Đào tạo, Bồi dưỡng, Nghiên cứu khoa học ›› Nghiên cứu thực tế

Một số mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu mang lại hiệu quả cao của xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa

Ngày Đăng: 31/10/2019 8:44 Lượt xem: 672

          Hùng Mỹ trước đây được biết đến là một xã thuần nông, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông - lâm nghiệp truyền thống của huyện Chiêm Hóa. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, với sự năng động, nhạy bén của đội ngũ cán bộ xã, sự quyết tâm làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương của bà con nhân dân, sự đồng thuận, quan tâm của cả hệ thống chính trị, Hùng Mỹ đã tìm ra được hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, nhờ đó đời sống người dân ngày càng được ổn định, nâng cao.
          Thực hiện Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh, Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025; xã Hùng Mỹ đã từng bước triển khai các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và tập quán canh tác của nhân dân.
          Hiện nay, xã Hùng Mỹ có 10 trang trại thực hiện vay vốn theo Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tổng doanh thu của các trang trại đạt: 5.350.000 đồng, bình quân đạt: 535 triệu đồng/trang trại. Lãi bình quân đạt: 150 - 200 triệu đồng/năm/trang trại. Hiệu quả từ các mô hình kinh tế của xã Hùng Mỹ khẳng định sản xuất nông nghiệp hàng hóa là chủ trương đúng đắn, được nhân dân đồng tình và ủng hộ.
          Bước đi đầu tiên của xã Hùng Mỹ đó là xây dựng và phát triển mô hình trang trại nuôi trâu, bò vỗ béo an toàn sinh học theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và hộ dân có sự giám sát của cán bộ kỹ thuật. Để thực hiện thành công và có hiệu quả mô hình này, cán bộ xã Hùng Mỹ đã chủ động đi thực tế tại các cơ sở chăn nuôi trâu bò có hiệu quả trên cả nước, tìm nơi cung cấp con giống đảm bảo chất lượng, tìm doanh nghiệp có uy tín trong tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các hộ chăn nuôi tăng thu nhập. Hiện nay, toàn xã có 1.600 con trâu, 170 con bò. Bình quân, 01 con trâu, bò được chăn nuôi vỗ béo trọng lượng tăng từ 80 - 90 kg/con, với giá thu mua 72.000 đồng/kg, mỗi hộ thu về từ 5,7 triệu đến 6,4 triệu đồng/con. Đến tháng 6/2019, chuỗi liên kết chăn nuôi trâu bò, thương phẩm mỗi năm xuất bán từ 3 đến 4 lứa, mỗi lứa từ 40 - 50 con trâu bò, thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/con/lứa, mỗi năm, mỗi hộ gia đình thu lãi trên 100 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi trâu bò. Mô hình trang trại nuôi trâu, bò vỗ béo an toàn sinh học đã đem lại hiệu quả kinh tế, do đó có 31 gia đình tiếp tục được vay vốn để nuôi trâu, bò sinh sản, được tập huấn về phòng tránh bệnh dịch, cách chăn nuôi, chăm sóc cho trâu, bò.
          Mô hình nuôi trâu vỗ béo an toàn sinh học được thực hiện với tổng giá trị trên 500 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất phát triển chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020. Việc triển khai mô hình này sẽ giúp cho bà con nông dân tiếp cận được cách thức chăn nuôi mới, thúc đẩy phát triển đàn gia súc trên địa bàn xã, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
          Mô hình thứ hai là chăn nuôi cá theo hướng sản xuất hàng hóa đang dần được hình thành. Lúc đầu, việc chăn nuôi cá được tiến hành ở nơi có nhiều điều kiện thuận lợi và đã có truyền thống về chăn nuôi cá, đó là tại thôn Nghe xã Hùng Mỹ, với giống cá Lăng cho hiệu quả kinh tế cao. Từ tháng 2/2019 thực hiện khâu đột phá trong phát triển thủy sản theo Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2016 – 2020 của huyện Chiêm Hóa, xã Hùng Mỹ tổ chức triển khai 01 mô hình nuôi cá ao tại thôn Thắm; thành lập tổ hợp tác nuôi cá lồng tại thôn Nghe với 12 lồng/6 hộ, mô hình nuôi cá Lăng trên lồng bè với 6 hộ, 01 điểm trung chuyển cá giống tại thôn Ngầu 2, 01 điểm bán thức ăn cho cá tại thôn Báu. Hiện nay, số cá đã nuôi thả phát triển tốt. Dự kiến, cuối tháng 11 sẽ cho thu hoạch đợt đầu tiên với năng suất và sản lượng đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đây là những mô hình chăn thủy sản có hiệu quả, để các hộ dân khác học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng tại địa phương.
          Mô hình thứ ba là trồng cây ăn quả và cây dược liệu được thực hiện trên cơ sở xã Hùng Mỹ liên kết với Trung tâm đào tạo tư vấn phát triển nông thôn trường Cao đẳng Bắc bộ Xuân Mai Hà Nội xây dựng vườn ươm cây giống chất lượng cao như soài tím, na Hoàng Hậu, cây dược liệu Khôi Nhung, ba kích, xạ đen, cà gai leo...ngay tại thôn Nậm Kép. Giống cây mới, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao được bà con nhân dân đón nhận. Đặc biệt là mô hình trồng cây dược liệu Khôi Nhung.
          Dự án liên kết trồng cây Khôi Nhung dưới tán rừng sản xuất với diện tích 2ha đang được triển khai tại 03 hộ thôn Thắm. Đây là loại cây thuốc quý chủ yếu mọc tự nhiên, có thể chiết suất làm dược liệu cho ngành Đông y, giá lá khô cây Khôi Nhung từ 250.000 - 350.000đ/kg, đem lại hiệu quả kinh tế cao, bước đầu sẽ mở ra một hướng sản xuất mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn, vừa tạo ra việc làm có thu nhập cao cho người dân, vừa thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Dự án trồng cây Khôi Nhung góp phần đạt mục tiêu từng bước chuyển dịch kinh tế nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, bền vững và thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015 -2020.
          Ngoài ra, xã Hùng Mỹ đã triển khai một số mô hình kinh tế hộ như: Mô hình chăn nuôi vịt để trứng của hộ ông Ma Văn Cường, thôn Đóng, xã Hùng Mỹ, nuôi 1.000 con vịt đẻ trứng; diện tích ao nuôi cá 4.000m2, diện tích rừng keo trên 2 ha; thu nhập hằng năm trên 100.000.000đ; mô hình nuôi ếch thương phẩm; mô hình nuôi sâu canxi, nuôi ấu trùng lính ruồi xanh làm thức ăn cho cá…
          Các mô hình kinh tế theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh, bền vững và nâng cao đời sống nhân dân.
 
Thạc sĩ  Trương Thị Thu Hà
 Giảng viên khoa Lý luận cơ sở
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8006417

Đang Online : 1740