Nghiên cứu - Trao đổi

Phát triển lâm nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến lâm sản ở Tuyên Quang

Ngày Đăng: 7/8/2020 13:43 Lượt xem: 437

          Là một trong 03 tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích che phủ rừng với gần 65%. Tuyên Quang có thế mạnh lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Với diện tích 422.472 ha rừng, trong đó có 280.018,14 ha rừng sản xuất, chiếm trên 60% diện tích đất lâm nghiệp. Đây là điều kiện tốt để Tuyên Quang thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển lĩnh vực chế biến nông lâm sản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.
          Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 17 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống, mỗi năm sản xuất trên 19 triệu cây giống đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ công tác trồng rừng của tỉnh. Việc hình thành các cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống vừa để đáp ứng nhu cầu về giống cây lâm nghiệp cho người dân, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động, người dân trong tỉnh. Với diện tích 422,72 ha rừng, trong đó có 280.018,14 ha rừng sản xuất, mỗi năm sản lượng khai thác đạt 800 nghìn mét khối gỗ/năm. Tuyên Quang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông lâm nghiệp. Tập đoàn Geleximco là tập đoàn lớn đầu tiên đã quyết định đầu tư, xây dựng Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa tại Khu công nghiệp Long Bình An. Hiện nay, 2 dây chuyền sản xuất, gồm dây chuyền sản xuất bột giấy có công suất 130.000 tấn/năm và dây chuyền sản xuất giấy tráng phấn cao cấp có công suất 140.000 tấn/năm đang hoạt động ổn định, tạo việc làm cho gần một nghìn lao động địa phương. Nhờ có sự quan tâm, chú trọng công tác trồng và bảo vệ rừng của tỉnh mà Công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, đáp ứng được yêu cầu nâng cao công suất hoạt động. Mỗi năm, Công ty CP Giấy An Hòa sản xuất 140.000 tấn bột giấy và 110.000 tấn sản phẩm giấy, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 5 nghìn USD, riêng năm 2018 doanh thu đạt  3.000 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 170 tỷ đồng, đảm bảo thu nhập bình quân cho người lao động đạt 7 triệu đồng/người/tháng. Ngành công nghiệp sản xuất giấy đã đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trên dưới 1000 tỷ đồng/năm, đưa tốc độ tăng trưởng công nghiệp của tỉnh tăng bình quân 12%/năm.
          Không chỉ thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, Tuyên Quang còn khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực chế biến lâm sản. Công ty TNHH MTV thương mại An Dương là một trong số doanh nghiệp mới thành lập, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ ghép thanh xuất khẩu. Nhận thấy tiềm năng về lâm nghiệp của tỉnh, doanh nghiệp này đã mạnh dạn đầu tư trên 20 tỷ đồng để mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất sản phẩm gỗ ghép thanh xuất khẩu. Đây là dây chuyền sản xuất sản phẩm gỗ ghép thanh xuất khẩu ứng dụng trong sản xuất nội thất, ván sàn ô tô đầu tiên tại Tuyên Quang với công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Việc xây dựng nhà xưởng sản xuất gỗ ghép thanh xuất khẩu phù hợp với chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp, sản xuất sản phẩm mới từ gỗ rừng trồng. Hiện dây chuyền đang duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo việc làm cho 130 lao động với mức thu nhập ổn định từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2019, tổng doanh thu của đơn vị đạt trên 40 tỷ đồng, chủ yếu từ xuất khẩu sản phẩm ván sàn và ván ghép thanh. Kết quả này đã khẳng định một hướng đi đúng của doanh nghiệp, từ đó đã khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.
          Với phương châm phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng đa mục tiêu, hiệu quả và bền vững, tỉnh Tuyên Quang đã quy hoạch vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến trên địa bàn toàn tỉnh với tổng diện tích gần 210.000 ha. Trong đó, vùng nguyên liệu quy hoạch cho Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa là hơn 163.000 ha; vùng nguyên liệu quy hoạch cho Nhà máy giấy Bãi Bằng hơn 8.000 ha; còn lại là vùng nguyên liệu quy hoạch cho các cơ sở chế biến gỗ khác… Có vùng nguyên liệu, dây chuyền sản xuất giấy và bột giấy của Nhà máy được duy trì ổn định. Trong 10 năm gần đây, hoạt động chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh đã tăng đáng kể, toàn tỉnh hiện có 382 cơ sở chế biến thương mại lâm sản, trong đó có 78 doanh nghiệp, 16 hợp tác xã, còn lại là các cơ sở chế biến. Doanh nghiệp, HTX và cơ sở chế biến lâm sản trong tỉnh đã đầu tư mua thiết bị, máy móc phát triển ngành nghề, góp phần nâng cao đời sống của người dân và làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn. Việc quy hoạch vùng nguyên liệu bền vững đã thu hút nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào lĩnh vực chế biến lâm sản nhằm, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Năm 2019, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp của Tuyên Quang đạt trên 1.120 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân trong cả giai đoạn là 6,5%. Phát triển chế biến lâm sản đã thúc đẩy hoạt động liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp và người dân, qua đó không chỉ tạo ra vùng nguyên liệu ổn định mà còn tạo ra nguồn gỗ có chất lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp, cơ sở chế biến.
          Cùng với việc đẩy mạnh trồng rừng, trong 5 năm qua, Tuyên Quang còn quan tâm, khuyến khích người dân phát triển rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định chất lượng cao. Cho đến nay, toàn tỉnh có 75% diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC đã làm thay đổi tạo ra vùng nguyên liệu chất lượng cao, hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất và kinh doanh gỗ lớn. Đưa sản phẩm từ gỗ rừng Tuyên Quang chinh phục thị trường các nước Mỹ, Canada, Nga, Nhật Bản và các nước Liên minh Châu Âu (EU)... Rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã tham gia trồng rừng FSC, không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, bảo vệ đất mà còn giúp người dân làm giàu từ rừng.
          Xác định đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp là yếu tố quan trọng thúc đẩy công nghiệp chế biến lâm sản, góp phần tạo việc làm và phát triển kinh tế của địa phương, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển ngành chế biến lâm sản hoạt động ổn định, hiệu quả, Tuyên Quang đang phấn đấu từ nay đến năm 2025, hoàn thành mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành lâm nghiệp đạt trên 4%/năm; năng suất rừng trồng đạt trên 120 m3/ha/chu kỳ. Theo đó, tỉnh tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; các cấp, các ngành tiếp tục tiến hành rà soát tất cả các quy hoạch, chương trình, đề án, cơ chế, chính sách để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với hình thực tiễn, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu và tạo được đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến nông lâm nghiệp, gắn sản xuất với thị trường, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản; chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển lâm nghiệp; khai thác tiềm năng lao động tại chỗ trên địa bàn tại các địa phương tham gia vào phát triển kinh tế lâm nghiệp; đẩy mạnh phát triển diện tích đất trồng cây lâm nghiệp đảm bảo năng suất, chất lượng, giá thành cạnh tranh, mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định và bền vững, đưa Tuyên Quang sớm trở thành “hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước và trung tâm chế biến gỗ của cả vùng”./.
 
Thạc sĩ Đỗ Thu Hương
Hiệu trưởng
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8004712

Đang Online : 34