Nghiên cứu - Trao đổi

Thực hiện Luật Lâm nghiệp ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang

Ngày Đăng: 22/5/2020 16:21 Lượt xem: 382

          Luật Lâm nghiệp được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 15/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, thay thế  Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004. Luật Lâm nghiệp năm 2017 có 12 chương với 108 điều, quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.
          Là huyện miền núi nằm ở phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang, huyện Na Hang có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất tỉnh với 79% . Tổng diện tích đất tự nhiên là hơn 86.353 ha, trong đó đất rừng phòng hộ 24.106 ha; rừng đặc dụng 23.151 ha; rừng sản xuất 28.141 ha là địa phương có hệ thống thảm thực vật phát triển phong phú, với khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang được phê duyệt thành lập tại Quyết định số 274/UB-QĐ ngày 09/5/1994 của UBND tỉnh Tuyên Quang có diện tích hơn 22.400 ha nằm trên địa bàn 4 xã Khâu Tinh, Côn Lôn, Sơn Phú, Thanh Tương và còn khoảng 68% diện tích là rừng ẩm nhiệt đới ở tình trạng nguyên sinh hoặc ít bị tác động bởi con người. Trong đó, có khoảng 70% là rừng trên núi đá vôi. Hệ động vật trong khu bảo tồn có độ đa dạng sinh học cao, đã ghi nhận được 90 loài thú, 263 loài chim, 61 loài bò sát, 35 loài lưỡng cư. Có 13 loài thú trong Sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt đây là nơi duy nhất ở Việt Nam có loài Voọc mũi hếch sinh sống với quần thể lớn nhất.
          Trong những năm qua chính quyền huyện Na Hang luôn quan tâm đến hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, huyện đã chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật có liên quan đến hoạt động lâm nghiệp như: luật về bảo vệ và phát triển rừng,  các quy định về quản lý rừng bền vững … trong đó tập trung giới thiệu các nội dung của Luật Lâm nghiệp năm 2017 cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên toàn huyện. Năm 2019 huyện đã triển khai được 105 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, Luật Lâm nghiệp với 5.077 lượt người tham gia; tổ chức 12 hội nghị về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại các xã, thị trấn trên địa bàn.
          Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đặc biệt là ý thức, trách nhiệm về bảo vệ và phát triển rừng, do đó trên địa bàn huyện không xảy ra việc đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm, sử dụng sai mục đích; ký cam kết bảo vệ rừng giữa 12 Chủ tịch xã với Chủ tịch huyện, 114 trưởng thôn, bản, tổ trưởng tổ nhân dân với Chủ tịch xã, 1.762 hộ gia đình với trưởng thôn, tổ trưởng nhân dân; công tác trồng rừng theo Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao đến năm 2021 đã đạt được 8,1 ha tại 02 xã Khâu Tinh và Sơn Phú; việc giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cá nhân đối với diện tích rừng trồng phòng hộ theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/09/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 đạt diện tích 900,63 ha/8 xã với tổng số tiền 386,59 triệu đồng; thực hiện khai thác rừng trồng theo đúng quy định của pháp luật, khai thác gỗ được 412,6 ha, sản lượng 33.203,4 m3/33.000,0 m3 đạt 100,62% kế hoạch; khai thác tre, nứa được 2.300 tấn/2.000 tấn, bằng 115,0% kế hoạch. Trồng mới 495,8 ha/460,0 ha đạt 107,8% kế hoạch; giao rừng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước sau điều chỉnh quy hoạch phân 3 loại rừng của 04 xã Yên Hoa, Thượng Nông, Sơn Phú và Năng Khả theo kế hoạch với tổng diện tích 198,89 ha/4 xã/45 hộ gia đình. Bên cạnh đó các dự án, hoạt động bảo tồn, nghiên cứu các loài động, thực vật rừng quý hiếm, các cơ sở nuôi, nhốt động vật rừng trên địa bàn, đảm bảo đủ điều kiện, an toàn, chấp hành đúng quy định của pháp luật.
          Song song với hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp, chính quyền huyện và lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Luật Lâm nghiệp trên địa bàn, hướng dẫn các xã, thị trấn chấp hành tốt quy định của Luật Lâm nghiệp về khai thác, chế biến, tiêu thụ, vận chuyển lâm sản.  
          Với việc triển khai, đưa các quy định của pháp luật về rừng đặc biệt là Luật Lâm nghiệp vào cuộc sống đã tạo thuận lợi cho lực lượng Kiểm lâm nắm bắt thông tin, chủ động trong đấu tranh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, do vậy số vụ vi phạm trong năm đã giảm cả về số lượng và tính chất, quy mô. Năm 2019 đã tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng phát hiện và xử lý 118 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp chủ yếu là các hành vi khai thác, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái pháp luật và vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản, giảm 24 vụ so với năm 2018, thu nộp ngân sách nhà nước: 264.487.128 đồng.
          Mặc dù hiện nay huyện Na Hang vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện Luật Lâm nghiệp như: rừng tự nhiên do chính quyền cấp xã quản lý còn nhiều loại lâm sản quý hiếm là đối tượng bị xâm hại cao nhất, chủ yếu tập trung ở khu vực giáp ranh với huyện, tỉnh bạn, người dân sống gần rừng có hoàn cảnh khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, quỹ đất để canh tác còn ít trong khi nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng; cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện Luật Lâm nghiệp đối với lực lượng chức năng  còn thiếu thốn ...phát huy những kết quả đạt được trong việc thực hiện Luật Lâm nghiệp, trong thời gian tới chính quyền huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền những điểm mới của Luật Lâm nghiệp và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật đến toàn thể nhân dân và học sinh trên địa bàn; vận động nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tiếp tục nhân rộng những hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ và phát triển rừng.
          Với những việc làm thiết thực trong thời gian tới, chính quyền huyện Na Hang sẽ đảm bảo việc bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương.
 
Thạc sĩ Vi Thị Thu Hiền
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7995136

Đang Online : 80