Nghiên cứu - Trao đổi

Trao đổi một số giải pháp nâng cao hiệu quả phương pháp quản lý theo nội dung đối với giảng viên tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Ngày Đăng: 24/6/2019 11:21 Lượt xem: 496

        Phương pháp quản lý là cách thức mà chủ thể quản lý tác động vào đối tượng quản lý nhằm đạt mục tiêu nhất định[1]. Đối tượng quản lý cụ thể trong tổ chức là những con người, là thực thể có lý trí, tình cảm, nhân cách… gắn với các hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Việc lựa chọn phương pháp quản lý có hiệu quả hay không phụ thuộc vào trình độ, năng lực của người quản lý trên cơ sở nhận thức từ đặc điểm của đối tượng quản lý. Trên cơ sở lý luận về khoa học quản lý và căn cứ vào điều kiện thực tiễn của đơn vị, Ban Giám hiệu nhà trường đã lựa chọn hai hình thức quản lý cơ bản đó là phương pháp quản lý hành chính (làm việc theo giờ hành chính để giải quyết những sự vụ hàng ngày, đảm bảo hoạt động của cơ quan được tiến hành thông suốt, liên tục), áp dụng đối với viên chức, nhân viên làm việc tại các phòng tham mưu. Phương pháp thứ hai là quản lý theo nội dung (quản lý chất lượng công việc), áp dụng đối với giảng viên làm việc tại các khoa chuyên môn. Có thể nói việc tách biệt đặc thù công việc của những người làm việc tại nhà trường và lựa chọn phương pháp quản lý của Ban Giám hiệu trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin trao đổi một số vấn đề xung quanh phương pháp quản lý theo nội dung.
        Nhiệm vụ quan trọng của giảng viên Trường Chính trị là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, soạn và giảng các bài trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính và các chương trình bồi dưỡng khác tại nhà trường. Hoạt động soạn bài của giảng viên cần có không gian yên tĩnh để nghiên cứu lý luận và chủ động về thời gian đi cơ sở nghiên cứu, trao đổi, thu thập kiến thức thực tiễn bổ sung vào bài giảng. Hơn nữa, hiện nay việc soạn bài của giảng viên thực hiện trên máy vi tính, trong khi đó mỗi khoa chuyên môn chỉ có 01 máy dùng chung, vì vậy việc soạn bài tại nhà trường sẽ gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở đó nhà trường lựa chọn phương pháp quản lý nội dung đối với giảng viên ở các khoa chuyên môn. Theo đó giảng viên không nhất thiết phải có mặt tại cơ quan theo giờ hành chính mà được chủ động thời gian để nghiên cứu, soạn bài đảm bảo hiệu quả nhất. Nhà trường quản lý chặt chẽ chất lượng bài giảng của giảng viên bằng các hoạt động chuyên môn: Thông qua bài, dự giờ, thao giảng, đánh giá, nhận xét, góp ý bài giảng,... Các khoa chuyên môn phân công lãnh đạo khoa, giảng viên trực hàng ngày tại văn phòng khoa để tiếp nhận thông tin và kịp thời thông báo đến giảng viên, đảm bảo cho các hoạt động chung của nhà trường được thực hiện đúng kế hoạch.
        Trong thời gian qua, việc quản lý theo nội dung đã mang lại nhiều kết quả tích cực: Giảng viên chủ động tập trung nghiên cứu, soạn bài, không bị áp lực về thời gian; tiết kiệm được chi phí di chuyển, giảm được chi phí điện, nước cho nhà trường; chất lượng bài giảng của giảng viên ngày càng được nâng cao, số lượng giảng viên dạy giỏi năm sau nhiều hơn năm trước. Tuy nhiên, một số giảng viên chưa chủ động, tự giác trong thực hiện nhiệm vụ, chưa bám sát các kế hoạch của nhà trường dẫn đến một số nhiệm vụ thực hiện chậm, một số bài giảng chất lượng chưa cao, thiếu kiến thức thực tế, một số giảng viên cập nhật, nắm bắt thông tin có lúc chưa kịp thời, công tác phối hợp, tập hợp khi thực hiện những công việc chung còn gặp nhiều khó khăn... Những hạn chế đó ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả công việc của nhà trường, trực tiếp làm giảm hiệu quả của việc áp dụng phương pháp quản lý theo nội dung. Để khắc phục những hạn chế nêu trên và phát huy hơn nữa ưu điểm của phương pháp quản lý theo nội dung, tăng tính chủ động, sáng tạo của giảng viên, nâng cao chất lượng giảng dạy tại nhà trường thiết nghĩ cần quan tâm một số giải pháp sau:
        Một là, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện công việc của giảng viên. Trong quản lý nội dung vấn đề quan trọng là việc kiểm soát chất lượng, hiệu quả công việc của giảng viên, trong khi giảng viên không bắt buộc phải có mặt tại cơ quan theo giờ hành chính. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm của giảng viên. Vì vậy các khoa chuyên môn cần tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt về các quy chế, quy định trong các buổi sinh hoạt chi bộ, họp giao ban để nâng cao ý thức chấp hành, tinh thần trách nhiệm của mỗi giảng viên. Thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang (ban hành kèm theo Quyết định số 62/QĐ-TCT, ngày 06/3/2018 của Hiệu trưởng Trường Chính trị). Mỗi giảng viên cần nêu cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tuyệt đối không sử dụng thời gian trong giờ hành chính để làm việc riêng, đảm bảo tối đa thời gian dành cho công tác chuyên môn.
        Thực hiện cơ chế giao, khoán công việc (hàng tuần trưởng khoa chuyên môn sẽ giao nhiệm vụ cho từng giảng viên và có hạn định thời gian hoàn thành, nghiệm thu kết quả công việc đã giao và đánh giá chất lượng hoàn thành). Trên cơ sở chất lượng công việc hằng tuần, tháng để đánh gia, xếp loại thi đua. Tuyên dương, động viên, khích lệ kịp thời đối với giảng viên thực hiện đầy đủ và có chất lượng các công việc. Phê bình, góp ý, rút kinh nghiệm đối với những giảng viên chưa hoàn thành nhiệm vụ, chưa thực hiện đúng quy chế làm việc... Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo giữa giảng viên với lãnh đạo khoa chuyên môn.
        Hai là, tăng cường công tác thông tin, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ của giảng viên. Thực tiễn cho thấy trong quản lý nội dung còn bộc lộ những khó khăn trong công tác thông tin, phối hợp. Vì giảng viên không thường xuyên có mặt tại cơ quan nên việc truyền đạt các thông tin về thực hiện nhiệm vụ chung của nhà trường đến với giảng viên còn bị chậm, gián đoạn; khó khăn trong công tác phối hợp giữa cán bộ, giảng viên các khoa, phòng trong thực hiện nhiệm vụ chung. Do đó giảng viên phải thường xuyên nắm bắt, cập nhật thông tin liên tục, kịp thời với lãnh đạo và giảng viên trong khoa, chủ động bám sát các kế hoạch và lịch làm việc để tham gia đầy đủ, đúng giờ đảm bảo chất lượng các công việc chung của nhà trường. Thường xuyên liên hệ, phối hợp với cán bộ giảng viên các khoa, phòng khác trong thực hiện các nhiệm vụ chung của nhà trường.
        Ba là, xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đảm bảo khoa học, hợp lý. Công tác xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của khoa và giảng viên cần đảm bảo hợp lý, tránh chồng chéo ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Các khoa chuyên môn cần bám sát vào kế hoạch chung của nhà trường để xây dựng kế hoạch thực hiện. Giảng viên căn cứ kế hoạch của trường, khoa xây dựng kế hoạch soạn bài, lên lớp, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế để thực hiện đảm bảo hài hòa và mang lại chất lượng, hiệu quả cao nhất.
        Việc xây dựng kế hoạch của khoa chuyên môn cần bao quát đầy đủ nội dung và cụ thể theo tháng, tuần để giảng viên chủ động xây dựng kế hoạch cá nhân và triển khai thực hiện. Kế hoạch của khoa cần tránh việc thiếu sót, chồng chéo nội dung, hạn chế công việc đột xuất phải triệu tập gấp giảng viên dẫn đến khó tập trung và thiếu số lượng giảng viên khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
        Kế hoạch cá nhân của giảng viên cần đảm bảo khoa học, hài hòa với kế hoạch chung của trường và khoa chuyên môn. Đặc biệt là việc đi thực tế ở cơ sở cần tránh đi liên tục trong nhiều ngày sẽ ảnh hưởng đến bố trí kế hoạch chung và khó khăn trong việc triệu tập khi có trường hợp đột xuất. Trong quá trình thực hiện các kế hoạch, giảng viên cần chủ động báo cáo kịp thời với lãnh đạo khoa về nội dung các công việc thực hiện để lãnh đạo có thêm thông tin, qua đó chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa kế hoạch của cá nhân giảng viên và của khoa.
        Bốn là, tăng cường dự giờ, thao giảng và đánh giá chất lượng chuyên môn. Đây là hoạt động không mới, nhưng cần tiến hành thường xuyên hơn, nhất là tăng cường dự giờ, thao giảng với những giảng viên có tuổi đời và tuổi nghề còn ít, kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều, kiến thức và phương pháp còn hạn chế. Việc dự giờ, thao giảng cần được tổ chức thường xuyên tại khoa chuyên môn, có thể tiến hành theo kế hoạch hoặc đột xuất. Bên cạnh đó, cần tăng cường dự giờ của Hội đồng khoa học đối với giảng viên. Sau dự giờ, thao giảng thực hiện tổ chức đánh giá nhận xét bài giảng một cách khách quan, toàn diện, nghiêm túc. Những bài giảng chất lượng thấp, hoặc không đạt yêu cầu, khoa chuyên môn đề nghị Ban Giám hiệu kiên quyết cho dừng giảng để giảng viên tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện nội dung bài giảng.
        Ngoài hoạt động dự giờ, lãnh đạo khoa cần thường xuyên kiểm tra tiến độ soạn giảng các bài được phân công của giảng viên, kịp thời giải đáp thắc mắc hoặc giúp đỡ những vấn đề khó khăn trong chuyên môn mà giảng viên soạn bài gặp phải. Kiểm tra giáo án của giảng viên trước khi lên lớp. Nếu giảng viên chưa thực hiện đầy đủ các bước soạn, thông qua bài, hoàn thiện giáo án, có chữ ký và đóng dấu của Ban Giám hiệu thì cho tạm dừng giảng và chuyển giao bài giảng đó cho người khác.
        Tóm lại, trong thực tiễn quản lý tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang, Ban Giám hiệu đã kết hợp nhịp nhàng và linh hoạt các phương pháp quản lý hành chính và nội dung để nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở phân tích đặc thù của người lao động tại nhà trường. Có bộ phận cần có mặt tại cơ quan để duy trì hoạt động thông suốt của đơn vị, có đối tượng đặc thù cần không gian yên tĩnh, chủ động về thời gian để nghiên cứu. Việc lựa chọn phương pháp quản lý như vậy trong thời gian qua là rất hợp lý. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện việc quản lý theo nội dung đối với giảng viên trong thời gian tới cần phải nghiên cứu thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp nêu trên tại đơn vị.
 
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai
Khoa Nhà nước và Pháp luật
 

[1] Giáo trình Khoa học quản lý (Hệ cử nhân chính trị), Nxb Lý luận chính trị,H.2008

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7988082

Đang Online : 3518