Nghiên cứu - Trao đổi

Vai trò to lớn của Ăngghen đối với Quốc tế II

Ngày Đăng: 28/11/2020 8:31 Lượt xem: 3221

          Sau khi Quốc tế I tan rã năm 1876, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân thế giới nổ ra mạnh mẽ với nhiều hình thức đấu tranh rộng rãi, quyết liệt. Từ các phong trào đấu tranh này đã sản sinh ra các chính đảng của giai cấp công nhân.  Đến cuối thế kỷ XIX, ở hầu hết các nước có phong trào công nhân đều đã có đảng xã hội chủ nghĩa hoặc đảng xã hội - dân chủ, trong đó đảng có uy tín như Đảng Xã hội – Dân chủ Đức. Đây là giai đoạn giai cấp vô sản đã thực sự trở thành một giai cấp độc lập về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thực tiễn đó đã đặt ra đòi hỏi khách quan phải xây dựng một tổ chức quốc tế mới của giai cấp công nhân để thống nhất và chỉ đạo phong trào cách mạng.
          Nắm bắt đúng đắn và kịp thời tình hình cụ thể, Ăngghen đã tích cực tuyên truyền, vận động những nhà lãnh các đảng theo chủ nghĩa mác-xít chân chính tích cực chuẩn bị đại hội, cũng như tầm quan trọng của việc tham giai Đại hội công nhân quốc tế diễn ra ở Pa-ri. Được sự ủng hộ của các nhóm xã hội chủ nghĩa ở Châu Âu, ông đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho đại hội như: ra lời kêu gọi triệu tập Đại hội; vạch rõ tính chất "cải lương, cơ hội" của đại hội do phái "khả năng" khởi xướng cũng như tính nguy hiểm của quan điểm thống nhất hai đại hội ... Đồng thời, Ăngghen cũng đề ra kế hoạch tổ chức, biện pháp thực hiện đại hội. nhờ đó, ngày 14-7-1889, Đại hội công nhân quốc tế được khai mạc tại Pa-ri với 395 đại biểu từ 20 nước trên thế giới đến tham dự. Khẩu hiệu trung tâm của Đại hội là ''Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”. Đại hội đã đánh dấu cho sự ra đời của tổ chức quốc tế thứ hai của phong trào công nhân thế giới - Quốc tế xã hội chủ nghĩa hay còn gọi là Quốc tế II.
          Không chỉ có vai trò to lớn trong công tác chuẩn bị cho sự ra đời của Quốc tế II, Ăngghen còn có đóng góp to lớn trong việc vạch ra phương hướng hoạt động của Quốc tế II và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong phong trào công nhân.
          * Về phương hướng hoạt động của Quốc tế II:
          Tương tự như Quốc tế I, Quốc tế II hoạt động theo hình thức đại hội. Ngay từ đại hội thành lập, Ăngghen đã xác định con đường đấu tranh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong thời gian tới là đấu tranh chính trị và đấu tranh kinh tế. Ông cho rằng, vào thời kỳ đó, hình thức đấu tranh vũ trang đã dần trở nên không còn phù hợp nữa, do chủ nghĩa tư bản đang không ngừng sử dụng vũ lực để đàn áp các cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản; đồng thời, với sự hình thành các đảng chính trị của công nhân, hình thức đấu tranh chính trị, đấu tranh nghị trường hợp pháp sẽ có tác dụng to lớn hơn. Hình thức này cũng sẽ có tác dụng nâng cao trình độ giác ngộ, trình độ văn hoá của giai cấp công nhân. Ông viết: "số phiếu ngày càng tăng lên đều đặn và cực kỳ nhanh chóng, mà làm tăng thêm lòng tin chắc chắn của công nhân vào thắng lợi, đồng thời cũng làm tăng thêm nỗi khiếp sợ của kẻ địch...  Bằng cổ động tuyển cử, nó cung cấp cho chúng ta một phương tiện vô song để tiếp xúc với quần chúng nhân dân ở những nơi mà họ còn xa chúng ta...”[1], do đó “sử dụng chế độ đầu phiếu phổ thông một cách có hiệu quả như vậy, là giai cấp vô sản đã vận dụng một phương thức đấu tranh hoàn toàn mới và phương thức đó ngày càng phát huy tác dụng”[2]. Từ quan điểm này của Ăngghen, đại hội đã ra nghị quyết về thủ tiêu quân đội thường trực và đấu tranh rộng rãi nhằm yêu cầu những quyền lợi chính đáng của giai cấp công nhân như ngày làm việc 8 giờ, tăng lương cho công nhân, hủy bỏ chế độ trả lương bằng hiện vật …
           Mục đích cuối cùng của giai cấp công nhân là giành lấy chính quyền, xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản. Ăngghen cho rằng, công nhân toàn thế giới cần đoàn kết chặt chẽ để chống lại sự thống trị của chủ nghĩa tư bản và giai cấp vô sản cần sử dụng quyền lực chính trị của mình để đấu tranh tự giải phóng mình khỏi chế độ lao động làm thuê. Giai cấp công nhân phải nhận thức được rằng mục tiêu của đấu tranh không chỉ là "tiền lương cao hơn và ngày làm việc ngắn hơn bằng cách đấu tranh với từng chủ xí nghiệp"[3] đơn lẻ, mà phải là "giành được quyền chính trị, giành được nghị viện"[4].
          * Về đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong phong trào công nhân:
          Chủ nghĩa cơ hội ra đời cùng với quá trình hình thành và phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Sau khi Quốc  tế I giải tán, những kẻ theo chủ nghĩa cơ hội vẫn hoạt động mạnh mẽ, gây ra sự phân hóa trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ở nhiều quốc gia Châu Âu như: chủ nghĩa cơ hội trong đảng Dân chủ xã hội Đức do Phônmarơ đứng đầu; phái Khả năng ở Pháp; Liên đoàn dân chủ xã hội ở Anh… Sau Đại hội Xanhganlen được tổ chức tại Đức vào tháng 10-1887, những người lãnh đạo mác xít trong phong trào công nhân Pháp được trao quyền đứng ra triệu tập Đại hội quốc tế ở Pa-ri. Vào năm 1888, một hội nghị khác do phái Khả năng, Liên minh Dân chủ xã hội Anh, Đoàn Kỵ sĩ lao động Mỹ chủ trì tại Luân đôn đã ủy quyền cho phái Khả năng tổ chức một đại hội quốc tế khác của giai cấp công nhân.
          Trước nguy cơ tổ chức quốc tế mới của giai cấp công nhân có thể bị bọn cơ hội thao túng, Ăngghen đã vạch rõ bản chất thân tư sản của bọn theo chủ nghĩa cơ hội và sự nguy hiểm của ý định thống nhất hai đại hội. Ông kết luận, chủ nghĩa cơ hội là tàn dư tư tưởng tư sản, tiểu tư sản trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; là sự hy sinh lợi ích cơ bản lâu dài của giai cấp công nhân, của dân tộc, vì lợi ích trước mắt của một nhóm nhỏ. Về kinh tế, chúng phản ánh sự phụ thộc của giai cấp công nhân vào giai cấp tư sản, chúng chỉ muốn đem lại lợi ích cho tầng lớp "công nhân quý tộc" bằng sự thỏa hiệp, liên minh với chủ nghĩa tư bản. Về chính trị, chúng sẵn sàng thỏa hiệp khi có lợi, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân có thể giành chiến thắng bằng con đường hòa bình. Ông viết:  “Người ta tự lừa dối mình và lừa dối đảng rằng “xã hội hiện nay đang dần dần phát triển thành chủ nghĩa xã hội”...”[5]. Chủ nghĩa cơ hội là mối nguy hại của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, là chính trị thỏa hiệp, cải lương, hợp tác vô nguyên tắc, trái với lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. 
          Đến năm 1895, khi Ăngghen qua đời Quốc tế II mới trải qua 3 kỳ đại hội, những kẻ theo chủ nghĩa cơ hội đã lợi dụng cơ hội bành trướng hoạt động của mình và trở thành lãnh tụ trong phong trào công nhân. Chúng không tách ra khỏi phong trào mà dần hướng phong trào công nhân đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, bọn cơ hội đã hoàn toàn chiếm ưu thế, đánh dấu sự phá sản của Quốc tế II.
          Quốc  tế II có ý nghĩa to lớn đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Quốc tế II ra đời đánh dấu sự khôi phục tổ chức quốc tế của phong trào công nhân, thúc đẩy phong trào công nhân quốc tế đấu tranh hợp pháp đòi cải thiện đời sống, tiền lương và ngày lao động. Đồng thời nó thể hiện rõ vai trò của Ăngghen trong thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác trong phong trào công nhân. Tư tưởng về đoàn kết những người lao động trong một tổ chức quốc tế thống nhất vừa bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động, vừa tập hợp được lực lượng to lớn để thúc đẩy sự thành lập chính đảng vô sản ở các quốc gia.
           Trong thời kỳ ngày nay, bài học về đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, bảo vệ chủ nghĩa Mác của Ăngghen vẫn còn giá trị to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Thực chất những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của một bộ cán bộ, đảng viên chính là những đặc điểm của chủ nghĩa cơ hội. Do bản thân những cán bộ đảng viên này thiếu tu dưỡng rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ vụ lợi, lợi ích nhóm. Vì vậy, phòng chống tư tưởng cơ hội chính trị và các phần tử cơ hội trong nội bộ, bảo vệ lý tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu cấp thiết của toàn Đảng và toàn dân ta.
           Mặc dù đã qua đời hơn 1 thế kỷ, nhưng những cống hiến vĩ đại của Ăngghen với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Đánh giá về công lao của Ăngghen với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Lênin viết:  “Sau C. Mác, Ph. Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh”.[6]
 

[1] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 768
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 769
3,4 C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 591,
[5] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 345
[6] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/ph-angghen/tieu-su-cuoc-doi-va-su-nghiep/ky-niem-190-nam-ngay-sinh-ph-angghen-28111820-28112010-nha-ly-luan-loi-lac-va-chien-si-cach-mang-vi-dai-trong-phong-3202
 
Thạc sĩ Trần Phương Linh
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8282755

Đang Online : 805