Nghiên cứu - Trao đổi

Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa ở Hàm Yên

Ngày Đăng: 5/1/2021 10:46 Lượt xem: 546

          Là một huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang, Hàm Yên có diện tích đất tự nhiên lớn (trên 90 nghìn héc-ta) song chủ yếu là đất lâm nghiệp, diện tích trồng lúa rất ít (chỉ chiếm hơn 4%). Đặc thù này hạn chế việc canh tác lúa nước, người nông dân phải chuyển hướng sản xuất sang trồng cây công nghiệp, gắn với làm kinh tế rừng.
          Nhận thức được vấn đề này, từnăm 2015 huyện đã xác định phát triển sản xuất hàng hóa một số sản phẩm nông, lâm nghiệp có lợi thế là lĩnh vực đột phá của huyện. Do đó huyện đã ban hành các chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa và chỉ đạo thực hiện các cơ chế, chính sách về phát triển nông, lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước liên kết theo chuỗi giá trị, hình thành rõ nét vùng sản xuất hàng hóa tập trung, bước đầu sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ có chất lượng, giá trị kinh tế cao.Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt mức tăng trưởng bình quân 6,1%/năm (giai đoạn 2015-2020). Việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp những năm gần đây đã tạo cho nông, lâm nghiệp tăng trưởng nhanh, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, hình thành nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung hiệu quả tạo động lực thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển.
 
        
Mùa cam Sành ở Hàm Yên. (ảnh sưu tầm)

          5 năm qua huyện đã xây dựng ổn định vùng sản xuất Cam, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm Cam sành Hàm Yên. Đến tháng 7/2020, toàn huyện có 7.269 ha cam, trong đó diện tích cam sản xuất VietGAP 756 ha; sản lượng cam bình quân 80.000 tấn/năm, giá trị sản phẩm từ 650 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng/năm. Đầu tư chợ đầu mối, xây dựng một số tuyến đường giao thông trong vùng sản xuất cam; dán tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng chỉ dẫn địa lý Cam sành Hàm Yên; hằng năm tổ chức hội chợ, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả và thu nhập từ cây cam ngày càng nâng lên. 
          Diện tích trồng lúa được giữ ổn định, chú trọng phát triển diện tích lúa chất lượng cao, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn huyện. Triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; thâm canh cây chè, mía, phát triển một số cây trồng hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường như bưởi, táo, thanh long... Chăn nuôi, thủy sản có bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành một số mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả. Đến hết năm 2020 toàn huyện có 2.137 ha cây chè, diện tích lúa chất lượng cao 1.805 ha, cây rau hàng hóa 110 ha, vịt bầu Minh Hương trên 81 tấn, cá đặc sản trên 18 tấn. Từng bước xây dựng nhãn hiệu, dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc một số nông sản hàng hóalà sản phẩm lợi thế của huyện nhưgạo Minh Hương, bưởi Đức Ninh, chè Bạch Xa, chè xanh Làng Bát, cá chiên Thái Hòa, thịt trâu Hàm Yên.
          Hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, bước đầu đạt hiệu quả. Hiện nay huyện đã thành lập Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên, 08 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và 206 hộ kinh doanh đạt quy mô trang trại.
Trong 5 năm qua, trồng 12.990 ha rừng, vượt mục tiêu đề ra, tăng diện tích rừng trồng bằng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, từng bước chuyển đổi sang trồng rừng thâm canh, tăng năng suất rừng trồng. Làm tốt công tác bảo vệ rừng, nhất là diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%, triển khai cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn Quốc tế FSC đạt trên 3.650 ha.
          Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, hết năm 2020 có 6/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 15 tiêu chí/xã, tăng 5,4 tiêu chí so với 5 năm trước.
          Kết quả thực hiện khâu đột phá về phát triển nông, lâm nghiệp hàng hoá những năm qua đã góp phần làm cho kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 31,4 triệu đồng/người/năm, tăng bình quân 6,5%/năm.
          Với truyền thống đoàn kết, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và nguồn lao động của huyện khá dồi dào, tài nguyên đa dạng, tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng, cảnh quan thiên nhiên là tiềm năng, lợi thế so sánh cho sản xuất một số sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực của huyện. Vì vậy, Hàm Yên một lần nữa lại xác định khâu đột phá cho giai đoạn 2020-2025 là “Xây dựng huyện nông thôn mới gắn với phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế”
          Để thực hiện tốt khâu đột phá này, trong những năm tới huyện cần thực hiện cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp, thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản hàng hóa, nâng cao hiệu quả và thu nhập, tập trung một số sản phẩm chủ lực như cam, chè, gỗ nguyên liệu; tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học và công nghệ, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện có hiệu quả chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"; xây dựng, quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo nên những sản phẩm đặc trưng của huyện.
          Xác định Cam sành là cây trồng chủ lực của huyện, thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ vững thương hiệu Cam sành Hàm Yên. Quản lý chặt chẽ, duy trì sản xuất khoảng 7.000 ha cam, tăng diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ lên trên 1.500 ha. Tăng cường quản lý, tuyên truyền trong nhân dân, nâng cao nhận thức về sản xuất bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn hàng hóa, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Quản lý chặt chẽ việc cung ứng, sử dụng giống cam; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ, chế biến sản phẩm từ cam sành. Mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nâng cao hiệu quả chợ đầu mối cam sành; thu hút đầu tư dự án xây dựng kho lạnh bảo quản cam và nghiên cứu dự án nhà máy chế biến nước cam, nước ép hoa quả cô đặc. Quảng bá rộng rãi thương hiệu cam sành Hàm Yên tới người tiêu dùng bằng nhiều hình thức.
          Duy trì 2.100 ha chè, tăng cường thâm canh tăng năng suất trên 10 tấn/ha, thay thế những diện tích chè già cỗi, có năng suất thấp để trồng mới bằng các giống chè có năng suất cao.Phát triển một số cây ăn quả phù hợp với nhu cầu thị trường (bưởi, chanh, táo, thanh long...). Thâm canh khoảng 500 ha mía gắn với sử dụng các giống mía chất lượng cao, nâng năng suất trên 90 tấn/ha, cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp mía đường của tỉnh. Ổn định diện tích trồng lúa, tăng diện tích lúa chất lượng cao, hằng năm sản lượng lương thực trên 53.000 tấn, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn.
          Tận dụng điều kiện của địa phương phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tăng quy mô đàn gia cầm, đàn trâu, đàn bò; phục hồi tốc độ tăng trưởng đàn lợn; tăng sản lượng và giữ vững nhãn hiệu vịt bầu Minh Hương. Phấn đấu bình quân hằng năm, đàn trâu tăng 2%, đàn bò tăng 5%, đàn lợn tăng 6%, đàn gia cầm tăng 6%. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Phát triển thuỷ sản theo hướng nuôi thâm canh cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao trên sông, lòng hồ thủy điện và các loại cá trên diện tích ao, hồ tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, an toàn thực phẩm, phấn đấu sản lượng thủy sản năm 2025 đạt trên 1.700 tấn.
          Đẩy mạnh các hình thức liên kết trong trồng, chăm sóc rừng, khai thác, thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và bảo đảm lợi ích của người trồng rừng. Phấn đấu 5 năm trồng trên 12.000 ha rừng, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 10.000 ha. Ứng dụng khoa học kỹ thuật, quản lý chặt chẽ nguồn cung ứng giống cây lâm nghiệp, trồng rừng bằng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, tăng năng suất gỗ rừng trồng. Phát triển một số diện tích rừng gỗ lớn phục vụ công nghiệp chế biến gỗ. Tiếp tục giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp, giải quyết những vướng mắc, xử lý diện tích các công ty lâm nghiệp bàn giao cho địa phương.
          Với phương châm “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển,Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện nêu cao quyết tâm chính trị, phát huy thành quả đạt được, khắc phục những khó khăn, thực hiện các chủ trương, giải pháp nhằm phát triển toàn diện lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế của huyện, phấn đấu sớm đưa HàmYên trở thành huyện nông thôn mới./.
        
          * Tài liệu tham khảo: Báo cáo Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Hàm Yên nhiệm kỳ 2020-2025

 
Thạc sĩ Phạm Thị Huệ
Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8282589

Đang Online : 635