Nghiên cứu - Trao đổi

Đóng góp của hậu phương Tuyên Quang trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ- 1954

Ngày Đăng: 7/5/2020 14:38 Lượt xem: 465

          Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng tháng Tám; giải phóng miền Bắc, tạo cơ sở vững chắc để tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi Điện Biên Phủ lẫy lừng là sự tổng hợp của hàng loạt các yếu tố (sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết của toàn dân, sự giúp đỡ của nhân dân thế giới…) và sức mạnh của toàn dân tộc, đặc biệt là sự đóng góp của nhân tố hậu phương kháng chiến. Trong đó hậu phương Tuyên Quang có vai trò hết sức quan trọng.
          Tỉnh Tuyên Quang là vùng đất trọng yếu, “phên dậu” của Tổ quốc, căn cứ địa cách mạng, giữ vị trí hết sức quan trọng trong tuyến hành lang bảo vệ căn cứ hậu phương kháng chiến của cả nước, cầu nối giữa căn cứ địa Việt Bắc với chiến trường Tây Bắc. Mảnh đất Tuyên Quang giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, nhân dân có lòng yêu nước nồng nàn, được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm Thủ đô kháng chiến, hậu phương vững chắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
 
Dân công tải gạo ra chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
 
          Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang "Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc", hăng hái khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tích cực ủng hộ kháng chiến góp quỹ nuôi quân, lo gạo kháng chiến. Vừa có vai trò là hậu phương trực tiếp chi viện cho tiền tuyền, vừa là điểm trung gian nối hậu phương đồng bằng với tiền tuyến, được coi là một điểm “tựa lưng” vững chắc cho tiền tuyến, đảm bảo cho thắng lợi của tiền tuyến. Trong các chiến dịch lớn, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, Tuyên Quang là một trong những tỉnh miền núi đóng góp nhiều nhất về sức người, sức của.
          Đầu năm 1953, Tỉnh ủy Tuyên Quang quyết định thành lập Hội đồng cung cấp tiền phương của tỉnh. Hưởng ứng tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến chiến thắng”, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã dồn hết sức lực, tình cảm của mình cho mặt trận.
          Trong suốt cuộc kháng chiến, Tuyên Quang đã huy động được 6.519.000 ngày công phục vụ cho các chiến dịch và kiến thiết cầu, đường, phà. Riêng năm 1954, toàn tỉnh đã huy động 56.196 lượt người (chiếm 43% dân số) đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Quân dân Tuyên Quang đã sửa chữa 168 km đường giao thông quốc lộ 2, quốc lộ 13A, phà Bình Ca, phà Hiên... bảo đảm cho 4.734 lượt xe vận tải lên chiến trường an toàn; cung cấp 6.486.955 kg gạo, 52.770 kg thịt trâu, 914 kg thịt bò, 41.675 kg thịt lợn, 10.890 kg lạc, 11.282 kg đỗ xanh, hàng trăm tấn rau xanh và 1.881.322 kg gạo cho các chiến dịch làm cầu đường; làm tốt công tác hậu phương quân đội thông qua việc thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước như: Đón 44 thương binh về làng; xây dựng 6 trại điều dưỡng cho 500 thương binh, bệnh binh; tổ chức viết thư thăm hỏi, động viên chiến sỹ thi đua giết giặc lập công[1]...Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang, là vùng căn cứ địa vững chắc của Trung ương trong suốt cuộc kháng chiến.
          Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Tuyên Quang có trên 10.000 người tham gia bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, có 365 liệt sỹ, 322 thương binh, góp phần cùng quân và nhân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
         Ghi nhận công lao và thành tích đóng góp đó, Đảng và Nhà nước đã tặng 14 Huân chương Chiến công cho 3 tập thể và 11 cá nhân; 475 Huy chương; 770 Bằng khen cho các gia đình có công; 788 Huân chương Kháng chiến; 4.104 Huy chương Kháng chiến; 80 Bảng vàng danh dự.
          Cuộc kháng chiến chống Pháp sau 9 năm cuối cùng đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là thắng lợi có ý nghĩa hết sức to lớn. Cùng với các tỉnh trong Liên khu Việt Bắc, Tuyên Quang đã xây dựng và bảo vệ an toàn cho hậu phương, căn cứ địa kháng chiến, đảm bảo đầy đủ nhân tài, vật lực, chi viện cho chiến trường, đảm bảo cho sự thắng lợi của các chiến dịch, trong đó nổi bật và tiêu biểu là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
         Trong 9 năm chống Pháp, Tuyên Quang là Thủ đô kháng chiến, nhân dân Tuyên Quang với tinh thần yêu nước đã không quản hi sinh hết lòng ủng hộ cách mạng. Anh hùng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, nay hòa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Tuyên Quang đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy truyền thống của địa phương, tích cực xây dựng quê hương Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
 
Thạc sĩ Phùng Thị Hà
Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng
 
 

[1] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (2000), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940 – 1975). Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, Tr.182-183
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7982152

Đang Online : 852