Nghiên cứu - Trao đổi

Lâm Bình thực hiện nhiều chính sách nhằm nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày Đăng: 7/6/2019 9:29 Lượt xem: 452

        Lâm Bình là một huyện vùng cao nằm ở phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang. Dân số hiện có 33.579 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 98%, gồm các dân tộc Tày, Dao, H’mông, Pà Thẻn và các dân tộc khác. Do đặc điểm địa hình hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi đá vôi, giao thông đi lại khó khăn, dân cư chủ yếu sống ở nông thôn nên đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với tinh thần quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình đã tích cực vận dụng triển khai linh hoạt, sáng tạo nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc.
        Nhiều chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện như: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới huyện Lâm Bình; Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình cấp ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn...
        Đến nay, hệ thống công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện đã được quan tâm đầu tư, hoàn thiện như công trình sửa chữa nâng cấp công trình thủy lợi Khuổi Mạ, Khuổi Hu, thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên; công trình nâng cấp đường khu tái định cư Nà Mèn đến cầu Thẳm Pạu, xã Lăng Can; công trình Kè rọ đá chống sạt lở đất ruộng thôn Chẩu Quân, xã Bình An; công trình đường giao thông liên thôn Nà Ghè – Bản Luông, xã Hồng Quang. Hệ thống đường giao thông liên xã và giao thông nông thôn cơ bản lưu thông thuận lợi.
        Nhằm nâng cao trình độ dân trí, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho huyện cũng như cho tỉnh, Lâm Bình đã mở rộng quy mô mạng lưới trường, lớp, học sinh với tổng số 25 trường học các cấp (từ mầm non đến THCS). Nhiều công trình trường học được nâng cấp, sửa chữa và xây mới như công trình trường THCS Lăng Can, trường THCS Khuôn Hà...Chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao, với 99% giáo viên đạt chuẩn về trình độ, trong đó tỉ lệ giáo viên trên chuẩn đạt hơn 70%.
       Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo được thực hiện với tổng kinh phí là 2.135 triệu đồng, được thực hiện trên địa bàn 08 xã: Thượng Lâm, Phúc Yên, Xuân Lập, Bình An, Khuôn Hà, Hồng Quang, Thổ Bình, Lăng Can. Kinh phí hỗ trợ chủ yếu nhằm mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, mua trâu cái, bò cái sinh sản, hỗ trợ cây giống bò khai, cây lâm nghiệp và phân bón cho nông dân. Huyện cũng tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, đối thoại chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội tại các xã Xuân Lập, Phúc Yên, Hồng Quang, Thổ Bình cho các đối tượng là người nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Triển khai thực hiện các chính sách cho vay vốn đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Các ngân hàng mở rộng cho vay vốn đối với các thành phần kinh tế, ưu tiên vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nông thôn.
        Nhờ thực hiện tốt các chính sách trên, năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 5,56%.Đời sống của người dân tộc thiểu số được cải thiện về điều kiện sống, nhận thức của người dân được nâng lên. Đồng bào đã được tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, một số nhu cầu thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng. Về lâu dài, tác động của chương trình giúp đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có được cơ hội tự vươn lên, tạo thu nhập để phát triển, vượt qua tình trạng đói nghèo, tự giải quyết những nhu cầu thiết yếu của gia đình và bản thân. Các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất được quan tâm đầu tư và thực hiện hiệu quả; các chế độ chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản kịp thời, tạo sự chuyển biến đáng kể trên tất cả các mặt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đồng bào các dân tộc, phấn khởi, tin tưởng, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện xóa đói giảm nghèo.
        Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc của huyện còn gặp một số khó khăn như việc thực hiện một số chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn các xã còn chậm, cụ thể như: Công trình Khuổi Hu, xã Phúc Yên; công trình đường Nà Mèn-Thẳm Pạu, xã Lăng Can. Nguyên nhân là do đặc thù của một huyện vùng cao, có địa hình phúc tạp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế nên ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện một số chính sách. Trong quá trình thực hiện một số công trình do xác định đầu điểm đầu tư chưa sát với kế hoạch đầu tư công, phải thay đổi đầu điểm xây dựng công trình, nên việc triển khai trình tự các bước thực hiện chậm. Hơn nữa, đội ngũ cán bộlàm công tác dân tộc tại các thôn, xã còn hạn chế về trình độ và năng lực nên chưa chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân xã trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ có lúc, có việc chưa kịp thời, tính liên kết còn hạn chế.
        Để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Lâm Bình trong thời gian tới, cần nâng cao nhận thức không chỉ cho cán bộ, đảng viên, những người làm công tác dân tộc mà cho cả nhân dân - đồng bào dân tộc thiểu số về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới. Bởi vì, đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ là đối tượng được hưởng lợi từ chính sách dân tộc mà còn chính là những chủ thể quan trọng góp phần thực hiện thành công chính sách. Tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, trưởng dòng họ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, nhất là đối với các xã nghèo, xã vùng sâu, vùng xa của huyện. Tăng cường lực lượng cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt đến công tác ở các xã khó khăn vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt không ngừng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc ở các xã, thôn...Thiết nghĩ, thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ góp phần đưa đến thành công trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc của huyện đồng thời tạo ra những chuyển biến tích cực nhằm thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm tới./.
 Thạc sĩ Lê Thị Hồng Hạnh
                                      Khoa Lý luận Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh

 
* Số liệu trong bài viết được trích dẫn theo: Uỷ ban nhân dân huyện Lâm Bình: Báo cáo việc triển khai thực hiện chính sách của Nhà nước và nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
                                                    

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7977508

Đang Online : 731