Nghiên cứu - Trao đổi

Nguyễn Hữu Thọ - Một trí thức yêu nước tiêu biểu, một nhà hoạt động cách mạng kiên trung đã cống hiến trọn đời cho Tổ quốc và Cách mạng

Ngày Đăng: 10/7/2020 8:39 Lượt xem: 381

          Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (Bí danh Ba Nghĩa), sinh ngày 10/7/1910 tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn cũ (nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Ông sinh ra trong một gia đình công chức thuộc tầng lớp trung lưu của xã hội đương thời. Truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương đã nuôi dưỡng người thanh niên trí thức vùng sông nước Vàm Cỏ hoài bão giúp dân, giúp nước đấu tranh giải phóng dân tộc, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân vì mục tiêu độc lập, thống nhất và xây dựng đất nước.
          Với hơn 80 năm tuổi đời, gần 50 năm hoạt động cách mạng, 47 năm tuổi Đảng, 34 năm giữ nhiều trọng trách của cách mạng miền Nam và cả nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã cống hiến trọn đời cho dân tộc, thể hiện rõ vai trò của một đảng viên, cán bộ cách mạng xuất sắc trên nhiều lĩnh vực cụ thể như sau:
          Một trí thức yêu nước tài năng, một luật gia luôn bảo vệ quyền lợi của nhân dân
          Nguyễn Hữu Thọ được đào tạo ở Pháp từ năm 11 tuổi (năm 1921), bằng trí thông minh và chăm chỉ Nguyễn Hữu Thọ đã đạt những thành tích xuất sắc trong học tập, tốt nghiệp cử nhân luật, trở thành một luật sư danh tiếng. Từ đây, người thanh niên họ Nguyễn dễ dàng có việc làm, trở thành một công chức trong bộ máy chính trị của Pháp, nhưng ông đã lựa chọn con đường trở về quê hương năm 1933 để bảo vệ, xây dựng và phụng sự Tổ quốc; tham gia vào con đường cứu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo với ý thức trách nhiệm của một trí thức lớn trước sự tồn vong của dân tộc: "Quốc gia hưng vong, sỹ phu hữu trách".
          Sau 5 năm tập sự hành nghề luật sư, năm 1939, Nguyễn Hữu Thọ đã thi đỗ kỳ sát hạch của Luật sư Đoàn và trở thành luật sự thực thụ. Với kiến thức luật học uyên bác, người luật sư trẻ luôn đứng về phía quần chúng, bênh vực lẽ phải, nhiều vụ ông đứng ra bảo vệ cho những người nghèo khổ, yêu nước bị thực dân Pháp kết án mà không nhận tiền. Từ đó, ông được nhân dân tín nhiệm, đồng sự mến phục, khi 30 tuổi ông đã trở thành vị luật sư danh tiếng khắp miền Nam. Dựa trên nền tảng tri thức về pháp luật được đào tạo bài bản, luật sư Nguyễn Hữu Thọ tích cực tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào; tố cáo tội ác, những vi phạm về quyền tự do dân chủ đối với nhân dân Việt Nam trong suốt quá trình thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thực hiện kế hoạch chiến tranh ở nước ta.
          Thời kỳ đất nước hòa bình, thống nhất, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân chủ, thực hiện dân chủ và xây dựng pháp luật. Những năm 1980- 1981, ông đã đề cập đến vấn đề soạn thảo và ban hành Bộ luật dân sự vì theo ông đây là bộ luật lớn, quan trọng nhất sau Hiến pháp. Với Bộ luật dân sự, những quy định dân chủ về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân sẽ được thể chế hóa theo cơ chế dân chủ xã hội chủ nghĩa. Là một luật sư danh tiếng, Nguyễn Hữu Thọ khẳng định, nền dân chủ của một đất nước phải gắn với thể chế chính trị, gắn với quyền lợi đất nước, đặc điểm riêng của dân tộc đó. Bằng tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của một trí thức tài năng, ông tham gia nhiều ý kiến mới mẻ trong các hội nghị, rất chú ý lắng nghe các ý kiến, quan điểm khác nhau để trao đổi, thảo luận và ghi nhận những ý kiến hay. Tinh thần hết lòng vì nước vì dân, đến những năm cuối đời, Nguyễn Hữu Thọ vẫn dành tình cảm, tâm trí cho việc thực hiện dân chủ, xây dựng luật pháp và luôn kỳ vọng Quốc hội nước nhà sẽ thực sự giữ vai trò cơ quan quyền lực tối cao.
          Nhà chính trị dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu, bản lĩnh trong lãnh đạo cách mạng
          Tiếp thu truyền thống yêu nước quật cường của dân tộc, đặc biệt là những tấm gương đấu tranh anh dũng ở Nam Bộ như Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân,...Nguyễn Hữu Thọ đã noi gương tham gia đấu tranh cho độc lập dân tộc. Mặc dù từ sớm đã bị ảnh hưởng tư tưởng giáo dục của nước tư bản Pháp, nhưng ông không bao giờ quên lịch sử oai hùng của dân tộc trong đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng đất nước, luôn tự hào về nguồn gốc của mình là con rồng cháu tiên.
          Cuối năm 1940, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra có ảnh hưởng lớn đến Nguyễn Hữu Thọ, những người tham gia khởi nghĩa bị thực dân Pháp bắt bớ, tàn sát, đánh đập dã man. Chứng kiến tội ác của thực dân Pháp đang gây ra trên quên hương mình, ông càng thôi thúc khát vọng đấu tranh, giải phóng dân tộc. Ông tham gia hô hào, vận động quần chúng, đặc biệt là tầng lớp học sinh, sinh viên đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ; tích cực truyền bá chữ quốc ngữ; tham gia phong trào vận động cứu tế nạn đói ở Bắc Kỳ năm 1945.
          Giai đoạn 1946 – 1954, khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ đề nghị ông tận dụng vị trí hợp pháp để hoạt động công khai trong lòng địch. Chấp hành sự phân công, một mặt đồng chí Nguyễn Hữu Thọ tích cực đấu tranh bảo vệ nhiều đồng chí cán bộ trên cương vị là một luật sư, giúp họ thoát khỏi án tử hình, buộc địch không thể đưa ra những mức án bất lợi cho những người yêu nước tham gia kháng chiến; mặt khác ông tham gia hoạt động trong Ban trí vận thuộc Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Để hô hào, vận động trí thức Nam Bộ tham gia cách mạng, tố cáo tội ác thực dân Pháp đang tiến hành ở Việt Nam, ông cùng các đồng chí trong Ban trí vận đã soạn thảo bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn- Chợ Lớn (bằng tiếng Việt và tiếng Pháp), tập hợp chữ ký của hơn 400 nhân sỹ trí thức danh tiếng ở Sài Gòn, gửi tới tận tay Cao ủy Pháp ở Đông Dương (E.Bôla). Đồng thời, bản Tuyên ngôn còn được gửi tới nhiều tờ báo lớn ở Sài Gòn và ở Pháp, vận động cho đăng tải và phát hành rộng rãi, từ đó dấy lên phong trào đấu tranh đòi hòa bình của giới trí thức trong cả nước. Không dừng lại ở đó, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ còn viết một cuốn sách có tựa đề Nam Bộ tự do gửi sang Pháp, giới trí thức Việt kiều đã phát hành rộng rãi. Qua đó, nhân dân thế giới có điều kiện tìm hiểu sự thật về cuộc chiến tranh mà thực dân Pháp đang tiến hành ở Việt Nam; họ đồng cảm, ngưỡng mộ cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta và lên án hành động xâm lược của thực dân Pháp. 
          Từ một trí thức có tinh thần yêu nước, Nguyễn Hữu Thọ đã trở thành một người cộng sản kiên trung, bất chấp mọi nguy hiểm sẵn sàng hy sinh cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong những năm đầu kháng chiến ác liệt, đã có rất nhiều cán bộ của ta mắc bệnh hiểm nghèo được đưa từ chiến khu về nuôi dưỡng tại gia đình của luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Trước sự theo dõi gắt gao của kẻ thù, việc đưa đón vô cùng nguy hiểm nhưng nhiều lần ông trực tiếp đưa đón bác sỹ đến nhà chạy chữa cho các đồng chí, đồng đội. Ngoài ra, Nguyễn Hữu Thọ còn tham gia hoạt động ở nhiều tổ chức khác như Ban vận động cứu trợ giúp đỡ đồng bào, Phái đoàn đại biểu các giới, Phong trào bảo vệ hòa bình... và có ảnh hưởng lớn trong nhân dân. Trở thành đối tượng theo dõi của thực dân Pháp và chính quyền Mỹ- Diệm, ông đã hai lần bị địch quản thúc ở Mường Tè (Lai Châu) năm 1950, xã Hòa Thịnh (thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) năm 1955 trong điều kiện khó khăn. Với tinh thần đấu tranh dũng cảm, được thử thách qua thực tiễn hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã chứng tỏ năng lực tổ chức, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
          Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, đất nước hòa bình, thống nhất. Trước nhiều thời cơ và thách thức mới của dân tộc, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước Tổ quốc và nhân dân, ông đã cùng với Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đồng chí Trường Chinh) tổ chức xây dựng dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Trong các cuộc họp của Ban dự thảo Hiến pháp, ông có nhiều ý kiến thiết thực góp phần hoàn thiện bản Hiếp pháp mới. Năm 1980, bản Hiến pháp mới được thông qua đã thể chế hóa đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước Việt Nam, khẳng định rõ những quyền hạn và nghĩa vụ của công dân Việt Nam thời kỳ đổi mới đất nước.
          Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là ngọn cờ đầu trong tập hợp các lực lượng yêu nước, yêu hòa bình, phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước
          Sau năm 1954, tình hình cách mạng miền Nam biến đổi mau lẹ. Không chịu sự kìm kẹp, đàn áp của chính quyền Mỹ - Diệm nhân dân vùng dậy đấu tranh khắp nơi. Thực hiện chủ trương tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II khẳng định đấu tranh bằng con đường bạo lực cách mạng; nhanh chóng tập hợp rộng rãi các lực lượng yêu nước, tiến bộ trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vì miền Nam độc lập và thống nhất đất nước. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, là người có ảnh hưởng lớn trong phong trào đấu tranh ở miền Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Mặt trận. Tại đây, ông tập hợp đoàn kết đông đảo đồng bào miền Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đảng phái chính trị, giới tính, lứa tuổi... một lòng đấu tranh chống Mỹ. Không những vậy, Nguyễn Hữu Thọ thực hiện tốt công tác binh vận với lực lượng ngụy quân làm tay sai cho Mỹ, hoan nghênh họ tham gia vào Mặt trận Dân tộc giải phóng. Trong suốt chặng đường tham gia kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ trở thành trung tâm đoàn kết của các tầng lớp nhân dân yêu nước ở miền Nam, nhận được sự ủng hộ của nhân dân và các phong trào vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ trên thế giới. Với uy tín và tài năng, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ trở thành biểu tượng sáng ngời của tinh thần đoàn kết, anh dũng của nhân dân miền Nam vì độc lập, thống nhất đất nước.
          Thời kỳ đất nước hòa bình, Nguyễn Hữu Thọ trên những cương vị trọng trách mới do Đảng và Nhà nước giao phó nhưng với tư cách là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông vẫn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đoàn kết toàn dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước.
          Với những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương, huy chương và giải thưởng cao quý khác của các nước bạn bè. Tấm gương đạo đức cao đẹp, cả cuộc đời vì dân vì nước đã được ghi tạc trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế. Nhân dân ta, dân tộc Việt Nam ta mãi và sẽ ghi nhớ về một nhà trí thức yêu nước, một nhà lãnh đạo tài năng đã hiến dâng cả cuộc đời cho Tổ quốc và cách mạng.
 

 
Thạc sĩ Phạm Thị Thu Trang
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7986152

Đang Online : 1579