Nghiên cứu - Trao đổi

Đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thực phẩm trái vụ tại xã Khâu Tinh, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang

Ngày Đăng: 30/11/2020 14:21 Lượt xem: 466

          Rau tươi là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu không thể thiếu được trong bữa ăn hằng ngày của con người. Rau cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển ở dạng dễ hấp thụ mà không có loài thực phẩm nào có thể thay thế được, đó là Vitamin  A,B,C... Các muối khoáng, axít hữu cơ và các loại chất khác. Ngoài ra rau còn có tác dụng trong y học như: chữa bệnh gan, ung thư... Hàm lượng chất xơ trong rau rất cần cho sự tiêu hoá của con người. Ngày nay với sự tăng dân số càng nhanh cùng với sự mọc lên những nhà máy, xí nghiệp của một nền công nghiệp hoá đã làm cho môi trường đất, nước, không khí ở một số vùng trồng rau bị ô nhiễm. Bên cạnh đó việc lạm dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật cùng với tập quán canh tác của người sản xuất rau đã làm cho chất lượng rau bị giảm sút. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế kéo theo là mức sống của người dân được cải thiện rõ rệt, điều này cho phép tăng nhu cầu tiêu dùng những sản phẩm sạch, an toàn và có chất lượng. Sản xuất và tiêu dùng những sản phẩm sạch nói chung và rau sạch nói riêng là vấn đề có tính cấp thiết vì sự phát triển kinh tế, vì môi trường trong sạch, vì sức khoẻ và hạnh phúc của con người.
          Khâu Tinh là xã vùng cao huyện Na Hang nằm ở độ cao 800 - 1000m so với mặt nước biển, nhiệt độ ban ngày từ 20-250 c; nhiệt độ ban đêm thường xuống 15-170c; Lượng mưa trung bình hàng năm 1.800mm. Độ ẩm không khí trung bình 85%, sương mù quanh năm về đêm và sáng sớm, đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển nhất là các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây rau màu trồng trái vụ. Với lợi thế về tự nhiên nên Khâu Tinh đã tiến hành sản xuất rau an toàn nói chung từ nhiều năm nay và tiến hành thử nghiệm rau an toàn trái vụ phục vụ nhu cầu xã hội.
          Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất rau an toàn trái vụ nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng, thế mạnh về điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế tăng thu nhập, tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn trái vụ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, xây dựng mối liên kết giữa người sản xuất, đơn vị phân phối và người tiêu dùng theo chuỗi giá trị và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho người dân nông thôn. Vụ xuân năm 2020, Trung tâm Khuyến nông-Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Na Hang, xã Khâu Tinh và những đơn vị liên quan xây dựng, thực hiện thử nghiệm mô hình Liên kết trồng rau trái vụ với tiêu thụ sản phẩm”, quy mô 02 ha tại xã Khâu Tinh, huyện Na Hang với hai loại rau an toàn trái vụ là bắp cải và su hào.
          Quá trình thực hiện xã đã thử nghiệm trồng 01 ha rau bắp cải, xuất sứ hạt giống bắp cải  F1Tropical Queen được nhập  khẩu từ Nhật Bản, là giống lai F1 thế hệ mới, ngắn ngày, chịu nhiệt tốt thời vụ trồng quanh năm. Thời gian sinh trưởng kể từ khi gieo hạt cho đến khi thu hoạch 90 ngày; 01ha su hào ( giống lai F1 PD080) xuất sứ hạt giống do Công Ty TNHH vật tư nông sản Trần Vũ cung ứng với số lượng 400g/01ha. Kết quả thực hiện 01ha mô hình rau bắp cải đạt 20,655 tấn/1ha đạt  80% so với lý thuyết ( 26 tấn/1ha); 01ha su hào đạt  16.363 tấn  đạt 69%  so với lý thuyết ( 24 tấn/ha). Năng suất so với thuyết minh mô hình bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo rau đạt tiêu chuẩn VietGAP bước đầu đem lại niềm tin cho người sản xuất, khách hàng trong và ngoài tỉnh, tạo công ăn việc làm cho nhân dân tại địa bàn xã, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo ra sản phẩm độc đáo phục vụ khách du lịch, nâng cao giá trị sản phẩm rau của địa phương. Sản xuất trái vụ khuyến khích người dân tham gia vào phát triển các sản phẩm nông nghiệp trái vụ có giá trị kinh tế cao, là cơ sở để các cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nông dân mở rộng diện tích rau trái vụ. Sản phẩm rau trong mô hình được tiêu thụ ổn định, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, ngay từ khi bắt đầu triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông đã liên kết với Công ty TNHH Vật tư nông sản Trần Vũ ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm rau an toàn cho các hộ tham gia mô hình Liên kết trồng rau trái vụ gắn với tiêu thụ sản phẩm.
          Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện sản xuất rau an toàn trái vụ tại xã Khâu Tinh còn gặp một số khó khăn:
          Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5  thời tiết diễn biến phức tạp dễ phát sinh một số sâu bệnh như lở cổ rễ, bệnh thối nhũn do nấm, sâu keo mùa thu,...
          Điều kiện đường giao thông đi lại xa, đặc biệt là khi trời mưa to gây sạt lở cục bộ, công tác vận chuyển vật tư, phân bón và vận chuyển rau đi tiêu thụ nhiều lúc bị tắc đường do sạt lở.
          Tập quán sản xuất của nông dân vẫn còn theo phương pháp truyền thống, khả năng đầu tư hạn chế nên việc khuyến cáo áp dụng quy trình kỹ thuật chưa được người dân tuân thủ tốt; một số hộ chưa thực hiện tốt việc ghi chép sổ sách theo dõi thời gian trồng, bón phân chăm sóc.
          Thiết nghĩ để quá trình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trái vụ được mở rộng cần thực hiện một số giải pháp cơ bản:
          Một là, mở rộng quy mô diện tích sản xuất rau an toàn ở xã, để làm được điều này xã Khâu Tinh cần tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích trồng rau thường thời vụ theo tập quán sang trồng rau an toàn trái vụ để mở rộng quy mô diện tích trồng rau an toàn trái vụ của toàn xã.
Hai là, tiếp tục làm tốt công tác kỹ thuật và tập huấn sản xuất rau an toàn trái vụ cho người nông dân. Xã cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống thủy lợi tưới tiêu để người dân có đủ nước tưới, thuận lợi cho chuyển đổi sang sản xuất rau an toàn; Trung tâm khuyến nông phối hợp với các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn trái vụ cho người dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm chuyển đổi sang sản xuất rau an toàn.
          Ba là, Giải quyết tốt các yếu tố đầu vào cho sản xuất rau an toàn ở xã. Xã Khâu Tinh cần cam kết cung cấp các yếu tố đầu vào đảm bảo chất lượng với giá hợp lý nhất cho người sản xuất rau an toàn; hỗ trợ người sản xuất rau an toàn trong việc mua các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất. Thực hiện cho người sản xuất mua các yếu tố đầu vào theo hình thức trả chậm với lãi suất thấp hoặc bằng không; chính quyền cần tăng cường công tác quản lý việc kinh doanh các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất rau an toàn của các cửa hàng tại địa phương, hạn chế tình trạng cung cấp các loại vật tư kém chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng với giá cao.
          Bốn là, mở rộng thị trường tiêu thụ rau an toàn trái vụ, để làm được nội dung này cần: sản phẩm rau an toàn trước khi bán phải có bao bì cẩn thận; có nhãn hiệu ghi rõ nơi sản xuất, phải đăng ký thương hiệu, thời gian bảo quản và phải có dấu kiểm định chất lượng; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về rau an toàn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: báo, internet, ti vi, tờ rơi…; xây dựng thêm một số cửa hàng rau an toàn giới thiệu sản phẩm ở những nơi đông dân cư, hoặc có thể khuyên khích các hộ nông dân có vốn lớn mở rộng cửa hàng rau an toàn giới thiệu sản phẩm ở những nơi đông dân cư; Cấp ủy và chính quyền xã phải quan tâm gây dựng thương hiệu rau an toàn của xã để cho sản phẩm rau của xã lưu thông dễ dàng hơn trên thị trường, không bị các sản phẩm khác chèn ép, đồng thời phải tăng cường dịch vụ đến tận tay người tiêu dùng.
            Năm là, giữ vững và nâng cao uy tín của thương hiệu rau an toàn nói chung và rau an toàn trái vụ nói riêng tại xã Khâu Tinh.
          Quản lý tốt quy trình sản xuất rau của người dân tại địa phương, không sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép sử dụng, góp phần tạo ra các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
          Sản phẩm rau an toàn sau khi được thu hoạch cần được sơ chế sạch, phải được đóng gói bao bì, nhãn mác, mã vạch rõ ràng để người tiêu dùng có thể nhận biết được thương hiệu rau an toàn Khâu Tinh.
          Trong quá trình tiêu thụ, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát không để tình trạng rau thường không đảm bảo chất lượng bên ngoài có thể lọt vào kênh tiêu thụ rau an toàn Khâu Tinh, làm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng tới thương hiệu rau an toàn Khâu Tinh.

 
Thạc sĩ Đỗ Việt Hà
Giảng viên Khoa Lý luận Cơ sở
         
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8282757

Đang Online : 807