Nghiên cứu - Trao đổi

Thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc

Ngày Đăng: 23/8/2019 13:45 Lượt xem: 452

        Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang lần thứ II năm 2014, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tinh thần đoàn kết, thống nhất của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cùng với sự nỗ lực, cố gắng, đồng thuận của đồng bào các dân tộc đã góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, bình quân đạt trên 8%/năm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo hiệu quả, trung bình 5% năm.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm với cử tri xã Minh Khương huyện Hàm Yên (tháng 4-2018).
Ảnh: Nam Thành

        Trong 5 năm qua, tỉnh đã cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác dân tộc và xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Vùng đồng bào thiểu số đã có sự phát triển, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, xã hội đối với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, có hiệu quả. Theo đó, đã thực hiện Chương trình 135, Quyết định 102, Quyết định 755, Quyết định 54, Quyết định 18 của Chính phủ hỗ trợ các thôn, bản đặc biệt khó khăn đầu tư xây dựng đường bê tông, hệ thống cấp điện, nước sinh hoạt, xây dựng nhà văn hóa, lớp học; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo theo quy định; hỗ trợ sản xuất như cây giống, con giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật...

        Để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng khó khăn có thêm điều kiện phát triển sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân đặc biệt là ở vùng khó khăn, thời gian qua tỉnh đã huy động mọi nguồn lực và triển khai thực hiện lồng ghép kết hợp với các chính sách đầu tư của Chính phủ. Đứng đầu là Chương trình 135, từ 2014 - 2019, tỉnh đã bố trí, thực hiện đầu tư trên 598 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn đầu tư cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2014 - 2015 có tổng kinh phí trên 244 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 131 công trình giao thông; 17 công trình thủy lợi; 6 công trình đường điện; 114 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất 51,4 tỷ đồng cho các hộ, nhóm hộ nghèo; hỗ trợ các loại cây giống, gia súc, gia cầm, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và xây dựng các mô hình giảm nghèo.


Đồng chí Chẩu Xuân Oanh, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trao đổi với đại biểu dự
Đại hội về sản phẩm thủ công mỹ nghệ của địa phương.  Ảnh: An Minh

 

        Giai đoạn 2016 - 2018 có tổng nguồn vốn trên 354 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 530 công trình hạ tầng cơ sở; duy tu, sửa chữa trên 30 công trình hư hỏng; đầu tư sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng thực hiện 13 mô hình trình diễn với 762 hộ tham gia; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho trên 6.000 hộ nghèo; hỗ trợ máy móc, thiết bị, công cụ sản xuất cho 5.300 hộ nghèo; hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi cho 500 hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, thôn bản đặc biệt khó khăn; mở 36 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ tham gia dự án.

        Cùng với thực hiện hiệu quả Chương trình 135, chương trình 30a, thì các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số như: Chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 04/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… đã được tỉnh thực hiện có hiệu quả, đem lại cuộc sống mới cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn. Đến nay, toàn tỉnh 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó có 134/141 xã, thị trấn có đường được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đạt 95,04%. Tỷ lệ thôn bản có đường ô tô đến trung tâm thôn đạt 85,5%. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 4%/năm, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân gần 5%/năm.


Đường bê tông nông thôn Đình Chung, xã Phúc Ứng (Sơn Dương)
được làm từ nguồn vốn Chương trình 135. Ảnh: D.L 

        Mục tiêu cụ thể, đến năm 2024 giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo trong vùng được hưởng các chính sách về y tế, giáo dục kịp thời, đầy đủ, đúng quy định. 100% xã, thị trấn có đường đến trung tâm nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm; 75% nhà văn hóa xã đạt chuẩn; 95% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh…

        Để hoàn thành các mục tiêu này, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc; tiếp tục vận động nhân dân chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc. Kiên quyết chống lại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo lôi kéo, chia rẽ gây mất ổn định xã hội. Đồng thời đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về công tác dân tộc để góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược công tác dân tộc trong tình hình mới. Đặc biệt, cụ thể các chính sách dân tộc để đẩy mạnh phát triển hạ tầng cơ sở, đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất vùng khó, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống… 

Chẩu Xuân Oanh
Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh
Nguồn: baotuyenquang.com.vn

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7997241

Đang Online : 715