Nghiên cứu - Trao đổi

Tổng tuyển cử bầu quốc hội đầu tiên - ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc Việt Nam

Ngày Đăng: 5/1/2021 8:26 Lượt xem: 312

          Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, cùng với việc bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là củng cố và tăng cường chính quyền. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam đã được tổ chức thắng lợi vào ngày 06/01/1946, đánh dấu sự khai sinh Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trải qua 75 năm hình thành và phát triển (1946- 2021), Quốc hội đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ                 
          Dưới lời hiệu triệu của chủ tịch Hồ Chí Minh: “ Ngày mai mồng 6 tháng giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta trên con đường mới mẻ. Ngày mai là ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta hưởng dụng quyền dân chủ của mình… Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, Kiên quyết chống bọn thực dân, Kiên quyết tranh quyền độc lập…1. Ngày 06/01/1946, nhân dân ta từ Bắc đến Nam, từ 18 tuổi trở lên nô nức đi bầu cử, kể cả các vùng đang có chiến sự như ở Nam Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Việt Nam được tham gia bầu cử với một thể thức dân chủ, là bước đi đầu tiên của đất nước độc lập mà nhân dân tham gia quyền quyết định xây dựng nhà nước của mình.
          Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam mới tiến hành trên cả nước trong điều kiện thù trong, giặc ngoài cấu kết ra sức phá hoại. Trước đó, dù đã có sự thoả thuận giữa các đảng phái, tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng vẫn ra sức hoạt động phá hoại cuộc Tổng tuyển cử. Tại Hà Nội, chúng dùng tiểu liên đe doạ đồng bào ta tại Ngũ Xá, ngăn không cho ta đặt hòm phiếu, cấm nhân dân treo cờ. Nhân dân đã kéo sang khu phố gần đó để bỏ phiếu. Tại Nam Bộ, cuộc bầu cử ở nhiều nơi diễn ra dưới bom đạn của quân thù. Hơn 40 cán bộ đảng và Việt Minh đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ vận động Tổng tuyển cử. Mặc dù vậy, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao, trung bình là 89%, nhiều nơi đạt 95%. Những đại biểu do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều được sự tín nhiệm tuyệt đối của nhân dân. Ra ứng cử ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất 98,4%. Nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong đó có 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu là phụ nữ và 34 đại biểu là người các dân tộc thiểu số.
          Ngày 02/3/1946, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị và được toàn thể Quốc hội chấp nhận mở rộng thành phần Quốc hội thêm 70 người không qua bầu cử, dành cho Đảng Việt Cách 20 người và Đảng Việt Quốc 50 người. Nâng tổng số Đại biểu Quốc hội khóa I lên 403 đại biểu. Quốc hội đã thông qua Tuyên ngôn của Quốc hội, tuyên bố với quốc dân Việt Nam và nhân dân thế giới rằng: “Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay Quốc hội Việt Nam. Chính thể của nước Việt Nam là chính thể dân chủ cộng hòa, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân..”2. Quốc hội đã bầu Ban Thường trực để thay mặt Quốc hội thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội. Ban Thường trực gồm 15 uỷ viên chính thức và 3 uỷ viên dự khuyết do cụ Nguyễn Văn Tố làm trưởng ban. Lá cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ và Quốc ca là bài Tiến quân ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
          Như vậy, Tổng tuyển cử đã chứng minh sự giác ngộ chính trị của các tầng lớp nhân dân - lần đầu tiên nhân dân được thực hiện quyền làm chủ đất nước và xã hội qua lá phiếu bầu ra những đại biểu của mình. Có thể nói, thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946, bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là thắng lợi của tinh thần yêu nước của toàn thể nhân dân Việt Nam, là sự biểu thị khát vọng dân chủ nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Đó là thắng lợi của chế độ mới, của chính thể dân chủ cộng hòa lần đầu tiên được thiết lập trên đất nước ta. Đó còn là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, của chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi của Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới của đất nước ta có một Quốc hội, một chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ- nhà nước của dân, do dân, vì dân, được quốc dân giao phó trngj trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế. Tổng tuyển cử là bước đi quyết định, là sự tiếp nối của cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân, ban hành Hiến pháp của một Nhà nước thực sự độc lập.
          Trải qua 75 năm phát triển, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đến nay đã tổ chức thành công 14 cuộc bầu cử, Quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước, đã xây dựng và thông qua 5 bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nhà nước kiểu mới; Hiến pháp năm 1959 - Hiến pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà; Hiến pháp năm 1980 - Hiến pháp của chế độ làm chủ tập thể, cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội; Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Hiến pháp (sửa đổi) 2013- quy định bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người. Bản Hiến pháp sửa đổi hướng tới nhân dân, đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân, đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước để phục vụ nhân dân tốt hơn, bước đầu xây dựng cơ chế nhằm giảm tham ô, nhũng nhiễu người dân, đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân được thực hiện một cách thực chất hơn trong thực tế.
          Kế thừa và phát huy giá trị lịch sử của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, các cuộc bầu cử Quốc hội tiếp theo luôn thể hiện quyết tâm và ý chí độc lập tự do, giữ vững chủ quyền dân tộc của nhân dân ta, tự mình sáng suốt lựa chọn người đại diện chân chính của mình vào Quốc hội, tự mình quyết định tham gia vào việc xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Ngày 23/5/2021 tới đây, Quốc hội tiến hành cuộc bầu cử thứ 15 để bầu Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Với quyết tâm chính trị và sự đoàn kết của toàn Đảng toàn dân, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng vào một cuộc bầu cử Quốc hội thành công và một nhiệm kỳ Quốc hội với những quyết sách quan trọng đem lại những hướng đi mới cho đất nước, xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
 
Tài liệu tham khảo:
1.  Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.56-57, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.
2. Tài liệu tuyên truyền 75 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946- 06/01/2021) của Ban Tuyên giáo TW.

 
Thạc sĩ Trần Thị Mai Thu
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7981849

Đang Online : 549