Nghiên cứu - Trao đổi

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Ngày Đăng: 20/4/2020 9:37 Lượt xem: 377

          Trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta hiện nay, vấn đề tiếp tục cải cách, kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước nói chung và hệ thống chính quyền địa phương nói riêng trong đó có Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp là yêu cầu khách quan và tất yếu. Trong những năm gần đây, HĐND  huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong đó có đổi mới hoạt động giám sát để nâng cao hiệu quả thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương theo đường lối đổi mới của các cấp ủy Đảng.
          Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, ngay sau khi HĐND huyện Sơn Dương ban hành Nghị quyết về chương trình công tác giám sát, Thường trực HĐND, các ban của HĐND huyện đã chủ động xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện. Việc lựa chọn hình thức, nội dung giám sát phù hợp với điều kiện thực tiễn của hoạt động HĐND như: giám sát tại các kỳ họp, giám sát chuyên đề, giám sát thông qua việc tiếp xúc cử tri...; thông qua công tác giám sát, Thường trực HĐND, các ban của HĐND huyện đã có nhiều kiến nghị với Ủy ban nhân dân (UBND) huyện, các cơ quan chức năng tìm giải pháp khắc phục kịp thời những vấn đề còn hạn chế trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh việc giám sát tại các kỳ họp, Thường trực HĐND, các ban của HĐND huyện cũng chú trọng triển khai việc giám sát theo chuyên đề... Chính vì vậy, trong 02 năm qua (2018- 2019), công tác giám sát của HĐND huyện Sơn Dương đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, cụ thể:
          Thứ nhất, hoạt động giám sát tại kỳ họp của HĐND huyện: tổ chức 01 cuộc giám sát chuyên đề về việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm tại UBND huyện, Trung tâm y tế huyện, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phòng Y tế, Đội quản lý thị trường số 3, UBND các xã Sơn Nam, Hồng Lạc, Tân Trào, thị trấn Sơn Dương và 43 cơ quan, đơn vị, các xã là thành viên Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm của huyện. 01 cuộc giám sát việc thực hiện công tác quản lý, sử dụng kinh phí, duy tu bảo dưỡng các tuyến đường bộ, đường đô thị do huyện quản lý năm 2017, 2018 tại UBND huyện, Hạt quản lý giao thông huyện, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài chính - Kế hoạch và một số xã, thị trấn.
          Thứ hai, hoạt động giám sát của Thường trực HĐND huyện: trong 02 năm Thường trực HĐND huyện đã tổ chức 03 cuộc giám sát chuyên đề, cụ thể: 01 cuộc giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức và thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước tại phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phòng Lao động -  Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội vụ, UBND 05 xã;  01 cuộc giám sát việc cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện tại UBND huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND 05 xã và thị trấn Sơn Dương và 01 cuộc giám sát việc mua sắm tài sản, trang thiết bị từ 01/01/2017 đến 30/6/2019 tại Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh và Truyền hình huyện, UBND 05 xã và một số trường học trên địa bàn huyện, như: trường Mầm non Phúc Ứng, Mầm non Ninh Lai; Tiểu học Ninh Lai, Tiểu học Đại Phú; Trung học cơ sở Tuân Lộ, Trung học cơ sở Thượng Ấm. Bên cạnh giám sát chuyên đề, Thường trực HĐND huyện còn tiến hành 05 cuộc giám sát thường xuyên về việc xem xét, giải quyết các kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5, 6, 7, 8 HĐND huyện khóa XX đối với Điện Lực Sơn Dương, Hạt Quản lý giao thông huyện, UBND 06 xã và thị trấn Sơn Dương; giám sát việc trợ giúp xã hội dịp tết nguyên đán Kỷ Hợi tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND 06 xã. Tiến hành 01 cuộc khảo sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2019 tại phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện, UBND 07 xã trên địa bàn huyện.
          Thứ ba, hoạt động giám sát của các ban HĐND huyện: đã xem xét, thảo luận các báo cáo của Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân huyện về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tất cả các Báo cáo, Đề án, Tờ trình trước khi trình kỳ họp đã được các ban HĐND huyện giám sát bằng thẩm tra và trực tiếp tham gia với các cơ quan soạn thảo để điều chỉnh cho chính xác, phù hợp. Hoạt động giám sát của các ban HĐND huyện qua chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND huyện đã được phát huy và có nhiều cải tiến, tập trung vào những vấn đề cử tri quan tâm như: quy hoạch, giao thông, đền bù, giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách...qua đó phản ánh sát thực những tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
          Thứ tư, hoạt động giám sát của đại biểu HĐND huyện: tại kỳ họp đại biểu HĐND huyện nghiên cứu các báo cáo, đề án để thực hiện quyền giám sát của mình theo đúng luật định, chọn một số nhóm vấn đề để chất vấn như: việc chậm giao đất cho các hộ đã nộp tiền sử dụng đất; chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân thuộc các nông, lâm trường trên địa bàn huyện; việc thực hiện các chính sách xã hội cho các đối tượng trên địa bàn huyện… cách thức chất vấn được thực hiện dân chủ, đại biểu trực tiếp thảo luận, đối thoại với đại diện cơ quan chức năng, tạo không khí cởi mở, thẳng thắn. Việc trả lời chất vấn của UBND huyện và các cơ quan chức năng cơ bản đáp ứng yêu cầu, thể hiện được tính quyền lực và trách nhiệm của cơ quan dân cử ở địa phương. Thông qua chất vấn, tuỳ theo mức độ của mỗi vấn đề và thái độ của các bên liên quan, Chủ toạ kỳ họp kết luận, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể một cách hợp tình, hợp lý và giao cho các cơ quan tập trung tháo gỡ, giải quyết các vụ việc qua chất vấn sau các kỳ họp đạt được yêu cầu đề ra.
          Có thể thấy, hoạt động giám sát của HĐND huyện trong thời gian qua được thực hiện đúng quy trình, kế hoạch, chương trình giám sát; tiếp tục có sự đổi mới về cách thức tổ chức giám sát, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên tham gia; có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND với các ban của HĐND huyện và thường trực HĐND các xã, thị trấn. Nội dung, cách thức, thành phần giám sát phù hợp, không trùng lặp về thời gian và địa điểm giám sát, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan được giám sát. Qua giám sát đã đánh giá được những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của UBND huyện và các cơ quan, đơn vị từ đó có những kiến nghị với đơn vị được giám sát khắc phục, giải quyết kịp thời những vướng mắc, tồn tại.
          Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động giám sát của HĐND huyện Sơn Dương còn một số hạn chế, như: chưa thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát; trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát chưa cao; năng lực thực tiễn, kỹ năng phản biện của một số đại biểu còn hạn chế; việc nắm bắt thông tin từ hồ sơ, tài liệu của công dân gửi đến đôi khi chưa thực sự khoa học; thẩm quyền của Thường trực HĐND trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND, việc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, hoạt động giữa hai kỳ họp của Thường trực HĐND, hoạt động giám sát của các đại biểu HĐND chưa được tổng kết kịp thời. Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế trong thời gian tới HĐND  huyện Sơn Dương cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
           Một là, nâng cao năng lực giám sát của đại biểu HĐND huyện: để thực hiện được giải pháp này, đại biểu phải gắn bó với cử tri, vừa lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri, vừa giám sát, vừa tác động và đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thoả đáng các ý kiến, nguyện vọng của cử tri. HĐND huyện phải có trách nhiệm tổ chức tổng kết rút nghiệm và từng bước nâng cao năng lực cho đại biểu như: tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đại biểu kỹ năng tự giám sát và tham gia Đoàn giám sát; xác định cách tiếp cận để nghiên cứu vấn đề cần giám sát; kinh nghiệm nêu vấn đề, đặt câu hỏi hợp lý với cơ quan hữu quan để làm rõ các nội dung cần xem xét; thảo luận và đi đến kết luận giám sát; xây dựng kiến nghị giám sát và theo dõi kết quả thực hiện yêu cầu của Đoàn giám sát.
          Hai là, chủ động, sáng tạo tìm ra biện pháp hợp lý để đẩy mạnh hoạt động giám sát của Thường trực HĐND. Cần điều hoà, phối hợp với các ban cho hợp lý trong công tác giám sát, trong việc tiếp công dân nhằm đảm bảo cho pháp luật và Nghị quyết của HĐND được thực hiện nghiêm chỉnh, góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, động viên, khuyến khích cơ sở phát huy những mặt tốt, và chỉ ra được những sai sót cần kịp thời sửa chữa. Từ đó tạo mối quan hệ tốt và gắn bó giữa HĐND và các đơn vị được giám sát. Trong hoạt động giám sát, các ban cần được sự tạo điều kiện về mọi mặt của Thường trực HĐND, nhất là trong việc điều hoà, phối hợp hoạt động giữa các ban, phân công các ban theo dõi kiểm tra, giám sát đối với các vấn đề bức xúc diễn ra ở địa phương. Việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp của Thường trực HĐND cần phải được tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời.
          Ba là, đổi mới phương thức giám sát của các ban của HĐND huyện: căn cứ vào Nghị quyết của HĐND tại mỗi kỳ họp và chương trình công tác của HĐND giữa hai kỳ họp, các ban chủ động xây dựng chương trình công tác, trong đó có kế hoạch giám sát, xác định nội dung chi tiết nhằm vào các lĩnh vực, các ngành kinh tế, các vấn đề trọng điểm, vấn đề bức xúc, thời gian giám sát... sau đó gửi chương trình giám sát đến các cơ quan, đơn vị được giám sát và các cơ quan tham gia giám sát để chuẩn bị trước; chú trọng chất lượng thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.
          Hoạt động giám sát cần có sự phối hợp thường xuyên giữa Thường trực HĐND, các ban của HĐND và Mặt trận Tổ quốc và một số cơ quan hữu quan. Việc giám sát có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân đến báo cáo, hoặc tổ chức đoàn đi giám sát, khảo sát tình hình. Tuy nhiên, phải hết sức tránh tổ chức đoàn cồng kềnh, rườm rà, gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức được giám sát.
          Bốn là, đa dạng hóa các hình thức giám sát: ngoài việc giám sát của HĐND tại các kỳ họp thông qua các hoạt động xem xét các báo cáo trình tại kỳ họp; chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét văn bản quy phạm pháp luật; bỏ phiếu tín nhiệm v.v… còn có giám sát cụ thể của Thường trực HĐND, của các Ban, các đại biểu HĐND theo phương thức giám sát chung hoặc giám sát chuyên đề.
         Năm là, nâng cao chất lượng thảo luận  tại các phiên họp toàn thể. Đây là hình thức không thể thiếu đối với mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân, vì Hội đồng nhân dân làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Việc thảo luận các báo cáo tại phiên họp toàn thể sẽ giúp cho các đại biểu Hội đồng nhân dân tập trung ý chí, tranh luận và thảo luận các vấn đề, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, nghe các cơ quan trả lời về các kiến nghị của cử tri. Trên cơ sở thông tin đã được phân tích, đại biểu sẽ quyết định chính xác các vấn đề đặt ra./.
 
Thạc sĩ Hán Thị Hạnh Thúy
Phó Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
 
 
 
 
 
 
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8284173

Đang Online : 2243