Nghiên cứu - Trao đổi

Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 – Bước phát triển mới của kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngày Đăng: 16/9/2020 17:2 Lượt xem: 1094

          Cách đây 70 năm, ngày 16/9/1950, quân và dân ta đánh trận Đông Khê mở màn cho chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950. Đây là chiến dịch có ý nghĩa quan trọng, là bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làm thay đổi cục diện chiến trường, quân ta từ thế bị động chuyển sang giành thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ tạo đà cho những chiến thắng liên tiếp đi đến giành thắng lợi cuối cùng.
          Cuối năm 1949 đầu năm 1950, tình hình quốc tế có nhiều thay đổi có lợi cho cách mạng Việt Nam. Liên Xô thành trì vững chắc của phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc thế giới đã có nhiều sự thay đổi trong chính sách đối ngoại, có tác động tích cực đối với cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới. Tháng 10/1949, cuộc cách mạng ở Trung Quốc thành công, nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ngoại giao với các nước xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Tháng 01/1950, nhiều nước xã hội chủ nghĩa lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
          Tình hình trong nước có những thay đổi mang tính quyết định. Từ năm 1947 đến mùa thu năm 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân ta liên tiếp giành được thắng lợi lớn về mọi mặt, tương quan lực lượng trên chiến trường đều có lợi cho phía ta và bất lợi cho phía thực dân Pháp. Tuy nhiên, cũng từ 1950, nhận sự viện trợ của Mỹ, thực dân Pháp thực hiện kế hoạch Rơve với âm mưu khoá chặt biên giới Việt – Trung bằng cách tăng cường hệ thống phòng ngự trên đường số 4; thiết lập tuyến hành lang Đông Tây nhằm cắt đứt con đường liên lạc giữa liên khu 3 và liên khu 4, cô lập cách mạng Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa. Về phía Mỹ, thông qua hành động viện trợ cho Pháp, Mỹ chính thức bắt đầu can thiệp vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương.
          Trước tình hình trên, ngày 21/01/1950, Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng họp, đề ra chủ trương “Hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công” và quyết định tổng động viên theo khẩu hiệu “Tất cả cho tiến lên, tất cả để chiến thắng”. Tháng 6/1950 Đảng ta quyết định mở chiến dịch Biên giới, Trung ương Đảng thành lập Bộ Tổng chỉ huy chiến dịch do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ Mặt trận. Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ đạo, động viên quân và dân chiến đấu.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo chiến dịch Biên giới 1950.
 
          Chiến dịch Biên giới diễn ra ba đợt: Đợt 1, từ ngày 16/9 đến ngày 20/9/1950: Ta tập trung lực lượng đánh trận then chốt tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê. Đợt 2, từ ngày 21/9 đến ngày 29/9/1950: Tiến hành trận then chốt quyết định tiêu diệt hai binh đoàn Lơ Pa-giơ và Sác-tông. Đợt 3, từ ngày 9/10 đến ngày 14/10/1950: Địch ở Thất Khê, Na Sầm, Lạng Sơn rút chạy, ta truy kích địch giải phóng Thất Khê, Na Sầm. Ngày 22/10/1950, quân Pháp phải rút bỏ hoàn toàn khỏi các cứ điểm còn lại trên đường số 4 như Thất Khê, Na Sầm, Đồng Lập, Lạng Sơn...  với thiệt hại rất nặng, đường số 4 được giải phóng. 
          Trải qua hơn 01 tháng chiến đấu vô cùng quyết liệt, anh dũng và mưu trí của quân và dân ta, Chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950 đã giành được thắng lợi to lớn. Thắng lợi chiến dịch này đã mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp:
          - Đây là chiến dịch đầu tiên mà bộ đội ta chủ động tấn công đánh lớn, làm thay đổi cục diện chiến trường:Từ thế phòng ngự ta chuyển sang thế tiến công, từ bị động ta bắt đầu giành quyền chủ động. Quân Pháp thất bại lớn cả về quân sự và chính trị, bị đẩy lùi vào thế phòng ngự bị động. Chiến dịch Biên giới thắng lợi đã đưa cuộc kháng chiến chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ ta giành, giữ và phát huy quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc bộ, liên tục tiến công tiêu diệt địch với các chiến dịch quy mô ngày càng lớn và giải phóng nhiều vùng đất quan trọng.
          - Chiến dịch Biên giới Thu – Đông năm 1950 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của nghệ thuật chiến dịch tiến công trong kháng chiến chống Pháp: Đây là lần đầu tiên ta thực hiện một kế hoạch tác chiến mới với tên gọi “Đánh điểm diệt viện”. Có thể hiểu đó là nghệ thuật vây điểm, hay diệt điểm để kéo địch ra khỏi công sự. Ta đã chọn đúng điểm trọng yếu là vị trí Đông Khê để tấn côngbao vây cô lập, địch phải điều quân ứng cứu, giải vây ta lựa chọn thời điểm chặn đánh địch trên đường chúng đi ứng cứu, đó là một nghệ thuật trong tác chiến.
          Cách đánh chiến dịch Biên giới Thu đông năm 1950 là hình thức phát triển của chiến tranh nhân dân, vận dụng tổng hợp cách đánh của nhiều lực lượng; kết hợp nhiều phương thức và quy mô tác chiến (đánh du kích, đánh vận động, đánh trận địa; đánh phân tán, đánh tập trung hiệp đồng binh chủng; đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn…). Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng, cơ sở hình thành và phát triển nghệ thuật tác chiến chiến dịch.
          Một trong những nét nổi bật của nghệ thuật tác chiến trong chiến dịch Biên giới là nghi binh, nhằm giữ được bí mật, bất ngờ trong chuẩn bị và thực hành chiến dịch; bảo toàn được lực lượng ta, có điều kiện, thời cơ để tạo lập thế trận vững chắc và chuyển hóa thế trận linh hoạt, nhanh chóng giành thắng lợi. 
          - Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam:
          Từ những đợt hoạt động, những chiến dịch nhỏ, đến chiến dịch Biên giới, lần đầu tiên ta mở chiến dịch tiến công quy mô lớn, tập trung tới 4,5 vạn người, kể cả bộ đội chiến đấu và phục vụ chiến dịch, trong thời gian hơn một tháng. Thành công của Chiến dịch Biên giới chứng tỏ trình độ chỉ huy, kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội ta có sự tiến bộ vượt bậc. Bộ đội ta đã tác chiến tập trung với quy mô lớn hơn so với trước, tiêu diệt được tiểu đoàn địch trong công sự vững chắc và binh đoàn địch trong đánh vận động. Bên cạnh đó, trong điều kiện phải chiến đấu dài ngày, tình huống diễn biến mau lẹ, chiến dịch diễn ra trên địa bàn rộng lớn, địa hình phức tạp, nhưng công tác bảo đảm hậu cần, vũ khí, đạn dược, thông tin liên lạc, cứu chữa và chăm sóc thương bệnh binh,… vẫn được đảm bảo.
          Trong quá trình Chiến dịch Biên giới, quân đội ta lần đầu thực hiện đánh “Công kiên” đánh địch trong công sự là cơ sở cho cách đánh tập đoàn cứ điểm ở các chiến dịch sau tiêu biểu là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Trong chiến dịch, bộ đội ta đã “thực sự làm chủ tình thế, thay đổi bố trí ban đầu rất nhanh, hướng sự cố gắng vào sự bao vây tiêu diệt quân Pháp[3]. Với cuộc chiến đấu trên đường số 4, Cao Bằng - Lạng Sơn trong Thu - Đông 1950, bộ đội ta “tỏ ra là một quân đội hiện đại, căn cứ vào hình thức tác chiến cũng như sức mạnh trong chiến đấu”.
          Sau chiến thắng Biên giới,ta liên tiếp tổ chức, chỉ huy các chiến dịch tiến công quy mô lớn ở trung du và đồng bằng, miền núi Bắc Bộ. Tiêu biểu: Chiến dịch Trần Hưng Đạo (từ 25/12/1950 đến 18/1/1951), tiến công địch ở trung du Bắc Bộ, từ Đông Việt Trì, Vĩnh Yên, Phúc Yên đến Tây sông Cầu; Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (từ 23/3 đến 7/4/1951), tiến công vào tuyến phòng thủ của Pháp trên đường số 18 từ Phả Lại đến Uông Bí; Chiến dịch Lý Thường Kiệt (từ 29/9 đến 31/10/1951) Chiến dịch Hà Nam Ninh còn gọi là chiến dịch Quang Trung(từ 28/5 đến 20/6/1951),... Tạo nền tảng, cơ sở để lực lượng vũ trang ta cùng toàn Đảng, toàn dân giành được thắng lợi to lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến.
          - Sau chiến thắng Biên giới năm 1950, căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng, phá thế bao vây cô lập và mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước XHCN: Khu căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng, nối liền với Trung Quốc cùng các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Từ đây, Việt Nam đã có đủ điều kiện để tiếp nhận sự giúp đỡ cần thiết về quân sự và kinh tế của Trung Quốc, Liên Xô và các nước bạn bè cho cuộc kháng chiến. Từ đó, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao năng lực chiến đấu của các lực lượng vũ trang, đồng thời góp phần thúc đẩy nền kinh tế kháng chiến và củng cố niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của cuộc kháng chiến với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
          Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950 diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đã và đang giành được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lầnthứ XII, hướng tới Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây là dịp chúng ta ôn lại chiến công vẻ vang của dân tộc, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, những ngườicon của đất nước đã cống hiến máu xương, tuổi xuân, công sức, trí tuệ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

        Tài liệu tham khảo
  1. Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 Thắng lợi và bài học, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (tháng 5 năm 2015).
  2. Lịch sử lớp 12, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, Bộ giáo dục và đào tạo.
  3. Bách Khoa chi thức quốc phòng Toàn dân, Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, In lần thứ 1 (2003).
  4.  Võ Nguyên Giáp  (2006). Hữu Mai, biên tập. Tổng tập Hồi kí. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
Thạc sĩ  Trình Thị Thu Thảo
Giảng viên tập sự khoa xây dựng Đảng 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7996863

Đang Online : 337