Nghiên cứu - Trao đổi

Một số kết quả thực hiện chính sách văn hóa đối với đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang

Ngày Đăng: 23/7/2020 15:29 Lượt xem: 430

          Tuyên Quang là tỉnh miền núi với 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 56,7% dân số toàn tỉnh. Thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 22/4/2003 về việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát sao, toàn diện về công tác dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, kịp thời ban hành các Nghị quyết, kế hoạch, đề án nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Đề ra mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội và thực hiện chính sách dân tộc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc; đảm bảo quốc phòng - an ninh; nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhằm thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.
          Thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách văn hóa đối với dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả quan trọng, đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng cao, diện mạo vùng dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi.
           Về giáo dục và đào tạo đối với  dân tộc thiểu số
          Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, trong những năm gần đây giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện việc đổi mới công tác dạy và học ở các cấp học, bậc học, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, hỗ trợ, ưu tiên của Nhà nước về giáo dục và đào tạo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện chính sách cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số vào các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống  giáo dục quốc dân.
          Mạng lưới, quy mô trường lớp được củng cố, phát triển đáp ứng được nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học. Thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú theo Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2014-2019 đã đầu tư xây mới: 879 phòng học kiên cố tại các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh, xây dựng mới và mua sắm trang thiết bị cho 04 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS tại các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương.
           Thực hiện đầy đủ chế độ đối với học sinh dân tộc thiểu số theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 liên Bộ Tài chính – Giáo dục và Đào tạo, tổng số lượt học sinh được hỗ trợ là 14.460 em. Đồng thời, UBND Tỉnh đã ban hành cơ chế để thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 về hỗ trợ gạo, tiền ăn, tiền ở và hỗ trợ chi phí học tập, đảm bảo 100% học sinh dân tộc thiểu số được hưởng các chế độ hỗ trợ của Chính phủ. Từ đó, sĩ số chuyên cần được đảm bảo, chất lượng dạy và học được nâng cao, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
          Về thông tin tuyên truyền bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số
          UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa - thông tin ở cơ sở như: trạm truyền thanh cơ sở, đội tuyên truyền lưu động cấp huyện; hệ thống nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn  phù hợp với điều kiện từng địa phương. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, ngoài các Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và huyện, thành phố, toàn tỉnh tiếp tục duy trì 134 trạm truyền thanh cơ sở ở các xã. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh đạt trên 95%; Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tăng thời lượng phát sóng chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc thiểu số, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nghe, xem của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Chất lượng các chương trình tuyên truyền về công tác dân tộc, chính sách dân tộc ngày được nâng lên, qua đó góp phần tuyên truyền sâu rộng trong đồng bào dân tộc thiểu số các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Báo Tuyên Quang đã mở mới các chuyên mục tuyên truyền về công tác dân tộc, các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số như chuyên mục “Giảm nghèo bền vững”; chuyên mục “Mô hình tốt – Cách làm hay”, “Thông tin pháp luật”. Bình quân mỗi năm Báo đăng trên 400 tin, bài, ảnh tuyên truyền về công tác dân tộc.
          Thực hiện nghiêm túc chính sách cấp không thu tiền một số loại báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 2472/QĐ-TTg ngày  28/12/2011, Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 19/4/2016 và Quyết định số 59/QĐ-TTg, ngày 16/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ,  duy trì cấp phát 18 loại báo, tạp chí cho đối tượng được thụ hưởng.
          Bên cạnh công tác thông tin – truyền thông được đảm bảo về nội dung và chất lượng, việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt chú trọng. Di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang hết sức phong phú, đa dạng về cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa; phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh như: lễ hội Lồng tông, hát Then của dân tộc Tày; hát Páo dung, lễ cấp sắc của dân tộc Dao... Đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã tham gia tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống: duy trì trên 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc; 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính của dân tộc Tày; 06 câu lạc bộ hát Páo dung của dân tộc Dao; 13 câu lạc bộ hát Sình ca của dân tộc Sán Chay; hoàn thành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của 16 dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt UBND tỉnh đã trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia 09 hồ sơ di sản phi vật thể, đã có 07 hồ sơ được công nhận: lễ hội Lồng tông, hát Then của dân tộc Tày; hát Páo dung, lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; kéo co truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tuyên Quang; hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu; hát Sình ca của dân tộc Sán Chay. Đặc biệt di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái” đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 
          Với kết quả trên phần nào đã khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số: chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên; hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú phát triển, đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh dân tộc thiểu số đến trường học tập trong môi trường tốt hơn. Bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông, phát thanh truyền hình từng bước được nâng lên, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Qua đó cho thấy đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa đã thực sự đi vào cuộc sống.
Để củng cố và phát huy những kết quả đã đạt được, thiết nghĩ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
           Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số về mục tiêu, nội dung của Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013, Hội nghị lần thứ tám Ban Châp hành Trung ương khóa XI, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xă hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nhằm tạo sự đồng thuận cao và huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công cuộc đổi mới và phát triển giáo dục. Đồng thời tuyên truyền vận động đồng bào nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
           Thứ hai, việc đổi mới phương pháp dạy học phải vận dụng sáng tạo, phù hợp với đối tượng, vùng miền, đảm bảo có hiệu quả,  không  áp đặt một cách máy móc. Mỗi nhà trường có một đặc điểm khác nhau, điều kiện vật chất và phi vật chất cũng khác nhau nên phải xác định được những vấn đề cụ thể của nhà trường đang đối mặt, phải tự đánh giá được thực trạng và xác định đúng trường mình đang đứng ở vị trí nào trong quá trình phát triển, nhận diện chính xác vấn đề cần thay đổi để đưa ra một lộ trình đổi mới xác đáng. Các biện pháp chỉ thật sự phát huy tác dụng khi nó được vận dụng một cách linh hoạt, tùy theo điều kiện thực tế của từng trường để lựa chọn ưu tiên và xây dựng lộ trình phù hợp và khả thi, vừa đảm bảo tính hệ thống, vừa đảm bảo tính thực tiễn.
           Thứ ba, cấp có thẩm quyền cần tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền thông cho đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm nên tổ chức cuộc họp các trưởng thôn, các cộng tác viên truyền thông để tổng kết, rút kinh nghiệm, đồng thời tập huấn, hướng dẫn kỹ năng truyền thông, thuyết trình. Mỗi thôn, bản phải có từ 01 đến 02 người là hạt nhân truyền thông, là người hiểu biết, thông thạo tiếng phổ thông và tiếng dân tộc để phổ biến, kịp thời giải thích cho cộng đồng chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Hằng tháng, quý gửi cho họ tài liệu cần tuyên truyền, để họ thường xuyên cập nhật thông tin, có điều kiện nghiên cứu, kịp thời phổ biến, giải thích bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số cho cộng đồng.
          Thứ tư, để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Pà Thẻn, các cơ quan chức năng cần triển khai các đề tài khoa học liên quan đến việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đồng thời cần quan tâm chế độ, chính sách, kịp thời biểu dương, khen thưởng, khuyến khích các hạt nhân văn nghệ có nhiều công lao, đóng góp tích cực trong việc truyền dạy văn hóa dân tộc, tổ chức phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở, nhằm ghi nhận và huy động những đóng góp tích cực của các nghệ nhân dân gian trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
            Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa đối với đồng bào dân tộc thiểu số góp phần tạo nên tính bền vững của các giá trị văn hóa, tạo nên bản sắc riêng cho mỗi dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần, tạo sự đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
 
Thạc sĩ Phạm Thị Hoa
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng


 
(Nguồn số liệu: Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số  tỉnh Tuyên Quang lần thứ III năm 2019)

 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8006677

Đang Online : 2001