Nghiên cứu - Trao đổi

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp

Ngày Đăng: 5/10/2020 14:34 Lượt xem: 378

          Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 9 với 436/455 đại biểu có mặt tán thành (chiếm tỷ lệ 90,27%). Luật có 4 chương với 42 điều, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
           Quy định về hòa giải, đối thoại trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay đã có một số luật điều chỉnh như: Luật Hòa giải ở cơ sở, Bộ luật Lao động quy định về hòa giải tranh chấp lao động, Luật Thương mại quy định về hòa giải thương mại, Luật Đất đai quy định về hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã, Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định hòa giải giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng… đối thoại giữa người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Luật Khiếu nại, quy định về đối thoại trong Luật Tố tụng hành chính. Tuy nhiên, chưa có quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết, trước khi Tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy, sự ra đời của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ tạo cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại, không trùng lặp, không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế pháp lý về hòa giải, đối thoại hiện có. Về bản chất pháp lý, hòa giải, đối thoại theo Luật này là hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ngoài tố tụng, trước khi Tòa án thụ lý vụ việc.
          Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, qua sơ kết việc đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt 74,08% đã khẳng định tính ưu việt của cơ chế mới này. Cùng với quá trình đó cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước, trong đó có pháp luật của các nước đã triển khai thành công mô hình này.
          Một số nội dung cơ bản của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án:
          Về phạm vi điều chỉnh, Điều 1 Luật quy định: “Luật này quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
          Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.”
           Kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải chịu chi phí trong các trường hợp: Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; Chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở; Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.
          Luật quy định trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 7); quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 8); chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 9).
          Hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật như: Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư; có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại… Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, bổ nhiệm Hòa giải viên; nhiệm kỳ của Hòa giải viên là 03 năm kể từ ngày được bổ nhiệm.
           Chương III, Luật quy định trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cụ thể: Quy định về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên (Điều 16); từ chối hòa giải, đối thoại, thay đổi Hòa giải viên (Điều 18); những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 19). Luật quy định thời hạn hòa giải, đối thoại là 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày; các bên có thể thống nhất kéo dài thời hạn hòa giải, đối thoại nhưng không quá 02 tháng. Thành phần phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm có Hòa giải viên, các bên, người đại diện, người phiên dịch; người được mời tham gia hòa giải, đối thoại trong trường hợp cần thiết. Trình tự phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định tại Điều 26; hiệu lực của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án quy định tại Điều 35; chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định tại Điều 40…
            Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực sẽ tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, tôn trọng quyền tự định đoạt của người dân, khuyến khích việc giải quyết các tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại; tạo cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính.
 
 
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
2. https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/chi-tiet-tin?dDocName=TAND083211
3. https://congly.vn/thoi-su/bao-cao-giai-trinh-tiep-thu-du-an-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-344534.html
4. http://quochoi.vn
5. https://toaanquangnam.gov.vn/nhung-noi-dung-chu-yeu-cua-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an

 
Thạc sĩ Mai Quang Thắng
 Phó Hiệu trưởng

 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8283028

Đang Online : 1077