Nghiên cứu - Trao đổi

Đưa Quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền vào giảng dạy Bài 3 phần V.2, trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính

Ngày Đăng: 26/3/2020 14:54 Lượt xem: 542

          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”,“Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Đảng ta cũng khẳng định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng.
          Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sau hơn 20 năm thực hiện đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trong thực hiện công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập, xảy ra ở một số nơi gây bức xúc trong Đảng và trong nhân dân. Vì vậy, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã đề ra phải “Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”.
          Ngày 23/9/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định này là sự tiếp nối tư tưởng chỉ đạo là phương thức, giải pháp, là công cụ quan trọng để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng Đảng, công tác cán bộ, nhất là trong bối cảnh đang chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
          Để góp phần tích cực đưa Quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền đi vào đời sống. Đối với giảng viên giảng dạy bài 3 phần nghiệp vụ công tác đảng ở cơ sở trong chương trình Trung cấp Lý luận chính trị - Hành chính tại Trường Chính trị tỉnh, cần nghiên cứu sâu sắc, vận dụng đưa vào bài giảng truyền đạt cho học viên những nội dung, quan điểm trong Quy định, cần làm tốt một số vấn đề sau đây:
          - Giảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm nghiên cứu, nắm chắc những nội dung trong quy định số 205/QĐ/TW một cách nghiêm túc và thực sự có hiệu quả.
          Giảng viên nghiên cứu nắm chắc những nội dung cơ bản của Quy định, đặc biệt là những điểm mới thể hiện sự phát triển về nhận thức và lý luận của Đảng để kịp thời truyền tải đúng tới học viên. Cụ thể cần nắm vững  nội dung sau:
          Quy định kiểm soát quyền lực về công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền nêu rõ 6 quy định đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; 6 quy định đối với thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; 6 quy định đối với người đứng đầu… Quy định cũng nêu 6 hành vi chạy chức, chạy quyền, 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chạy chức, chạy quyền, quy định xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho hành vi chạy chức, chạy quyền.
          Về kiểm soát quyền lực, Quy định số 205-QĐ/TW đã đưa ra cách tiếp cận vấn đề kiểm soát quyền lực theo 6 nhóm chủ thể là các tập thể, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ, để từ đó quy định cái gì các chủ thể được làm để bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, dân chủ; bảo đảm ý kiến của tập thể trong việc lựa chọn người đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào vị trí của công tác cán bộ. 
           Về chống chạy chức, chạy quyền, Quy định đã nêu rõ hành vi, nhận diện rõ thế nào là “chạy chức, chạy quyền”, thế nào là bao che, tiếp tay cho các hành vi này. Theo đó, có 6 hành vi “chạy chức, chạy quyền”, 8 hành vi bao che, tiếp tay cho “chạy chức, chạy quyền”.
          Quy định số 205-QĐ/TW cũng nêu rõ việc điều động chuyển đổi vị trí công tác những người được phân công làm công tác nhân sự để tránh tình trạng ở một vị trí quá lâu, hoặc theo dõi công tác cán bộ trên một địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công tác 5 năm liên tiếp hoặc khi cần thiết. Không bố trí những người có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm các chức danh liên quan, như bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp, chủ tịch ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn… Nếu thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả vấn đề này thì cũng là một giải pháp hữu hiệu hiện thực hóa quy định số 205-QĐ/TW đi vào cuộc sống.
          Giảng viên xác định những nội dung chủ yếu trong quy định cần quán liệt, tránh sự trùng lặp trong bài giảng.
          Trên cơ sở nghiên cứu kỹ các nội dung của Quy định, xác định tính chất, mức độ ảnh hưởng đến từng mục trong bài giảng, từ đó giảng viên sẽ lựa chọn nội dung của Quy định để vận dụng vào từng phần, mục cho phù hợp. Cần tránh việc đưa toàn văn Quy định vào bài giảng. Giảng viên có thể trích các nội dung quan trọng hoặc có thể nói tinh thần, khái quát những nội dung của Quy định có liên quan đến bài giảng. Trong đó cần kết hợp với phân tích, giải thích và lấy ví dụ điển hình chứng minh làm rõ… đồng thời gắn với thực tế trong tỉnh, địa phương, cơ sở sẽ làm cho nội dung trong Quy định đưa vào sinh động, thuyết phục và hấp dẫn học viên.
          Trong giảng dạy từng phần, mục của bài 3 phần nghiệp vụ công tác đảng ở cơ sở, giảng viên cần quán triệt và làm rõ những nội dung trong Quy định cụ thể như sau:
          +  Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ
          Đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo: Chịu trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ; xử lý nghiêm những người lợi dụng việc này để tố cáo hoặc lan truyền các thông tin sai sự thật; điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với những người được phân công làm công tác nhân sự đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp; không bố trí những người có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan.
          Đối với thành viên cấp ủy: Phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực đến cấp có thẩm quyền những nội dung có liên quan đến nhân sự; tự giác báo cáo khi có người thân có quyền, lợi ích liên quan đến việc thực hiện quy trình công tác cán bộ; nghiêm cấm cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên; nghiêm cấm xen ghép ý đồ cá nhân, trong quá trình tham mưu thực hiện quy trình công tác cán bộ; nghiêm cấm để người thân thao túng, can thiệp công tác cán bộ;  nghiêm cấm gặp gỡ nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.
         Đối với người đứng đầu cấp ủy: Đề xuất cụ thể về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, điều kiện, quy trình giới thiệu, đánh giá nhân sự; báo cáo kịp thời, đầy đủ, trung thực, khách quan, đúng bản chất ý kiến của tập thể lãnh đạo về công tác cán bộ.
        Đối với nhân sự: Tự giác không ứng cử, không nhận đề cử nếu bản thân thấy không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, uy tín, năng lực, sức khỏe; nghiêm cấm phát tán thông tin không đúng sự thật, tố cáo sai sự thật.
        Quy định nêu chế tài, hình thức xử lý đối với người vi phạm: Đình chỉ công tác, chức vụ, không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra; tạm dừng có thời hạn việc quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm..; hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ.
        + Về chống chạy chức, chạy quyền
        Quy định nêu các hành vi chạy chức, chạy quyền: Tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí; lợi dụng các mối quan hệ thân quen gây sức ép giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ; lợi dụng thông tin nội bộ để đặt điều kiện, gây sức ép trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm; dùng lý lịch, xuất thân gia đình để mặc cả nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi…
        Trong quá trình giảng dạy, tuyên truyền Quy định 205-QĐ/TWcủa Bộ Chính trị, giảng viên cần nhấn mạnh nâng cao nhận thức sâu sắc Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị ra đời nhằm cảnh báo, ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền. Đồng thời Quy định cũng đề cao lòng tự trọng, trách nhiệm nêu gương của người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có thẩm quyền. Đề cao việc giữ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong công tác cán bộ. Đồng thời cũng cần nói rõ để cán bộ, đảng viên thấm nhuần việc xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền với sự nghiêm khắc, cụ thể nhất.
          Để triển khai có hiệu quả Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị, mỗi giảng viên cần tích cực tham gia học tập, nghiên cứu, vận dụng hiệu quả nội dung của quy định bài giảng, phần học cho phù hợp với từng đối tượng học viên; góp phần thiết thực vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trong nhà trường./.
 
Cử nhân Vũ Thị Sen
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7996613

Đang Online : 86