Nghiên cứu - Trao đổi

Phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Ngày Đăng: 19/6/2019 8:3 Lượt xem: 621

         Sơn Dương là huyện nằm ở phía Nam tỉnh Tuyên Quang, cách thủ đô Hà Nội khoảng 110 km, có vị trí địa lý tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc - đây là những tỉnh có kinh tế phát triển, đặc biệt là công nghiệp; huyện có các tuyến đường quốc lộ 2C, 37 chạy qua vì vậy thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế với các địa phương trong vùng kinh tế Đông -  Bắc; Tây - Bắc.
        Trong những năm gần đây huyện tiếp tục phát triển kinh tế nông lầm nghiệp theo hướng bền vững, tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ thương mại. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách nội địa đạt 108.699,8 triệu đồng (100,62%  kế hoạch); toàn huyện có 143 doanh nghiệp, 65 hợp tác xã, 228 trang trại. Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 87.795,15 ha, đất đô thị 2.078,37 ha.
        Dân số toàn huyện là 201.000 người, gồm 20 dân tộc, trong đó có 123.494 lao động trong độ tuổi; tạo việc làm mới cho trên 5.328 người (đạt 116,8% kế hoạch)...
         Những điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đã tạo cho huyện Sơn Dương những nét riêng có, thuận lợi cho phát triển kinh tế nông lâm nghiệp.
Từ năm 2016 đến 2018, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi... việc phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện đã đạt được kết quả cụ thể như sau:
       Về lĩnh vực trồng trọt: Tổng sản lượng lương thực quy thóc hàng năm đạt trên 84.000 tấn, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Vùng nguyên liệu mía đạt trên 3000 ha, năng suất bình quân đạt trên 55 tấn/ha, cơ bản cung cấp đủ nguyên liệu cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương. Vùng nguyên liệu chè trên 1.575 ha, năng suất chè bình quân 8 - 9 tấn/ha, đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định cho các cơ sở chế biến công nghiệp, hộ gia đình. Trên địa bàn huyện có 02 doanh nghiệp chè và hàng vạn hộ gia đình trồng chè gắn với việc chế biến sản phẩm chè xanh phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Một số sản phẩm hàng hóa đã có thương hiệu trên thị trường như: Đường kính trắng, chè Tân Trào, chè Thành Long, chè Vĩnh Tân, chè Trung Long, tinh bột nghệ Tiến Phát, gạo đặc sản Tân Trào, Nấm sò  Bình Yên ...
        Trong lĩnh vực lâm nghiệp: Tổng diện tích rừng hiện có 36.548,82 ha, độ che phủ của rừng đạt trên 46% trong đó: Rừng đặc dụng 9.807,29 ha, rừng phòng hộ 3.599,55 ha; chủ yếu là rừng tự nhiên thứ sinh, phục hồi sau nương rẫy; rừng tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao, nhiều loại động vật, thực vật có giá trị về dược liệu, nghiên cứu khoa học (Cá cóc Tam Đảo, Trà hoa vàng Tam đảo - sinh vật đặc hữu), là môi trường sinh thái có tiềm năng, thuận lợi để phát triển du lịch (khu di tích lịch sử Tân Trào, vườn quốc gia Tam Đảo, Núi Bầu, núi Lịch...); rừng sản xuất 23.141,98 ha chủ yếu là chủ rừng trồng thuần loài Keo (chiếm trên 80 % tổng diện tích), năng suất rừng trồng đạt bình quân 70-80 m3/ha, có trên 2.000ha rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).
        Trong lĩnh vực chăn nuôi: Trên địa bàn huyện chủ yếu phát triển theo mô hình gia trại, trang trại, với quy mô nhỏ và vừa, hiện có trên 200 trang trại, chủ yếu là trang trại chăn nuôi, một số trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp với quy mô lớn, số lượng trên 3000 con, đàn trâu trên 20.975 con, đàn bò trên 11.818 con; đàn lợn trên 163.484 con, gia cầm, thủy cầm trên 1.338.410 con.
        Kinh tế hợp tác - làng nghề nông thôn: Toàn huyện có 41 Hợp tác xã nông lâm nghiệp, 06 làng nghề chè (có 07 Hợp tác xã chuyên canh cây trồng, vật nuôi, định hướng sản xuất theo chuỗi giá trị) gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế nông lâm nghiệp của huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chủ yếu là tăng trưởng theo chiều rộng; thông qua tăng diện tích cây trồng, tăng vụ; khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước quá mức, sử dụng nguồn nhân lực, lao động giá rẻ...; sản xuất nhỏ lẻ manh mún, chưa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ, dẫn đến thu nhập của người nông dân còn thấp, vùng nguyên liệu chưa ổn định, thiếu tính bền vững, chăn nuôi dễ bị ảnh hưởng, rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường...
        Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế trên là do xuất phát điểm nông nghiệp của huyện thấp, môi trường cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa ngày càng khó khăn về thị trường; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng gia tăng, khó lường. Tác động, liên kết, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển giữa các ngành kinh tế trên địa bàn còn chưa rõ nét, hiệu quả thấp. Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở về vị trí và vai trò của sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn chưa thực sự đầy đủ, nhiều lúc, nhiều nơi chỉ đạo chưa quyết liệt. Tập quán sản xuất quy mô nhỏ phổ biến, đầu tư cho nông nghiệp còn thấp; chất lượng kết cấu hạ tầng và dịch vụ phục vụ nông nghiệp chưa đáp ứng cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thực tiễn sản xuất còn nhiều hạn chế, bất cập; chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp còn thấp, việc tìm kiếm thị trường gắn liền với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản còn hạn chế.
        Trước thực trạng trên, để chuyển dịch kinh tế nông nghiệp của huyện sang sản xuất hàng hóa chất lượng, hiệu quả, bền vững và có khả năng cạnh tranh cao, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Sơn Dương đã quán triệt, triển khai và thực hiện tốt Nghị quyết số 16 - NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 -2025; trên cơ sở đó Ban chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XX) đã ban hành Chương trình hành động số 14-Ctr/HU ngày 25/10/2016, Ủy ban nhân huyện đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa huyện Sơn Dương, giai đoạn 2016 - 2025. Theo đó, sản xuất nông nghiệp hàng hóa được xác định phải gắn với xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế, các hình thức và quan hệ sản xuất hợp lý, phù hợp với kinh tế thị trường và điều kiện của địa phương; gắn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp với phát triển kinh tế tập thể, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch; chủ động hợp tác, liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị khoa học trong và ngoài nước đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nâng cao giá trị gia tăng, gắn với thị trường tiêu thụ. Để thực hiện được mục tiêu trên, trong thời gian tới các cấp chính quyền huyện Sơn Dương cần tập trung làm tốt một số giải pháp sau:
        Thứ nhất, giải pháp về tài chính - tín dụng: Tranh thủ mọi nguồn lực trong hỗ trợ, đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp; tham mưu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung tăng mức hỗ trợ, đầu tư và triển khai hiệu quả, linh hoạt các chính sách của Nhà nước trong sản xuất nông nghiệp; hằng năm phân bổ ngân sách địa phương hợp lý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ vay vốn, các chính sách về tín dụng của nhà nước đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn.
        Thứ hai, giải pháp về khoa học - công nghệ: Hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong khâu sản xuất giống, canh tác, nuôi, trồng, phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; trong thu hồi và xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, trồng trọt; ứng dụng biện pháp canh tác trên đất dốc; thâm canh tổng hợp đối với cây trồng; ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong khâu sản xuất, chế biến...; ứng dụng các phương pháp tưới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cây trồng; trong xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn sử dụng các chế phẩm vi sinh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ trong chăn nuôi an toàn sinh học, xử lý môi trường tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
        Thứ ba, giải pháp về đổi mới và nâng cao hiệu quả các cơ chế, chính sách, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm: Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ nông sản; xây dựng cánh đồng lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ; chính sách về hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, làng nghề, trang trại, dịch vụ môi trường rừng, phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Hỗ trợ, khuyến khích quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường; hỗ trợ phát triển các làng nghề, các cơ sở trồng, chế biến cây dược liệu, cây thuốc nam, lâm sản ngoài gỗ gắn với các chính sach hỗ trợ phát triển, khôi phục nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch trên địa bàn theo mô hình mỗi làng, xã một sản phẩm. Hàng năm xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ, tổ chức xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản của địa phương.
        Thứ tư, thực hiện tốt công tác quản lý, quy hoạch sử dụng đất đai, khuyến khích dồn đổi, tích tụ ruộng đất, gắn với cơ giới hóa đồng bộ và tổ chức sản xuất của Hợp tác xã: chủ động rà soát, đề nghị điều chỉnh, hoàn chỉnh, bổ sung một số quy hoạch thuộc ngành, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025 như: Quy hoạch phát triển lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi... đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn. Tăng cường công tác quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó: Chú trọng rà soát, phân bổ quỹ đất sử dụng cho phù hợp với các chương trình, đề án, dự án sản xuất hàng hóa, phát triển các vùng chuyên canh, chế biến hàng hóa nông, lâm, thủy sản. Ưu tiên chuyển đổi mục đích sử dụng đất để sản xuất hàng hóa đối với cây trồng, vật nuôi, ngành nghề lợi thế của địa phương đảm bảo hiệu quả, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích doanh nghiệp và người nông dân thực hiện góp vốn cổ phần, liên kết sản xuất bằng đất đai; dồn đổi, tích tụ ruộng đất tạo vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, cánh đồng lớn và khắc phục tình trạng manh mún. Rà soát, điều chỉnh và tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cây trồng vật nuôi chủ lực, có lợi thế ở địa phương theo quy hoạch./.
Thạc sĩ Hán Thị Hạnh Thúy
Phó Trưởng khoa Nhà nước & pháp luật

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8006356

Đang Online : 1679