Nghiên cứu - Trao đổi

Tràng Đà phấn đấu năm 2020 hoàn thành xây dựng Nông thôn mới nâng cao

Ngày Đăng: 27/3/2020 14:36 Lượt xem: 485

          Xác định xây dựng nông thôn mới là một trong các nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền xã Tràng Đà đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt Chương trình Mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã và đạt được những kết quả khá toàn diện. Qua đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã.
          Năm 2009, khi thành phố Tuyên Quang triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Tràng Đà đã rà soát đánh giá đạt 5 tiêu chí. Năm 2015 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
           Phát huy tiềm năng, lợi thế vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên phong phú, trong những năm quaxã Tràng Đà đã tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của tỉnh, thành phố đồng thời tập trung phát huy nội lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, năm 2019 xã được xác định và lựa chọn xã thực hiện Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020.
          Qua hai năm thực hiện nhiệm vụ,cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xãtiếp tục được đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Đến nay 100% đường giao thông nông thôn, bao gồm các đoạn đường liên xã, đường trục xóm, ngõ xóm đều được bê tông hóa, kiên cố hóa hoặc cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản xuất, giao thông vận tải và lưu thông hàng hóa. Hệ thống thủy lợi cơ bản đủ nguồn nước phục vụ cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã. Tạo nguồn cơ bản đáp ứng nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, gia súc, gia cầm và hoạt động sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp cho hơn 500 hộ dân trên địa bàn. Hệ thống cung cấp điện cho người dân trên địa bàn xã thường xuyên được nâng cấp, cải tạo, đảm bảo 100% số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Hệ thống trường học từ mầm non đến Trung học cơ sở ở xã được quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa đảm bảo đạt chuẩn. Hằng năm các trường đều được trang cấp các cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng phục vụ cho công tác dạy và học. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, hiện nay trên địa bàn xã có một chợ trung tâm với 13 ki ốt. Hàng năm xã xây dựng kế hoạch vận động các tổ chức, cá nhân vào tham gia kinh doanh tại chợ. Ký hợp đồng địa điểm bán hàng tại Đền Thượng, Đền Cấm cho trên 93 hộ kinh doanh. Trên địa bàn xã có trên 360 hộ kinh doanh thương mại dịch vụ và các cửa hàng kinh doanh tổng hợp, thu nhập bình quân kinh doanh thương mại là 4.700.000đ/người/tháng.
          Về nhà ở dân cư, xã Tràng Đà tích cực xây dựng, chỉnh trang nhà ở cho nhân dân góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong những năm qua, xã đã thực hiện chính sách quan tâm hỗ trợ, tu sửa, nâng cấp nhà, xây mới 27 nhà cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách trong xã đảm bảo an toàn, bền vững. Thông qua các đợt tuyên truyền, vận động các hộ gia đình đã đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa 321 nhà ở và các công trình phụ trợ. Đến nay, trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Tổng số hộ gia đình có nhà đạt chuẩn theo quy định của Bộ xây dựng trên địa bàn xã là 1.482/1.557 hộ đạt tỷ lệ 95,1% (tăng 12,6 % so với năm 2009), các nhà đảm bảo “3 cứng”, có đầy đủ công trình phụ trợ và kiến trúc phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống.
          Sản xuất nông nghiệp của xã Tràng Đà tăng trưởng khá, cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển biến theo hướng tích cực; sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp hàng năm đều tăng. Hiện nay xã đang tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển những ngành nghề chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên cơ sở xác định tiềm năng lợi thế của địa phương, đồng thời đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các mô hình trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trồng hoa lan và nuôi cá đặc sản, ba ba là những nghề trọng điểm được chú trọng đầu tư, phát triển ở Tràng Đà hiện nay. Bên cạnh đó, kinh tế nông thôn của Tràng Đà đang có bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ngày càng được nâng cao.
          Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ xã đến xóm được củng cố tăng cường; đội ngũ cán bộ, công chức xã được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn xã tiếp tục được giữ vững, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền.
          Để năm 2020 hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, Tràng Đà tiếp tục chủ trương xây dựng nông thôn mới có kinh tế phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn; từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; có các hình thức sản xuất phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ thương mại theo quy hoạch, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, nâng cao vai trò và thực hiện nhiệm vụ của hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng.
          Để đạt được mục tiêu đó, từ thực tế xây dựng nông thôn mới ở xã Tràng Đà, rút ra những kinh nghiệm và bài học từ thực tiễn cụ thể như sau:
         Một là, để xã Tràng Đà sớm đạt được mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp Đảng ủy, chính quyền, sự phối hợp của các cơ quan trong hệ thống chính trị và sự ủng hộ, tham gia của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện.
          Hai là, Ban Chỉ đạo, Ban quản lý  xây dựng nông thôn mới xã Tràng Đà phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của xã, định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện và kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở xóm.
          Ba là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa, nhiệm vụ của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
          Bốn là, trong việc xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng nông thôn mới phải cụ thể, chi tiết, xác định rõ nguồn lực, đảm bảo tính khả thi; phân công rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhất là người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, vai trò của Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm tinh thần gương mẫu của gia đình cán bộ, đảng viên.
          Năm là, đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách là cần thiết”. Việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có giám sát cộng đồng đảm bảo công khai, minh bạch; qua đó đã thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”. Chú trọng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng nông thôn mới.
          Sáu là, động viên, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình nhằm khuyến khích, thúc đẩy phong trào.
          Những bài học kinh nghiệm trên tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh quan điểm chủ trường của Đảng về vấn đề xây dựng nông thôn mới, cụ thể hóa vào từng địa phương để các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương, quê hương mình.
 
Thạc sĩ Lê Thị Hồng Hạnh
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở
 
 
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8028177

Đang Online : 104