Nghiên cứu - Trao đổi

Tư tưởng chỉ đạo của Đảng “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” - Nhân tố quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975

Ngày Đăng: 30/4/2020 16:50 Lượt xem: 1278

          Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta. Đất nước hoàn toàn được giải phóng, non sông thu về một mối. Chiến thắng đó là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ của cả dân tộc trong đó khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng. Với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” đã góp phần quan trọng đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
          Đầu năm 1975, tình hình chiến trường miền Nam đang chuyển biến mau lẹ, cục diện chiến trường ngày càng có lợi cho ta. Cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đang tiến dần đến giai đoạn kết thúc. Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ "một ngày bằng hai mươi năm". Trước tình hình đó, ngày 01/4/1975 Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động "thần tốc, táo bạo, bất ngờ". Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp. Tập trung lực lượng lớn hơn nữa và những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc
[1] Ngày 04/4/1975, Quân ủy Trung ương có Công điện “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” gửi các quân đoàn chủ lực; tiếp đó, ngày 07/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương đã điện gửi các cánh quân: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút. Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng” [2].
dxi3_7-1.jpg
Bức điện mật của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ huy cuộc Tổng tiến công thần tốc.
        Tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” là sự chỉ đạo đúng đắn, tài tình và kịp thời của Bộ Chính trị, thể hiện trí tuệ, tài thao lược, sự linh hoạt, sáng tạo của Đảng ta trong cuộc tổng tiến công để giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp thảo luận kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, tháng 10/1974.
 
          Tư tưởng chỉ đạo đó dựa trên cơ sở phân tích đúng, đánh giá sát tình hình cách mạng miền Nam. Đảng ta đã đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa ta và địch, nhìn thấy thế và lực của quân ta đồng thời thấy được sự suy yếu, sắp diệt vọng của ngụy quân, ngụy quyền. Ngay từ Hội nghị Bộ Chính trị (họp từ ngày 30/9 đến ngày 07/10/1974) để bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam Đảng ta đã nhận định: về tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường, cách mạng đang ở thế thắng, thế chủ động và tiến lên; trái lại địch chịu nhiều thất bại liên tiếp nên đang ở thế thua, thế bị động và xuống dốc. Mỹ đã rút ra, đang gặp nhiều khó khăn, nên không có khả năng quay trở lại (can thiệp trực tiếp bằng quân sự); dù cho Mỹ có can thiệp trở lại bằng quân sự trong chừng mực nào đó thì cũng không xoay chuyển được tình thế, không cứu vãn được sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn. Đó là những nhận định quan trọng để Đảng ta quyết tâm huy động toàn lực giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất.
          Thần tốc, táo bạo, bất ngờ là sự sáng tạo trong nghệ thuật chớp thời cơ của Đảng. Khi thời cơ xuất hiện cần phải nắm bắt kịp thời để đưa ra quyết định giải phóng miền Nam. Từ ngày 18/12/1974 đến ngày 08/01/1975 hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp đã phân tích, làm rõ thêm so sánh lực lượng giữa ta và địch... Giữa lúc hội nghị đang diễn ra thì nhận được tin Quân giải phóng miền Nam đã giành thắng lợi vang dội trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long (từ ngày 13/12/1974 đến ngày 06/01/1975). Ta loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch; phá hủy, thu giữ nhiều loại vũ khí, đạn dược (trong đó có gần 10.000 viên đạn pháo); giải phóng toàn tỉnh Phước Long, tạo thêm bàn đạp uy hiếp từ phía bắc Sài Gòn. Cả Mỹ và chính quyền Sài Gòn đều phản ứng yếu ớt rồi chấp nhận thất bại. Chiến thắng Phước Long có giá trị như “đòn trinh sát chiến lược”, cho thấy rõ hơn khả năng Mỹ sẽ không can thiệp trở lại bằng quân sự; đồng thời bộc lộ trình độ tác chiến yếu kém của chủ lực quân đội Sài Gòn, ta có thể giành thắng lợi sớm hơn. Từ đó Bộ Chính trị khẳng định: “Thời cơ chiến lược của ta đang phát triển nhanh chóng đến độ chín muồi”. Trên cơ sở nhận diện đúng thời cơ, Bộ Chính trị đề ra quyết tâm: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ ngụy, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền ở Trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà”
[3]. Ngày 25/3/1975, khi chiến trường miền Nam đang diễn biến có lợi cho ta, đây là thời điểm khẩn trương và quyết định, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã họp bàn khẳng định: “Cuộc tổng tiến công chiến lược của ta đã bắt đầu với chiến dịch Tây Nguyên. Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam”, từ đó đề ra chủ trương: tập trung nhanh nhất binh lực, vật lực giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Với tinh thần "một ngày bằng hai mươi năm", tận dụng tối đa lợi thế trên chiến trường, tập trung lực lượng táo bạo, bất ngờ, tiến công nhanh chóng khiến địch không kịp trở tay; mặt khác, không chủ quan, khinh địch, nhanh chóng nhưng phải bảo đảm chắc thắng.
          Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Đảng, quân đội ta với một lực lượng quân sự lớn mạnh chưa từng có, 5 quân đoàn tinh nhuệ cùng các lực lượng vũ trang nhân dân đã tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh còn có hàng chục sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn thuộc các quân và binh chủng với nhiều vũ khí và phương tiện kỹ thuật hiện đại. Ta đã sử dụng khoảng 400 xe tăng và xe bọc thép, hơn hai chục trung đoàn, lữ đoàn, tiểu đoàn pháo binh, tên lửa và cả lực lượng không quân tham gia chiến đấu. Quân đội ta khi giải phóng Sài Gòn đã thực hiện thế trận tiến công toàn diện, trên nhiều mũi, nhiều hướng; thực hiện bao vây, chia cắt, sử dụng lực lượng tinh nhuệ đánh thọc sâu nhanh chóng và mãnh liệt, tạo nên thế áp đảo; vừa tiêu diệt, làm tan rã, vừa bịt đường tháo chạy của địch. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc nhanh chóng và giành thắng lợi hoàn toàn trong vòng năm ngày (từ ngày 26/4 đến ngày 30/4/1975).
          Chiến thắng ngày 30/4/1975 thể hiện nghệ thuật chỉ đạo kết thúc chiến tranh tài tình, sáng tạo của Đảng; là sự nỗ lực phi thường, tinh thần chiến đấu hi sinh của quân và dân cả nước. Đó là sự nối tiếp của những chiến công hiển hách từ Cách Mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước được hoàn toàn giải phóng. Một lần nữa lại chứng minh sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi.
          Phát huy tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chúng ta phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, khẳng định và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng nước Việt Nam hùng cường. Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế chúng ta phải có khát vọng phát triển, biết phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, kịp thời nắm bắt thời cơ, nâng cao vị thế quốc tế để nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.
          45 năm đã đi qua Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn còn nguyên giá trị, mãi là nguồn cổ vũ động viên để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nỗ lực phấn đấu xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội./.
Thạc sĩ Bùi Hữu Thêm
Trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học
 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.36, tr.95
[2] Hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa Xuân Đại thắng” của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Nxb QĐND, H, 2006.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.36, tr.85

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8007794

Đang Online : 683