Nghiên cứu - Trao đổi

Nguyễn Đức Cảnh - Người Cộng sản kiên cường, bất khuất

Ngày Đăng: 4/2/2020 8:59 Lượt xem: 947

          Trên mảnh đất Thái Bình giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng đã sinh ra người con ưu tú Nguyễn Đức Cảnh (1908-1932) - một trong những đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam, một người học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đồng chí đã góp phần tích cực vào việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng công hội đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).
 
Chân dung đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
 
          Nét đặc sắc nhất trong cuộc đời của người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Đức Cảnh là sớm giác ngộ cách mạng, tự nguyện dấn thân vào con “đường cách mệnh”, dẫu biết đó là con đường vô cùng gian khổ, phải hi sinh quyền lợi cá nhân và thậm chí cả tính mạng của mình. Sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình), ngay từ thủa ấu thơ, Nguyễn Đức Cảnh đã thừa hưởng truyền thống đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm của quê hương, từ tư tưởng bất hợp tác với chế độ đương thời của người cha cương trực, khẳng khái. Ngay khi ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Đức Cảnh đã tham gia các hoạt động yêu nước và rồi từ một học sinh, một thanh niên yêu nước trở thành một công nhân, tự nguyện hòa mình vào cuộc sống thợ thuyền, rồi từ đó trở thành một trong những người lãnh đạo phong trào công nhân ở vùng duyên hải Hải phòng và vùng mỏ than Hồng Quảng (nay thuộc vùng mỏ Quảng Ninh).
          Sau khi đến Quảng Châu, Trung Quốc và dự lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên  - tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam vào cuối năm 1927 và đặc biệt từ sau khi trở thành hội viên của tổ chức này, Nguyễn Đức Cảnh tích cực hoạt động, nhanh chóng trở thành một trong những người lãnh đạo của Kỳ bộ thanh niên Bắc kỳ và tỉnh bộ Hải Phòng. Sớm quán triệt sâu sắc chủ trương “vô sản hóa” trong các nhà máy, hầm mỏ và chính đồng chí cũng là tấm gương sáng trong việc thực hiện chủ trương “vô sản hóa”. Đó là một trong những cơ sở dẫn đến sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại số nhà 5D, phố Hàm Long, Hà Nội và Đông Dương Cộng sản Đảng rồi tổ chức Tổng công hội đỏ Bắc kỳ - tổ chức tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thực sự trở thành một cán bộ tiên phong, có nhiều cống hiến trong phong trào công nhân thời dựng Đảng.
           Tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì tại Hồng Công, Trung Quốc (2/1930), đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Trịnh Đình Cửu là hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng tham dự.  Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã phát biểu về phong trào cách mạng và phong trào công nhân Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Sự kiện tham dự Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 không chỉ phản ánh kết quả hoạt động tích cực trong phong trào công nhân mà còn khẳng định đóng góp có ý nghĩa to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trong tiến trình vận động thành lập Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thực sự là một sáng lập viên Đảng Cộng sản Việt Nam và sự kiện thành lập Đảng năm 1930 cũng là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
         Tháng 5/1930, sau khi về nước, Nguyễn Đức Cảnh được bầu là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, rồi được cử bổ sung vào Ban thường vụ Xứ ủy Trung kỳ từ tháng 10/1930. Tại Trung kỳ, Nguyễn Đức Cảnh cùng Xứ ủy có nhiều hoạt động chỉ đạo sát sao để tiếp tục duy trì và phát triển phong trào cách mạng trong tình hình mới. Đầu tháng 4/1931, trên đường công tác trở về cơ sở, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã bị mật thám Pháp bắt tại làng Yên Dũng Hạ (nay là phường Hưng Thủy), thành phố Vinh - Nghệ An. Trong những ngày bị giam giữ, tra tấn dã man tại nhà lao Vinh, nhà tù Hỏa Lò, song đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vẫn thể hiện tinh thần kiên trung, bất khuất trong cuộc đấu tranh giáp mặt với kẻ thù, vẫn vững tin vào ngày chiến thắng. Mặc dù không đủ chứng cứ cho các tội danh, nhưng vào ngày 18/11/1931, Tòa án đề hình Hà Nội phiên cuối cùng vẫn kết án tử hình đối với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Trong xà lim án chém, dù biết thời gian còn lại rất ngắn ngủi, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vẫn dành hết sức lực cho cách mạng. Bằng những trải nghiệm phong phú về đời sống công nhân và những kinh nghiệm trong công tác vận động, tổ chức công nhân, công tác xây dựng Đảng, Nguyễn Đức Cảnh đã dồn hết tâm sức viết tác phẩm Công nhân vận động trong điều kiện bị kẻ thù giam cầm, trước ngày kẻ thù hành quyết, không chỉ thể hiện rõ trình độ lý luận cao, năng lực tổng kết thực tiễn của một cán bộ lãnh đạo phong trào công nhân mà còn chứng tỏ ý chí kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi. Rạng sáng ngày 31/7/1932, tại đề lao Hải Phòng, đồng chí hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, giờ phút cuối cùng của cuộc đời, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vẫn giữ trọn lòng thủy chung, sắt son với Đảng, với dân tộc, vẫn giữ một niềm tin tuyệt đối vào tương lại tất thắng của cách mạng. Trước lúc hi sinh, Nguyễn Đức Cảnh còn hô lớn:
“Đả đảo đế quốc Pháp
Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! ”

Lăng mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại xã Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình
 
          Đến quê hương Diêm Điền nơi sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vào những ngày cuối năm 2019, đặc biệt hơn cả là trong những ngày cả nước chuẩn bị kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020) và cũng là 112 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908- 2/2/2020) cá nhân tôi không khỏi xúc động, bồi hồi. Thắp hương tại lăng mộ, thăm nếp nhà xưa dựng lại trên nền đất cũ, đọc những tư liệu lịch sử nói về thân thế sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh... chúng tôi càng hiểu thêm nhiều điều về người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, ngôi sao sáng trong phong trào công nhân. Từ một thanh niên yêu nước, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành một chiến sĩ cộng sản lớp tiền bối. Đồng chí hăng say hoạt động và dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của giai cấp công nhân Việt Nam, là một sáng lập viên Đảng cộng sản Việt Nam, sáng lập tổ chức Công hội đỏ - tiền thân của tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay. Lịch sử ghi nhận những cống hiến trọn đời của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với Đảng, với dân tộc, với phong trào công nhân và giai cấp công nhân Việt Nam.
          Từ những chứng tích lịch sử ấy chúng tôi - Những thế hệ trẻ được may mắn sinh ra, lớn lên, học tập và làm việc khi đất nước đã hòa bình, mới thấy cảm phục hơn, trân trọng hơn và biết ơn tới những con người đã ngã xuống vì lý tưởng cao đẹp. Nhìn lại lịch sử để thấy ở hiện tại, càng thấy trách nhiệm của mình với đất nước, với dân tộc và nhân dân. Tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh, chúng tôi - thế hệ trẻ hôm nay luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; trung thành, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nêu cao tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao của mình góp phần nhỏ bé vào thắng lợi chung.
          Dưới sự lãnh đạo của Đảng “nước Việt Nam từ máu lửa; rũ bùn đứng dậy sáng lòa”[1] . Ngày 3/2/2020, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện tròn 90 mùa xuân. Trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Canh Tý chúng ta thêm sắt son niềm tin và vững bước dưới Cờ Đảng để làm nên những mùa Xuân mới./.
Thạc sĩ Triệu Thị Bạch Vân
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở

          TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Nguyễn Đức Cảnh Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia- Sự thật, HN/.2015
  2. Đất nước- Nguyễn Đình Thi

 
 
 
 

 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8284504

Đang Online : 12