. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng các huyện biên giới thành Pháo đài quân sự (Mèo Vạc, Yên Minh là mô hình xây dựng điểm của quân khu), hoàn thành xây dựng trận địa chiến đấu ở biên giới…Trong năm 1980, quân và dân Hà Tuyên đã chiến đấu đánh 45 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch
[4]. Trong những năm 1984-1985, cuộc chiến đấu ở biên giới diễn ra hết sức ác liệt, trong 13 tháng (từ tháng 4/1984 đến tháng 5/1985), quân chủ lực và quân dân Hà Tuyên đã đánh lui gần 100 đợt tấn công của quân xâm lược Trung Quốc, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên, phá hủy hàng trăm khẩu pháo, cối các loại, bắn cháy nhiều xe quân sự, kho tàng, phương tiện chiến tranh của địch. Trong những năm 1986-1987, quân và dân Hà Tuyên tiếp tục đánh trả hơn 400 đợt tiến công lấn chiến của quân xâm lược Trung Quốc vào hướng Vị Xuyên, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn, 1 trung đoàn địch, phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch. Với những thắng lợi to lớn của quân dân Hà Tuyên, đến ngày 21/12/1988, phía Trung Quốc ngừng các đợt tiến công bắn phá vào tuyến biên giới Hà Tuyên. Từ năm 1989 đến năm 1991, tình hình biên giới Việt – Trung có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc kết thúc thắng lợi thuộc về nhân dân Việt Nam chính nghĩa, góp phần làm lên thắng lợi đó có sự đóng góp không nhỏ của quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.
        Ghi nhận những đóng góp xuất sắc của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Tuyên (Tuyên Quang và Hà Giang) trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ngày 29/8/1985, Hội đồng Nhà nước đã quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tặng Huân chương Sao vàng và Huân chương Hồ Chí Minh cho quân, dân tỉnh Hà Tuyên; quân dân các huyện Vị Xuyên, Yên Minh, quân dân các xã Bạch Đích, Phú Lũng (Yên Minh), Tả Ván (Quản Bạ), đồn biên phòng 105 Bạch Đích (Yên Minh); 02 liệt sĩ Nguyễn Hồng Cao và Lộc Viễn Tài được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…
        Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của dân tộc ta đã kết thúc cách đây 40 năm, việc ôn lại quá khứ để chúng ta ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha anh những người đã hy sinh và hy sinh một phần xương máu để bảo vệ vững chắc miền biên cương của Tổ quốc, qua đó cũng để giáo dục thế hệ trẻ biết trân trọng những giá trị lịch sử, kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, yêu chuộng hòa bình, nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng, có cách nhìn nhận, đánh giá khách quan và hành xử đúng mực hơn trong các mối quan hệ, đặc biệt là trong điều kiện hoàn cảnh quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, thực hiện nhất quán đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong quan hệ với các nước trên thế giới vì hòa bình, hợp tác, hữu nghị và theo đúng luật pháp quốc tế.
                                                                    
Thạc sĩ Đặng Quốc Tuyên
Trưởng phòng Đào tạo
 

[1] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (giai đoạn 1976-2005), Nxb Chính trị Quốc gia, H.2009, tr.42
[2] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (giai đoạn 1976-2005), Nxb Chính trị Quốc gia, H.2009, tr.43
[3] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (giai đoạn 1976-2005), Nxb Chính trị Quốc gia, H.2009, tr.46
[4] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (giai đoạn 1976-2005), Nxb Chính trị Quốc gia, H.2009, tr.53

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8006602

Đang Online : 1926