Nghiên cứu - Trao đổi

Những điểm nổi bật trong chỉ số PCI năm 2019 của tỉnh Tuyên Quang

Ngày Đăng: 17/7/2020 14:18 Lượt xem: 382

          Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)  là thước đo trung thực của các doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền tỉnh. Đây chính là cầu nối phản ánh tiếng nói của doanh nghiệp, tạo ra sự đồng hành giữa chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
          Trên bảng xếp hạng PCI năm 2019, hầu hết tại các tỉnh thành phố trong cả nước, trong đó có tỉnh Tuyên Quang đã có sự cải thiện lớn thông qua điểm chỉ số 10 thành phần và vị trí xếp hạng PCI. Điều này đã phản ánh chất lượng điều hành của chính quyền địa phương trên cả nước. Đối với Tuyên Quang, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã vươn lên từ vị trí thứ 34 năm 2018 lên vị trí 32 trong bảng xếp hạng 2019 với 65,13 điểm và nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có điểm chỉ số trung bình khá của cả nước. Đây là minh chứng rõ nhất cho sự thay đổi trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp trong tỉnh, đồng thời con số này cũng phản ánh tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Trong số 10 chỉ số thành phần, Tuyên Quang có 8 chỉ số tăng điểm so với năm trước như: điểm gia nhập thị trường 8,00 điểm; Tính minh bạch 6,88 điểm; Tính năng động của chính quyền 6,17 điểm; Chi phí không chính thức 6,29 điểm; Chi phí thời gian 6,57 điểm; Thiết chế pháp lý 7,65 điểm; Đào tạo lao động 6,83 điểm; Tiếp cận đất đai 7,08 điểm…Các chỉ số thành phần này cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với những cam kết mà lãnh đạo tỉnh đã và đang làm, để cùng đồng hành với doanh nghiệp.
       Lý do để Tuyên Quang tăng điểm chỉ số gia nhập thị trường; tính minh bạch, tính năng động của chính quyền và chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp là do các sở, ngành và các cấp chính quyền trong tỉnh đã có những thay đổi về lề lối, tác phong làm việc theo hướng tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân, nhất là trong khâu thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính về cấp phép đầu tư, đất đai, tư pháp liên quan đến doanh nghiệp được các sở, ngành thực hiện việc cắt giảm thời gian và niêm yết công khai. Hiện nay, 100% thủ tục hành chính toàn tỉnh đã được cập nhật, đăng tải trên Hệ thống dịch vụ hành chính công – Một cửa điện tử của tỉnh với trên 2.060 dịch vụ công trực tuyến mức độ từ 1 đến 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó có trên 1330 dịch vụ công mức độ 1; 2.683 dịch vụ công mức độ 3 và 54 dịch vụ công mức độ 4. Việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí.
        Từ năm 2017, Tuyên Quang đã thực hiện ký thỏa thuận hợp tác về triển khai dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích với Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam và giao cho Bưu điện tỉnh thực hiện ký thỏa thuận hợp tác với các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố. Năm 2019, tỉnh đã thực hiện thí điểm chuyển trụ sở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện sang trụ sở của bưu điện tại các huyện Hàm Yên, Sơn Dương và Na Hang. Nhờ tăng cường các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích mà các dịch vụ hành chính công được thực hiện kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Điều này đã cho thấy những hữu ích của dịch vụ này và doanh nghiệp đã có những đánh giá tích cực hơn về môi trường kinh doanh tại Tuyên Quang.
        Trong 8 chỉ số thành phần của Tuyên Quang tăng điểm thì chỉ số đào tạo lao động đạt 6,83 điểm. Đây cũng là chỉ số tăng điểm đều trong nhiều năm và việc lao động có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu thị trường chính là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, Tuyên Quang đang có một mạng lưới cơ sở đào tạo nghề phát triển rộng khắp ở các huyện, thành phố. Năm 2019, toàn tỉnh có gần 9.600 người được đào tạo nghề, đạt gần 120% kế hoạch đề ra. 
Với mong muốn và luôn hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, đưa kinh tế của tỉnh tăng trưởng mạnh mẽ. Tuyên Quang đã nỗ lực để cải cách môi trường kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chương trình cà phê doanh nhân, đối thoại với doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên chính là cầu nối giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư với lãnh đạo tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh. Những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính; vay vốn ngân hàng; lĩnh vực thuế; giao thông vận tải; tài nguyên môi trường; vùng nguyên liệu và xây dựng cơ bản đã được đưa ra và các ngành tháo gỡ kịp thời.
          Là một trong những tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Tuyên Quang đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư có tiềm lực trong nước và nước ngoài bởi sự nhiệt tình, cởi mở và hơn hết là tiềm năng mà nhà đầu tư thực sự nhìn thấy ở Tuyên Quang. Để thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính được coi là kim chỉ nam cho hành động được Tuyên Quang quyết liệt thực hiện trong suốt nhiều năm qua. Tỉnh đã rà soát, điều chỉnh nhiều cơ chế chính sách theo hướng tạo thuận lợi nhất cho người dân và hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển. Các sở, ban ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PCI của địa phương. Ngoài ra, tỉnh còn tập trung rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; tăng cường phối hợp, rút ngắn tối đa thời gian xử lý hồ sơ, giấy tờ; nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng lực thực thi công vụ. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.
        Với những giải pháp đồng bộ và sự quyết tâm của các cấp, các ngành đã đưa môi trường đầu tư tại Tuyên Quang ngày càng hấp dẫn và niềm tin của các doanh nghiệp cũng nâng lên. Từ một tỉnh đứng ở vị trí 63 trên bảng xếp hạng PCI năm 2013 với 48,98 điểm, Tuyên Quang vươn lên đứng thứ 32 trong bảng xếp hạng năm 2019 với 65,13 điểm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có những chuyển biến tích cực đã tạo đà đưa kinh tế xã hội của tỉnh phát triển, với việc hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI đề ra, đến nay, Tuyên Quang cơ bản đã đạt được mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
          Nhìn lại chỉ số PCI năm 2019, có thể thấy được quyết tâm vươn lên của Tuyên Quang, với việc cam kết và nỗ lực xây dựng một chính quyền liêm chính, kiến tạo đồng hành cùng doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh và tiếp tục triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thông qua chương trình Cà phê doanh nhân, khảo sát PCI để lắng nghe những chia sẻ của doanh nghiệp, dần từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách phù hợp, tạo môi trường để thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển./. 
Thạc sĩ Đỗ Thu Hương
Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7984391

Đang Online : 100