Nghiên cứu - Trao đổi

Nhận thức về đảng cầm quyền và thực tiễn cầm quyền của Đảng ta

Ngày Đăng: 27/3/2019 14:4 Lượt xem: 541

        Bàn về nội dung, phương thức và năng lực cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới, tưởng chừng như cũ mà lại rất mới, có tính thời sự nóng hổi. Nói tưởng chừng như cũ là vì khái niệm về Đảng cầm quyền đã có từ lâu, không chỉ ở các nước trên thế giới, mà cả ở nước ta, nếu tính từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945. Nói rất mới là vì sau hơn 70 năm ở vị thế Đảng cầm quyền, trước mắt chúng ta, vẫn còn nhiều vấn đề chưa thật sự sáng tỏ, xử lý còn lúng túng trong lý luận về đảng cầm quyền và cả trong hoạt động thực tiễn cầm quyền của Đảng.

Ảnh minh họa - Nguồn: quangnam.gov.vn
        Nhận thức về đảng cầm quyền
        Theo Đại tự điển Tiếng Việt, cầm quyền có nghĩa là nắm giữ chính quyền. Như vậy, đảng cầm quyền đồng nghĩa với đảng nắm giữ chính quyền. Ở các quốc gia theo thể chế đa đảng, các đảng chính trị với những xu hướng khác nhau, có thể cạnh tranh nhau để nắm giữ chính quyền thông qua bầu cử dân chủ. Đảng nào giành được đa số phiếu của cử tri và đa số đại biểu trong nghị viện thì đảng đó có quyền đứng ra thành lập chính phủ và trở thành đảng cầm quyền. Giành được đa số phiếu tuyệt đối thì tự mình thành lập chính phủ; nếu là đa số tương đối thì có thể liên minh với một vài đảng hay tổ chức chính trị khác để có được đa số theo thể chế đảng liên minh.
        Có một số khái niệm cần nhận rõ như: đảng cầm quyền và liên minh cầm quyền; đảng cầm quyền và đảng đối lập; đảng chấp chính và đảng tham chính, v.v.. Về đảng cầm quyền và liên minh cầm quyền thì như trên đã nói. Còn với đảng cầm quyền và đảng đối lập cũng chỉ là nói một cách tương đối, bởi trong thể chế đa đảng, không có chuyện đảng đối lập bao giờ cũng chống lại đảng cầm quyền một cách tuyệt đối trong mọi chủ trương, chính sách mà đảng cầm quyền đưa ra. Về đảng chấp chính và đảng tham chính, có thể hiểu như sau: Chấp chính đồng nghĩa với cầm quyền. Đảng chấp chính là đảng nắm giữ chính quyền. Còn đảng tham chính là đảng tham gia chính quyền nhưng không giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt.
        Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam, về mặt lý thuyết, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945, đã trở thành đảng cầm quyền. Nhưng do những biến động của tình hình phức tạp mà sự cầm quyền đó ở một số thời kỳ là không trọn vẹn, nhận thức của chúng ta về đảng cầm quyền cũng chưa thật sáng tỏ. Đại thể như sau:
        Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến ngày Toàn quốc kháng chiến (1945 - 1946), trong khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn hiện hữu như một nhà nước độc lập, tự do thật sự, thì Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố tự giải tán (sự thật là rút vào bí mật), cho nên, mặc dù Đảng vẫn giữ vai trò lãnh đạo, nhưng về mặt công khai, không có được chính danh của đảng cầm quyền.
        Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, do vùng chiếm đóng của địch mở rộng, vùng tự do của ta bị thu hẹp, quyền lực nhà nước của ta cũng chỉ thể hiện chủ yếu ở các vùng tự do. Năm 1951, vào lúc kháng chiến bước vào giai đoạn chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công, Đảng ta ra công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam. Đảng đề ra Chính cương với mục tiêu cơ bản là “hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Mục tiêu “trước mắt là lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn”. Qua bản Chính cương và thực tiễn lãnh đạo kháng chiến, Đảng ta đã công khai xác lập vị thế lãnh đạo và cầm quyền của mình. Dẫu sao, tính chất cầm quyền của Đảng ở thời kỳ này cũng chưa thật sự rõ nét. 
        Trong các thời kỳ tiếp theo - thời kỳ miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội (1955 - 1975) và nhất là thời kỳ sau khi nước nhà thống nhất, cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội (từ năm 1975 đến nay), từ làm chủ hoàn toàn nửa nước đến làm chủ toàn bộ đất nước, có thể nói vai trò và vị thế lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được xác lập vững chắc hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, Đảng vẫn phải thường xuyên đối mặt với biết bao khó khăn, thách thức. Bởi trong hoạt động lãnh đạo của mình, Đảng không chỉ có thành công mà còn có cả thất bại, dù chỉ là tạm thời hay cục bộ. Đảng ta rút ra bài học lớn: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
        Nói chung là như vậy, nhưng giữa lãnh đạo và cầm quyền, có gì là tương đồng, có gì là khác biệt? Cả hai là một hay trong một có hai? Đó là câu hỏi đặt ra cần có lời giải đáp.
        Tương đồng và khác biệt giữa lãnh đạo và cầm quyền
        Để hiểu rõ mối quan hệ tương đồng và khác biệt giữa lãnh đạo và cầm quyền, trước hết cần có cái nhìn tổng quát về cấu trúc tổng thể của chế độ chính trị - xã hội nước ta, hay như cách nói lâu nay vẫn thường dùng - cơ chế vận hành của toàn bộ chế độ ta: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
        Với cấu trúc tổng thể hay cơ chế vận hành này, Đảng, Nhà nước và nhân dân đều là ba chủ thể của quyền lực. Quyền lực của nhân dân là quyền lực của người làm chủ đất nước. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện. Quyền lực nhà nước là quyền lực của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà nước là tổ chức quyền lực cao nhất do nhân dân bầu ra và cử lên. Nhà nước (bao gồm cả Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương) thực hiện đồng bộ cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, cũng là người quản lý thống nhất các mặt hoạt động từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
        Quyền lực của Đảng là quyền lãnh đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng - sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và phát triển, độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế… Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) ghi rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Hiến pháp năm 2013 cũng ghi: Đảng Cộng sản Việt Nam là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. 
        Như vậy, nhìn một cách tổng thể, không có gì khác nhau giữa hai cách nói Đảng cầm quyền hay Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đó là điểm tương đồng, thuộc về bản chất. Tuy nhiên, phân tích sâu hơn dưới góc nhìn thực tế, ta sẽ thấy giữa cầm quyền và lãnh đạo vẫn có một số điểm khác biệt.
        Thứ nhất, khái niệm lãnh đạo có nghĩa rộng hơn, bao quát hơn khái niệm cầm quyền. Đảng không chỉ lãnh đạo Nhà nước mà còn lãnh đạo nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. 
        Hai là, Đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước nhưng không biến mình thành Nhà nước hoặc làm thay công việc của Nhà nước. Nhà nước chịu sự lãnh đạo của Đảng nhưng không phải là công cụ thừa hành. Xây dựng Đảng với xây dựng Nhà nước là hai nhiệm vụ có liên quan mật thiết với nhau nhưng không phải chỉ là một.
        Ba là, về mặt tổ chức, bộ máy của Đảng có sự phân biệt với bộ máy của Nhà nước. Tuy Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị, nhưng điều đó không có nghĩa là đào tạo cán bộ trong bộ máy nhà nước cũng giống như đào tạo cán bộ trong bộ máy lãnh đạo của Đảng.
        Có một thực tế là trong nhiều năm qua, do nhiều nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, bộ máy của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có xu hướng phình to ra, cồng kềnh, nhiều tầng nấc, vừa ngốn nhiều ngân sách nhà nước, vừa không tăng được năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động.
        Qua Văn kiện Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, ta bắt gặp nhiều chủ trương và biện pháp như: Tinh gọn bộ máy phải đi đôi với tinh giản biên chế; giảm bớt đầu mối trong mỗi tổ chức, hợp nhất một số tổ chức, cơ quan trùng lặp chức năng, nhiệm vụ; thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối… Ở một số địa phương, tỉnh và huyện đã thực hiện việc “nhất thể hóa” một số chức danh lãnh đạo, quản lý. Mới đây nhất, nhân việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức Chủ tịch nước, có những ý kiến cho rằng, đây là sự “nhất thể hóa” chức danh Tổng Bí thư với chức danh Chủ tịch nước. Những ý kiến không đúng này đã được đính chính.
Nói “nhất thể hóa” là nói đến việc hợp nhất hai thực thể khác nhau thành ra một. Ở cấp Trung ương, việc một người giữ hai chức vụ cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và bộ máy của Nhà nước là chuyện bình thường. Nhưng đó không phải là “nhất thể hóa”, theo đúng nghĩa của nó. Sẽ không có chuyện “nhất thể hóa” bộ máy lãnh đạo của Đảng và bộ máy điều hành của Nhà nước dù là ở cấp Trung ương hay địa phương, nhất là ở cấp Trung ương.
        Về phương thức lãnh đạo hay phương thức cầm quyền của Đảng 
        Văn kiện Đại hội XII của Đảng, về nhiệm vụ Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, ở phần kiểm điểm, có chỉ rõ: Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước có những nội dung còn lúng túng. Chưa xác định rõ nội dung và phương thức cầm quyền. Ở phần định hướng phát triển, Đảng cũng chỉ đề cập phương thức lãnh đạo của Đảng nói chung mà không nói tách bạch phương thức cầm quyền là gì? Tôi hiểu: Phương thức lãnh đạo của Đảng là tổng hợp các phương pháp, cách thức và biện pháp mà Đảng sử dụng để thực hiện vai trò lãnh đạo của mình với tư cách là Đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Nói chung là như vậy, nhưng đối tượng lãnh đạo của Đảng không chỉ có một (đơn nhất) mà có nhiều (đa dạng), cho nên phương thức lãnh đạo không thể áp dụng máy móc cho mọi đối tượng mà phải vận dụng linh hoạt cho từng đối tượng, bởi mỗi đối tượng đều có chức năng, nhiệm vụ không giống nhau.
        Đại thể có 5 loại phương thức lãnh đạo cho 5 loại đối tượng khác nhau như sau: 1- Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nội bộ Đảng, giữa Trung ương với địa phương, giữa cấp ủy với đảng ủy các ngành, giữa tổ chức đảng với cán bộ, đảng viên. 2- Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, với tư cách là cơ quan quyền lực do nhân dân bầu ra và cử lên. 3- Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân - người có vai trò quan trọng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước thông qua chức năng giám sát và phản biện xã hội. 4- Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các lực lượng vũ trang - Quân đội nhân dân và Công an nhân dân - các lực lượng chịu sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. 5- Phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong các tổ chức, kinh doanh đặc thù, các doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước.
        Nói phương thức lãnh đạo của Đảng phải vận dụng linh hoạt cho từng đối tượng, không máy móc áp đặt phương thức lãnh đạo đối tượng này cho đối tượng khác, không có nghĩa là không có những nguyên tắc cơ bản mà cả 5 loại phương thức lãnh đạo đều phải tuân thủ. Theo Cương lĩnh của Đảng, đó là: Một, Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Hai, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Ba, Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Bốn, Đảng thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Năm, Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
        Tuy không trực tiếp đề cập phương thức cầm quyền, nhưng trong đổi mới phương thức lãnh đạo nói chung, Đảng đặc điệt chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đó là: Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng các chủ trương, chính sách lớn, lãnh đạo thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật, lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất và năng lực, lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách và hệ thống pháp luật; chú trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; các tổ chức của Đảng và đảng viên phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật./.
Hà Đăng
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương
Nguồn: tapchicongsan.org.vn

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7984886

Đang Online : 312