Nghiên cứu - Trao đổi

Tuyên Quang chăm lo xây dựng phát triển con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh

Ngày Đăng: 26/11/2019 9:9 Lượt xem: 547

          Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi con người là vốn quý nhất, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, là nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định, con người là trung tâm của mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc phát huy nhân tố con người được coi là một nhiệm vụ trọng yếu, một khâu đột phá chiến lược. Vị trí, vai trò, mục tiêu, nội dung và phương thức giải quyết các vấn đề về xây dựng, phát triển con người ngày càng được nhận thức đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn được thể hiện rõ trong Cương lĩnh, Nghị quyết của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng  nêu lên sáu nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ thứ sáu: “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”[1] .
          Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9, khóa XI, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang ban hành Chương trình hành động số 37-CTr/TU ngày 18/9/2014 để lãnh đạo toàn diện việc thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là nhấn mạnh việc gắn mục tiêu xây dựng văn hóa với xây dựng con người, bảo đảm mọi người dân được hưởng thụ ngày càng tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện; Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, xác định:“Xây dựng con người Tuyên Quang phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, nhân cách và lối sống tốt đẹp, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển văn hóa, xây dựng con người với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị”[2]. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa là mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ tỉnh. Cấp ủy các cấp tiếp tục thực hiện Kết luận  số 51-KL/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XVI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 13/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XV) về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Xem đây là nhiệm vụ, giải pháp mang tính bao trùm trong xây dựng và phát triển văn hóa và con người Tuyên Quang, có tính chiến lược, lâu dài, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Tuyên Quang trong giai đoạn mới.
          Trong những năm qua, việc chăm lo xây dựng và phát triển văn hóa, con người là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, đã đem lại những chuyển biến tích cực, nổi bật trên các phương diện sau:
           Công tác giáo dục tư tưởng chính trị
          Xác định công tác giáo dục tư tưởng chính trị là nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nhân cách con người, để lãnh đạo toàn diện việc thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp  đã coi trọng và tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng; tổ chức quán triệt, học tập Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên học tập nghị quyết đạt 94,5%, đoàn viên, hội viên và đại diện hộ gia đình học tập nghị quyết đạt 76,48%; Tỉnh đoàn thanh niên thực hiện tốt Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2016-2020", tổ chức 100 buổi mít tinh, nói chuyện truyền thống, gặp mặt nhân chứng lịch sử, hành trình về nguồn, thăm các địa chỉ đỏ thu hút trên 1,5 triệu đoàn viên, thanh niên tham gia[3]. Qua đó, giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với gia đình, cộng đồng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.
          Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ được triển khai sâu rộng và đạt được kết quả quan trọng, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, và lựa chọn nội dung xuyên suốt là “Tư tưởng vững vàng, đạo đức trong sáng, hết lòng phục vụ nhân dân”. Việc thực hiện Chỉ thị số 05 – CT/TW của Bộ Chính trị gắn với việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đổi mới công tác quản lý nhà nước, phong cách, tác phong công tác của lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu và của từng cán bộ, công chức, viên chức; chỉ đạo, giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà nhân dân quan tâm… Việc học tập và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên của tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
          Công tác giáo dục - đào tạo
          Chăm lo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Cán bộ, sinh viên, học sinh,  của tỉnh được đào tạo một cách đầy đủ, theo bài bản tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân, tiếp cận sự tiến bộ giáo dục quốc tế, vừa để có được những tri thức và kỹ năng cơ bản, cần thiết, phù hợp với từng đối tượng, vừa coi trọng nền tảng cơ bản, vừa coi trọng chuyên sâu. Ngành giáo dục chú trọng đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học, dạy lý thuyết gắn với kỹ năng thực hành; mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch, sắp xếp, kiện toàn phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có 150 trường mầm non, 143 trường tiểu học, 135 trường trung học cơ sở, 21 trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở, 30 trường trung học phố thông, 09 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 02 trường Trung cấp, 01 trường Cao đẳng, 01 trường Đại học. Thực tiễn đã đáp ứng được chất lượng đào tạo cơ bản cho nguồn nhân lực của các địa phương trong tỉnh.
          Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 5/2019, toàn tỉnh có 18.654 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, về trình độ chuyên môn: Tiến sỹ 37 người, Thạc sỹ 915 người, CKCII 40 người, CKCI 172 người, Đại học 9.790 người, Cao đẳng 3.671 người, Trung cấp 4.030; Việc đào tạo, bồi dưỡng trình nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức được quan tâm, nhất là cán bộ trẻ có năng lực, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Việc thực hiện chính sách cử tuyển đối với con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn được thực hiện thường xuyên, sau khi tốt nghiệp được quan tâm tiếp nhận, sử dụng tuyển dụng vào vị trí việc làm phù hợp.
            Phát triển tầm vóc, thể lực con người Tuyên Quang
          Xây dựng con người có đủ sức khỏe để làm việc là điều kiện tiên quyết để phát triển và nâng cao năng lực, trí tuệ. Trách nhiệm này không chỉ thuộc về ngành y tế mà còn của cả hệ thống chính trị, của từng gia đình và cá nhân. Việc nâng cao tầm vóc, thể lực cho nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm. Thực hiện Quyết định số 641/QĐ-TTg, ngày 28/4/2011 về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 2030, tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, sân thể thao ở các địa phương, nhiều công trình thể thao được xây dựng mới, hiện đại như sân bóng đá mini nhân tạo, sân quần vợt, nhà luyện tập môn cầu lông,...Toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 sân thể thao, trong đó có 409 sân bóng chuyền, 278 sân bóng đá, 686 sân cầu lông, 29 sân quần vợt, còn lại là các sân chơi, bãi tập khác. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được thực hiện sâu rộng trong toàn tỉnh, tỷ lệ người dân thường xuyên tham gia tập luyện thể thao ngày càng tăng. Đến nay, có 28,5% số người tập thể dục thể thao thường xuyên; 22,5% số gia đình tập thể thao; 4.015 số đội  thể thao cơ sở; trên 45.000 vận động viên cơ sở; 320 câu lạc bộ thể thao; trên 500 giải thi đấu thể thao cấp cơ sở; 60 giải thi đấu cấp huyện, thành phố và 8 giải thi đấu thể thao cấp tỉnh[4]...
          Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển toàn diện con người của tỉnh còn một số hạn chế, đó là tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; còn có những biểu hiện phai nhạt ý chí chiến đấu, chưa đề cao ý thức hết lòng vì nước, vì dân, vi phạm những điều đảng viên không được làm; một bộ phận nhân dân hình thành lối sống hưởng thụ, thực dụng, xa hoa lãng phí, xa lạ với lối sống giản dị, tiết kiệm - những phẩm chất truyền thống quý báu của con người Việt Nam; thể lực, sức khỏe tốt có ý nghĩa quan trọng, quyết định năng lực hoạt động của con người, song tỷ lệ người dân tham gia rèn luyện sức khỏe thường xuyên chưa cao… Để thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng và phát triển toàn diện con người Tuyên Quang, thiết nghĩ cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:
          Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, nghị quyết của Đảng, giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và có nhiều giải pháp tích cực để đấu tranh loại bỏ các yếu tố tiêu cực đang tồn tại làm vẩn đục môi trường văn hóa, gây tác hại, ảnh hưởng xấu đến quá trình xây dựng và phát triển của con người Tuyên Quang trong giai đoạn mới.
          Thứ hai, đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nêu cao lòng trung thành với lý tưởng của Đảng; rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từng cá nhân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc, tích cực cùng cộng đồng bài trừ các tệ nạn xã hội.
          Thứ ba, mỗi cá nhân phải tích cực học tập, có khả năng thích nghi nhanh và kỹ năng lao động giỏi. Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, để thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa cần phải sử dụng các thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi mỗi người phải có khả năng nắm bắt, tiếp cận nhanh, kịp thời và đúng hướng xu thế phát triển của những vấn đề thuộc lĩnh vực lao động của mình, để có thể lao động một cách sáng tạo, độc lập, có năng suất và hiệu quả tốt.
          Thứ tư, mỗi người dân Tuyên Quang phải tích cực rèn luyện sức khỏe. Có thể lực, con người mới có thể phát triển trí tuệ của mình. Đây là yêu cầu đầu tiên đối với người lao động ở mọi thời đại lịch sử, mọi quốc gia, dân tộc. Thể lực tốt được hiểu không phải chỉ là tình trạng không có bệnh tật, mà còn là sự thoải mái, hoàn thiện về thể chất, về trí lực và về xã hội. Một quốc gia, dân tộc phát triển thì đời sống của con người được nâng cao, tạo điều kiện để mỗi người dân được nâng cao sức khỏe. Do vậy, luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Như lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân khỏe mạnh tức là cả nước mạnh khỏe… Dân cường thì quốc thịnh”[5].
          Xây dựng phát triển nhân tố con người là điều kiện tiên quyết để xây dựng thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, việc xây dựng, hình thành nên những người Tuyên Quang có phẩm chất, năng lực,“vừa hồng vừa chuyên”[6] là mục tiêu của cấp ủy, chính quyền các cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.
 

[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.219)
[2] Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Tr118,119
[3] Báo cáo Sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước 
[4] Số: 02/BC-BCĐ, ngày 10/4/2019 - BÁO CÁO: Kết quả thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" năm 2018,nhiệm vụ chủ yếu năm 2019.
[5] Bài “Sức khỏe và thể dục”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 199, ngày 27-3-1946
[6] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Thạc sĩ Phạm Thị Hoa
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8005823

Đang Online : 1146