Nghiên cứu - Trao đổi

Phát huy giá trị lịch sử của Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) trong giai đoạn hiện nay

Ngày Đăng: 26/4/2019 11:49 Lượt xem: 534

        Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một mốc son vĩ đại trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, đó là ngày đất nước được thống nhất, non sông thu về một mối. Sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 đi vào lịch sử dân tộc như một chiến công chói lọi nhất, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội. Cho đến hôm nay sự kiện ấy vẫn còn nguyên giá trị cùng ý nghĩa to lớn soi rọi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
        Từ cuối năm 1974 đầu năm 1975, tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Trong đó nhấn mạnh cả năm 1975 là thời cơ và nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm thì lập tức giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975. Sau chiến thắng của quân ta ở Chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định về thời cơ chiến lược và điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam, quyết tâm “tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa” năm 1975, đồng thời mở Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định sau đổi tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập (nguồn: baonghean.vn)
       Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, quân ta nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. Đúng 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của chính quyền Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập,  báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
        Chiến thắng 30/4/1975 là biểu hiện của nội lực, sức mạnh và truyền thống văn hoá Việt Nam. Chính vì vậy mà “thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất và đi v
ào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX” [1]Thắng lợi ấy là kết quả tổng hợp của một loạt các nhân tố tạo nên: Đó là sự lãnh đạo của Đảng ta với đường lối, phương pháp cách mạng và chiến tranh cách mạng đúng đắn, sáng tạo; là sự đồng lòng, đoàn kết của hàng triệu đồng bào yêu nước khắp mọi miền Tổ quốc; đồng thời còn là sự ủng hộ giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, của các nước XHCN anh em, của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
        Chiến tranh đã lùi xa hơn bốn thập kỉ, nhưng khí thế hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử ấy vẫn mãi vẹn nguyên trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Ngày vui thống nhất đất nước 30/4/1975 cũng là sự khởi đầu để dân tộc Việt Nam đi tới mong ước và một khát vọng về một đất nước hòa bình, giàu mạnh. Ngày vui thống nhất hôm nay càng làm chúng ta trân trọng thêm những những thành quả to lớn của đất nước đã đạt được sau hơn 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế có bước phát triển. An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện....Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường...
Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao[2]
        Phát huy giá trị lịch sử của ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) trong giai đoạn hiện nay chính là viết tiếp và kế thừa trang sử hào hùng của dân tộc tinh thần quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng, đoàn kết của cả dân tộc để khắc phục mọi khó khăn, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng để xây dựng đất nước trong tình hình mới, đó là:
        Phát huy mạnh mẽ giá trị của lòng yêu nước, tự hào dân tộc
        Chiến thắng ngày 30/4/1975 là trang sử hào hùng; kết quả của lòng yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tô đậm thêm truyền thống kiên cường, anh dũng, bất khuất của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Có thể thấy chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc là động lực mạnh mẽ của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh giành và bảo vệ nền độc lập. Trong giai đoạn hiện nay động lực chủ yếu để phát triển đất nước vẫn là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đồng thời khơi dậy mạnh mẽ tất cả các nguồn lực (nội sinh và ngoại sinh, vật chất và tinh thần) mà trước hết là chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập, tự cường, tinh thần tự hào dân tộc,…của toàn dân, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Ngày hôm nay, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc càng cần phải được phát huy với những việc làm cụ thể, trở thành sức mạnh nội sinh góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này được Đảng ta đã chỉ rõ trong Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới: “Hơn bao giờ hết, phải phát huy cao độ lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, nêu cao ý chí và bản lĩnh dân tộc, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đoàn kết toàn Đảng, toàn dân vì sự phát triển đất nước
[3]
        Để phát huy những giá trị của lịch sử cần phải làm tốt công tác giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ. Trong giai đoạn hiện nay đất nước ta đang bước vào thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, khi tình hình thế giới đang thay đổi nhanh, phức tạp, khó lường; đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 cùng nhiều thuận lợi, thách thức, các thế lực thù địch đang lợi dụng sức ảnh hưởng của truyền thông để tìm mọi cách thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với những cấp độ, cường độ ngày càng mạnh mẽ và thanh niên là đối tượng dễ được “chú ý”. Do đó, chủ nghĩa yêu nước phải được kế thừa, phát huy một cách cao độ và việc làm thường xuyên là phải tích cực tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ để họ phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng đất nước và tiếp tục tô đẹp thêm trang sử vẻ vang của lớp cha anh.
        Quyết tâm giữ vững hòa bình, độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ
        Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nhân dân nước nào cũng yêu chuộng hòa bình, cũng chán ghét chiến tranh, cũng muốn sống tự do độc lập"
[4].  Bởi vậy, trong Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông báo trước thế giới điều đanh thép: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Chiến thắng ngày 30/4/1975 là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ của quân và dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn, kết thúc oanh liệt cuộc đấu tranh 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc. Biết bao người con ưu tú của Tổ quốc đã để lại tuổi thanh xuân và một phần cơ thể nơi chiến trường. Chiến tranh đã khiến chúng ta phải đánh đổi bằng sự hi sinh xương máu của các thế hệ người Việt Nam yêu nước. Vì vậy, được sống trong hòa bình chúng ta càng trân trọng và biết ơn sự hi sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông và quyết tâm gìn giữ nền hòa bình ấy.
        Trong giai đoạn hiện nay khi đất nước đang trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế, chúng ta càng phải giữ vững hòa bình, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, khẳng định quan điểm nhất quán, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, Văn kiện Đại hội XII Đảng khẳng định: “
kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, nhà nước, nhân dân và chế độ Xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”[5]
        Phát huy tinh thần quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng, tự lực, tự cường khắc phục khó khăn, trong công cuộc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.
        Chiến thắng 30/4/1975 là kết quả sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối cách mạng và phương pháp độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Việt Nam - Một đất nước nhỏ bé với những con người cần cù, chịu khó và rất yêu quê hương, đất nước. Chính vì vậy, khi quân xâm lược tới từ một đế quốc lớn với quân đội hùng mạnh, vũ khí tối tân hòng mang đi khát vọng độc lập, hòa bình, âm mưu chia rẽ đất nước thì dân tộc ấy muôn triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu đã quyết chiến và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Phát huy tinh thần tự lực tự cường khắc phục mọi khó khăn, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng khác nhau ở hai miền nhằm một mục tiêu chung giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc - đó cũng là bài học kinh nghiệm quý báu để xây dựng đất nước trong tình hình mới.
        Thế giới đang thay đổi nhanh chóng với những cơ hội và thách thức mới, đó là những yêu cầu cao hơn, khó khăn hơn mà nếu dừng lại thì chúng ta sẽ bị đánh bật khỏi vòng xoáy chung. Bởi vậy, muốn đạt được kết quả đã đề ra quả đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn và quyết tâm cao hơn, cần phải phát huy cao nhất tinh thần đại đoàn kết dân tộc - Đây là đường lối chiến lựơc của cách mạng Việt Nam cũng như “..
.phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[6]. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, tự lực tự cường, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn, biến khó khăn thành hành động, không ngừng phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế...
        Năm 2019 kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam,thống nhất đất nước và cũng là tròn 50 năm Đảng ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác kính yêu. Trong Di chúc Bác căn dặn: “
Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[7].  Phát huy giá trị lịch sử hào hùng của ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 chúng ta tin tưởng, tự hào dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự đoàn kết, đồng lòng của cả dân tộc với ý chí quyết chiến quyết thắng đất nước ta sẽ vững bước, hùng cường trên con đường phát triển, xây dựng đất nước to đẹp, giàu mạnh thỏa lòng mong ước của Bác kính yêu./.
 
Thạc sĩ Triệu Thị Bạch Vân
Khoa Lý luận Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh
 

[1] Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ IV, Nxb Chính trị quốc gia, HN 2004, tr.23
[2] Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XII, VP Trung ương Đảng, HN 2016, tr.58
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành trung ương Đảng, Ban chỉ đạo tổng kết (2016). Báo cáo tổng kết một vấn đề lí luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016). NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, tr.22
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, HN.2004, tập 7, tr.521
[5] Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XII, VP Trung ương Đảng, HN.2016, tr.153
[6] Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XII, VP Trung ương Đảng, HN.2016, tr.158
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN.2002, tập 12,tr.512

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8001104

Đang Online : 4578