Nghiên cứu - Trao đổi

Tư tưởng của V.I.Lênin về phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Ngày Đăng: 21/4/2020 16:21 Lượt xem: 5006

      Trên cơ sở phát triển quan điểm của C.Mác về sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa cộng sản (CNCS) V.I.Lênin không những khẳng định tính tất yếu khách quan của thời kỳ quá độ (TKQĐ) lên chủ nghĩa cộng sản giai đoạn thấp - chủ nghĩa xã hội (CNXH), mà còn chỉ ra đặc điểm nổi bật nhất của TKQĐ lên CNXH, V.I.Lênin viết: “Về lý luận, không thể nghi ngờ gì được rằng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, có một thời kỳ quá độ nhất định. Thời kỳ đó không thể không bao gồm những đặc điểm hoặc đặc trưng của cả hai kết cấu kinh tế xã hội ấy”(1)
      V.I.Lênin cho rằng “TKQĐ lên CNXH là thời kỳ cải biến cách mạng sâu sắc, triệt để và toàn diện từ xã hội cũ sang xã hội mới, nó bắt đầu từ khi giai cấp vô sản giành được chính quyền, bắt tay vào xây dựng xã hội mới và nó kết thúc khi đã xây dựng xong cơ sở vật chất, kỹ thuật bước đầu cho CNXH(2).
      Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, theo V.I.Lênin việc phát triển kinh tế trong TKQĐ lên CNXH phải thực hiện:
      Thứ nhất: Quan tâm đặc biệt phát triển lực lượng sản xuất
      V.I.Lênin chỉ ra những nhiệm vụ kinh tế của TKQĐ lên CNXH: đó là phải rất quan tâm thực hiện phát triển lực lượng sản xuất. Tại nước Nga, khi nội chiến kết thúc, Người đã đưa ra chương trình kinh tế đồ sộ: "Chương trình điện khí hóa nước Nga". Người viết: "Chủ nghĩa cộng sản = Chính quyền Xô Viết + với điện khí hóa toàn quốc". Điều đó nói lên rằng, V.I.Lênin đặc biệt coi trọng vai trò quyết định của vấn đề chính quyền và lực lượng sản xuất đối với sự thắng lợi của CNXH như thế nào. V.I.Lênin quan tâm việc thiết lập cơ sở kinh tế của CNXH bằng việc thực hiện quốc hữu những ngành, những lĩnh vực kinh tế then chốt, bảo đảm cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa (XHCN) ban đầu của chế độ XHCN và của chính quyền Xô viết.
      Trong nhiệm vụ kinh tế, V.I.Lênin nêu nhiều nội dung như nâng cao năng suất lao động, thực hiện lao động tự nguyện. V.I.Lênin nói: “Xét đến cùng, thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ xã hội mới"(3) và muốn có được năng suất lao động cao này đòi hỏi phải phát triển lực lượng sản xuất.
      Chủ nghĩa xã hội muốn giành chiến thắng trước chủ nghĩa tư bản thì phải giành chiến thắng từ năng suất lao động. Chủ nghĩa xã hội cần có cơ sở vật chất kỹ thuật và người lao động với trình độ có khả năng tạo ra năng suất lao động cao hơn so với chủ nghĩa tư bản. Do đó, nhiệm vụ về phát triển lực lượng sản xuất lên tầm cao mới là vô cùng quan trọng. V.I.Lênin chỉ rõ: “Không có kỹ thuật đại tư bản chủ nghĩa được xây dựng trên những phát minh mới nhất của khoa học hiện đại, không có một tổ chức nhà nước có kế hoạch khiến cho hàng chục triệu người phải tuân theo hết sức nghiêm ngặt một tiêu chuẩn thống nhất trong công việc sản xuất và phân phối sản phẩm, thì không thể nói đến chủ nghĩa xã hội được”(4).
V.I.Lênin nhấn mạnh việc sử dụng các kinh nghiệm và công cụ quản lý kinh tế dưới chủ nghĩa tư bản để phát triển lực lượng sản xuất. Để rút ngắn quá trình này, V.I.Lênin cho rằng cần phải học tập chuyên gia tư sản: "Người cộng sản không được sợ “học” các chuyên gia tư sản, kể cả những thương gia, những nhà tư bản nhỏ tham gia hợp tác xã và các nhà tư bản khác…hãy làm tốt hơn các chuyên gia tư sản làm việc bên cạnh mình; hãy biết dùng cách này hay cách khác mà đẩy mạnh nông nghiệp, công nghiệp lên, mà phát triển sự trao đổi giữa nông nghiệp và công nghiệp"(5)
      Đây được hiểu là sự nhượng bộ tạm thời đối với chủ nghĩa tư bản nhằm phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, từng bước xã hội hóa sản xuất trong thực tế.
      Để có lực lượng lao động mới, đủ khả năng làm chủ những tư liệu sản xuất hiện đại, V.I.Lênin cho rằng cần thực hiện cách mạng văn hóa, không ngừng nâng cao trình độ văn hóa của người lao động.
      Thứ hai: Chú trọng thực hiện xây dựng phát triển quan hệ sản xuất mới
      Theo Người, tính quy luật chung về kinh tế của TKQĐ lên CNXH đối với mọi dân tộc là nền kinh tế nhiều thành phần. V.I.Lênin chỉ rõ: “Vậy thì danh từ quá độ có nghĩa là gì ? Vận dụng vào kinh tế, có phải nó có nghĩa là trong chế độ hiện nay có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội không ? Bất cứ ai cũng đều thừa nhận là có”(6) Đồng thời, V.I.Lênin đã nêu ra: “Những hình thức cơ bản ấy của nền kinh tế xã hội là: chủ nghĩa tư bản, tiểu sản xuất hàng hóa, chủ nghĩa cộng sản"(7).
      Nền kinh tế nhiều thành phần là bước quá độ trung gian tất yếu trong quá trình xây dựng CNXH, không thể dùng ý chí để xóa bỏ nó ngay được. Bởi vì trong TKQĐ còn tồn tại nhiều quan hệ sản xuất, bao gồm cả quan hệ sản xuất tàn dư, thống trị và mầm mống nên tất yếu phải có nhiều thành phần kinh tế.
          V.I.Lênin đã vận dụng sáng tạo những nguyên tắc phổ biến và cơ bản của CNCS vào đặc thù lịch sử cụ thể của nước Nga lúc đó thông qua việc xác định các thành phần kinh tế hiện có ở nước Nga trong TKQĐ lên CNXH. Theo Người, các thành phần của kết cấu kinh tế - xã hội khác nhau hiện có ở Nga, lúc đó là: Kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, nghĩa là một phần lớn có tính chất tự nhiên; Sản xuất hàng hóa nhỏ (trong đó gồm đại đa số nông dân bán lúa mì); Chủ nghĩa tư bản tư nhân; Chủ nghĩa tư bản nhà nước; Chủ nghĩa xã hội.
Theo V.I.Lênin, việc hình thành thành phần kinh tế mới – chủ nghĩa tư bản nhà nước, hình thức trung gian quá độ, thể hiện sự đan xen, kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là chủ nghĩa tư bản tư nhân. Đây là thành phần kinh tế đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong TKQĐ lên CNXH. Bởi vì, nó có tác dụng cải biến một cách hòa bình nền kinh tế theo con đường từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH. Nhờ có thành phần kinh tế tư bản nhà nước mà có thể học hỏi những ưu điểm của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa về khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý, hiệu quả sản xuất. Đồng thời, thành phần kinh tế tư bản nhà nước cũng giúp kiểm soát, định hướng kinh tế tư bản tư nhân đi theo con đường của CNXH, gia nhập vào chế độ công hữu. Lênin nói: Kinh tế tư bản nhà nước là cầu nối để đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, từ thời kỳ tiền tư bản chủ nghĩa đi lên CNXH.
      Trong điều kiện nền kinh tế quá độ là nền kinh tế nhiều thành phần, V.I.Lênin khẳng định: Không thể quá độ trực tiếp lên CNXH mà phải qua con đường gián tiếp, không thể quá vội vàng, thẳng tuột, không được chuẩn bị.
      Bước quá độ thông qua chủ nghĩa tư bản nhà nước được thể hiện trong Chính sách kinh tế mới - chính sách kinh tế này được V.I.Lênin thực hiện ở nước Nga từ 1921, mà việc trao đổi hàng hóa được coi là “đòn xeo chủ yếu”, V.I.Lênin khẳng định: "Đây là việc được đặt lên hàng đầu. Không thiết lập việc trao đổi hàng hóa hay sản phẩm một cách có hệ thống giữa công nghiệp và nông nghiệp, thì không thể có được mối quan hệ đúng đắn giữa giai cấp vô sản và nông dân, không thể tạo ra được một hình thức liên minh kinh tế hoàn toàn vững chắc giữa hai giai cấp đó trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội”(8). Điều này đặc biệt quan trọng đối với những nước có nền kinh tế tiểu nông, nông dân chiếm đại đa số trong dân cư.
      V.I.Lênin cũng chỉ ra một số hình thức chủ nghĩa tư bản nhà nước như tô nhượng, hợp tác xã, đại lý, cho thuê xí nghiệp, khu mỏ, rừng núi…
      V.I.Lênin cho rằng: con đường đi từ nền kinh tế nhiều thành phần đến nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phải qua những bước trung gian, những hình thức quá độ. Trong cải tạo xã hội xã hội chủ nghĩa không thể nôn nóng xóa bỏ các thành phần kinh tế không phải của CNXH mà phải tuyệt đối tuân theo quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, phải thông qua những bước trung gian và những hình thức quá độ. Tuy nhiên, việc phải qua những bước trung gian nào, sử dụng những hình thức quá độ nào, lại phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước. Đổi mới quản lý kinh tế theo hướng chuyển từ biện pháp hành chính thuần túy sang biện pháp kinh tế. Thực hiện chuyển nền kinh tế tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa và sử dụng các quan hệ hàng hóa - tiền tệ; chuyển từ cơ chế quản lý tập trung đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp của Nhà nước sang cơ chế hạch toán theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Và, để tạo điều kiện cho thực hiện việc đổi mới quản lý đó phải ổn định tiền tệ, tổ chức lại hệ thống thương nghiệp, thực hiện dân chủ hóa quản lý kinh tế thông qua tổ chức các hội nghị sản xuất của công nhân, thực hiện chế độ phân phối theo lao động, công khai, dân chủ trong lựa chọn lãnh đạo, thực hiện quyền kiểm soát của công nhân...
Trong xây dựng quan hệ sản xuất mới, V.I.Lênin đặc biệt chú trọng công tác quản lý. Người viết: “Từ chủ nghĩa tư bản tiểu tư sản đi đến chủ nghĩa tư bản nhà nước với quy mô lớn cũng như đi đến chủ nghĩa xã hội, đều trải qua cùng một con đường, thông qua cùng một cái trạm trung gian, đó là “sự kiểm kê và kiểm soát của toàn dân đối với sản xuất và phân phối sản phẩm”(9). V.I.Lênin cũng đề cập: Ai không hiểu được điểm ấy thì người đó sẽ mắc phải sai lầm không thể tha thứ được trên vấn đề kinh tế, hoặc là không biết tình hình thực tế, không nhìn thấy sự vật hiện có, không biết nhìn thẳng vào sự thật, hoặc là chỉ tự hạn chế ở chỗ đem “chủ nghĩa tư bản” đối lập một cách trừu tượng với “chủ nghĩa xã hội”, chứ không nghiên cứu những hình thức cụ thể và các giai đoạn của sự quá độ ấy trong lúc này ở nước ta.
          Trong quá trình phát triển kinh tế phải quan tâm giải quyết mâu thuẫn giữa sản xuất hàng hóa nhỏ cộng với chủ nghĩa tư bản tư nhân tồn tại và phát triển trên cơ sở của nền sản xuất hàng hóa nhỏ ấy với CNXH, biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn giữa tính tự phát vô chính phủ tiểu tư sản với tính tổ chức của giai cấp công nhân.
V.I.Lênin cũng chỉ ra loại hình quá độ mới: quá độ từ các nước tiền tư bản tiến lên CNXH và CNCS, người gọi đó là loại hình quá độ đặc biệt của đặc biệt. V.I.Lênin nhắc nhở những người cộng sản ở những nước này phải hết sức bình tĩnh, bắc những nhịp cầu nho nhỏ để từng bước dẫn dắt nông dân đi lên CNCS, phù hợp với trình độ kinh tế, trình độ nhận thức, trình độ văn hóa của nông dân. Rằng, càng nôn nóng rút ngắn TKQĐ ấy theo ý muốn chủ quan bao nhiêu thì chỉ càng kéo dài TKQĐ ấy với những khó khăn càng tăng lên bấy nhiêu thôi.
          Mặt khác, để đảm bảo thành công của công cuộc xây dựng CNXH, thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế, V.I.Lênin đặc biệt coi trọng việc cải tổ bộ máy nhà nước. Đồng thời nhấn mạnh vai trò của kiểm kê, kiểm soát; vai trò quản lý kinh tế của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
          Giai đoạn hiện nay, việc Đảng ta thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN là thực hiện tư tưởng kinh tế của V.I.Lênin trong TKQĐ lên CNXH.
          Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, (được thông qua tại Đại hội XI - năm 2011) Đảng ta xác định: "Nước ta quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN từ một xã hội vốn là thuộc địa nửa phong kiến, lực lượng sản xuất rất thấp"(10). Từ đó, vạch ra định hướng lớn trong phát triển kinh tế của đất nước, đó là: Phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, thiết lập từng bước quan hệ sản xuất XHCN từ thấp đến cao với sự đa dạng về hình thức sở hữu. Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng XHCN vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
          Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta xác định: Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Là nền kinh tế có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực chủ đạo của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật..."(11)   
      Thực hiện tư tưởng kinh tế của V.I.Lênin vào TKQĐ, đến nay, nền kinh tế nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2020 dự kiến đạt khoảng 6,4%/năm; quy mô và tiềm lực được nâng lên (quy mô nền kinh tế đã đạt gần 300 tỷ USD. GDP bình quân đầu người đạt 3.000 USD)12; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH, sự phát triển khởi sắc về kinh tế đã góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, làm cho con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày một sáng rõ hơn.
          Mặc dù V.I.Lênin đã đi xa nhưng tư tưởng kinh tế trong TKQĐ lên CNXH của Người vẫn còn nguyên giá trị. Kỷ niệm 150 năm ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870-22/4/2020), việc bảo vệ và tiếp tục vận dụng sáng tạo, bổ sung phát triển những tư tưởng của Người trong điều kiện mới là nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với cách mạng Việt Nam để đi tới thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng thành công CNXH trên đất nước ta./.
          ------------------------------------
          TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
(1) V.I.Lênin, toàn tập, Nxb tiến bộ, M.1977, t.39, tr.309, 310
(2) V.I.Lênin, toàn tập, Nxb tiến bộ, M.1977, t.39, tr.558
(3) V.I.Lênin, toàn tập, Nxb tiến bộ, M.1977, t.39, tr.25
(4), (5) V.I.Lênin, toàn tập, Nxb tiến bộ, M.1978, t.43, tr.253, 295
(6) V.I.Lênin, toàn tập, Nxb tiến bộ, M.1977, t.43, tr.248
(7) V.I.Lênin, toàn tập, Nxb tiến bộ, M.1977, t.39, tr.310
(8) V.I. Lê-nin, toàn tập, Nxb Tiến bộ, M.1978, t 43 tr.400
 (9) V.I.Lênin, toàn tập, Nxb tiến bộ, M.1978, t.43, tr.254, 255
(10) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển
        năm 2011)
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng TW Đảng, HN-2016,
         tr.102,103
         (12) Dự thảo Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, ĐCSVN, tháng 02-2020, tr.49
 
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa
Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8284181

Đang Online : 2251