Nghiên cứu - Trao đổi

Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang

Ngày Đăng: 2/3/2020 9:26 Lượt xem: 393

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Dân số toàn tỉnh 784.811 người với 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số 445.504 người, chiếm 56,7%, gồm: dân tộc Tày chiếm 25,5%, Dao chiếm 12,7%, Sán Chay chiếm 8,7%, Mông 2,3%, Nùng chiếm 1,9%, Sán Dìu chiếm 1,7% còn lại là các dân tộc khác. Mỗi cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống trên mảnh đất Tuyên Quang đều có những nét văn hoá, phong tục tập quán từ lâu đời, đã được hình thành và phát triển qua hàng trăm năm vỡ đất lập bản, lập làng. Chính những nét đặc trưng của văn hoá đã tạo nên cấu kết chặt chẽ trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang với những sắc thái riêng biệt và là nguồn sức mạnh cần được phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương Tuyên Quang giàu đẹp.
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (người có uy tín) là người tiêu biểu, có nhiều công lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc, hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư và có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.
Có thể nói, những người có uy tín có vai trò, vị thế rất lớn đối với các dân tộc thiểu số ở địa bàn dân cư. Tiếng nói của họ luôn được tôn trọng, được dân làng và con cháu làm theo. Chính vì lẽ đó mà những người có uy tín luôn là cánh tay đắc lực đối với hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhận thức được tấm quan trọng đó trong những năm qua UBMTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm xây dựng, chỉ đạo, tổ chức bầu chọn người có uy tín, đảm bảo công khai, dân chủ và đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí chọn cử theo quy định, kết quả: Từ năm 2014 - 2019 tỉnh Tuyên Quang đã bầu chọn và công nhận 7.393 lượt người có uy tín và bố trí kinh phí thực hiện chính sách đối với những Người có uy tín, với tổng số tiền là 11.099 triệu đồng, trong đó ngân sách địa phương là 2.253 triệu đồng. Định kỳ hàng năm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội cho người có uy tín. Tổ chức cho người có uy tín đi học tập trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương và gặp mặt lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, cụ thể:Từ năm 2014 đến 2019, đã thực hiện phổ biến tuyên truyền, cung cấp thông tin cho 2.093 lượt người có uy tín; tổ chức 5 đợt đi học tập kinh nghiệm cho 147 người.
Cấp phát đầy đủ các loại báo cho người có uy tín theo quy định (Báo Tuyên Quang; Báo Dân tộc và Phát triển); thăm hỏi, động viên kịp thời đối với người có uy tín nhân dịp tết Nguyên đán của dân tộc hoặc khi bị ốm đau, qua đời, gia đình không may gặp rủi ro, thiên tai... Từ đó mà những người có uy tín trên địa bàn tỉnh những năm qua đã phát huy vai trò trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, con cháu trong gia đình, dòng họ thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thi đua lao động sản xuất, học tập và công tác góp phần quan trọng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. Thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số thiểu số nói riêng tỉnh Tuyên Quang nói chung; làm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự phát triển đáng kể, các dân tộc thiểu số có ý thức vươn lên, không cam chịu đói nghèo, phát huy nội lực xây dựng bản làng như: các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội đối với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, có hiệu quả. Công tác giảm nghèo nói chung và giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đạt được nhiều kết quả quan trọng (tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 5%/năm). Cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên.
Chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc và miền núi ngày càng nâng lên; hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú phát triển (Toàn tỉnh hiện 07 trường phổ thông dân tộc nội trú, 18 trường phổ thông dân tộc bán trú với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù được thực hiện có hiệu quả), đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh dân tộc thiểu số đến trường, học tập trong môi trường tốt hơn.
Bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông, phát thanh truyền hình từng bước được nâng lên, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
Công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực (hàng năm cấp phát trên 400.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn và người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, kinh phí cấp thẻ từ năm 2016 đến 2019 lên trên 675 tỷ đồng). Hệ thống trạm y tế các xã, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện được đầu tư nâng cấp; đội ngũ y, bác sĩ tiếp tục được bổ sung về số lượng và được quan tâm cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về trình độ chuyên môn,cơ bản đảm bảo yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được chú trọng; Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhất là vùng dân tộc, miền núi được củng cố vững chắc; công tác đào tạo, bồi dư­ỡng nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị cho đội ngũ cán bộ ng­­ười dân tộc thiểu số được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện.
Thực tế đã khẳng định, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang những năm qua đã thực sự là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Họ đã và đang đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng dân tộc để không ngừng đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, đoàn kết vượt khó, xây dựng làng, bản văn hóa, gia đình văn hóa, tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, tiến bộ, văn minh./.
Thạc sĩ Phạm Thị Huệ
 Trưởng khoa Xây dựng Đảng


 
Tài liệu tham khảo: Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang lần thứ III năm 2019
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
   
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8000668

Đang Online : 4142