Nghiên cứu - Trao đổi

Hiểu đúng về quy định được sử dụng pháo hoa theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP của chính phủ

Ngày Đăng: 21/1/2021 10:42 Lượt xem: 296

          Pháo hoa, một sản phẩm đã trở nên phổ biến ở rất nhiều nơi trên thế giới có lịch sử hình thành và phát triển khá lâu đời. Ngày nay, pháo hoa đã trở thành một phần không thể thiếu trong các ngày lễ như giáng sinh, năm mới, các lễ hội dân gian truyền thống và kể cả trong các đại hội thể thao... trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, từ năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 406- TTg ngày 08/8/1994 về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nhằm  mục đích bảo vệ môi trường và bầu khí quyển. Tuy nhiên, tiếng pháo rộn rã vào dịp Tết cổ truyền đã là một truyền thống lâu đời có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần dân tộc. Vì vậy, hàng năm, vào đêm giao thừa nhà nước vẫn tổ chức rất nhiều điểm đốt pháo hoa trên cả nước để đón mừng năm mới, cũng như phục vụ nhu cầu thưởng thức cái đẹp của người dân. 
 
          Mới đây, ngày 27/11/2020 chính phủ đã ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (pháo nổ, pháo hoa) thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định đưa ra một số điểm mới phù hợp tình hình thực tế trong công tác quản lý nhà nước về pháo và đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan. Nghị định gồm 4 chương, 26 điều quy định cụ thể về quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Nghị định 137/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021. Sau khi ban hành, Nghị định đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, không ít người đã hiểu nhầm Nghị định này ra đời nhằm cho phép bắn pháo trong nhiều dịp. Tuy nhiên, mỗi cá nhân cần hiểu đúng, nắm rõ quy định để tránh vi phạm pháp luật. Một số điểm đáng lưu ý của Nghị định này về quy định được sử dụng pháo hoa như sau:
          Thứ nhất, cần phân biệt rõ khái niệm “Pháo hoa” và “Pháo nổ”
          Tại Điều 3, Chương I, Nghị định đã nêu rõ: Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.
          + Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;
          Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ; Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m;
          + Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
          Như vậy, pháo hoa mà người dân được phép sử dụng, theo quy định tại Điểm b, khoản 1, Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Trên thực tế, loại pháo hoa này người dân đã sử dụng trong dịp cưới hỏi, sinh nhật trước khi Nghị định 137/2020/NĐ-CP ra đời. Còn loại pháo hoa nổ, người dân tuyệt đối không được sử dụng vì loại pháo này có thuốc nổ, gây nguy hiểm và nếu người dân sử dụng vẫn bị quy trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính.
          Thứ hai, về đối tượng được sử dụng pháo hoa.
          Tại Điều 17, chương II, Nghị định nêu rõ: Đối tượng được sử dụng pháo hoa là: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật”. Như vậy, người dân sử dụng pháo hoa phải “có đầy đủ năng lực hành vi dân sự”, có nghĩa là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị bệnh tâm thần, không bị tòa án tuyên mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Bên cạnh đó, cũng tại Điều 17 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
          Thứ ba, về nguyên tắc quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo
          Tại Điều 4, chương I quy định cụ thể: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Việc quản lý, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định vả bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường; Người quản lý, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm đủ điều kiện theo quy định; Pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo và các loại giấy phép bị mất, hư hỏng phải kịp thời báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền; Pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo khi không còn nhu cầu, hết hạn sử dụng, không còn khả năng sử dụng phải được tiêu hủy theo quy định; Việc tiêu hủy pháo, thuốc pháo phải bảo đảm đúng trình tự, an toàn, bảo vệ môi trường và theo quy định của pháp luật.
         Như vậy, với những điểm cần lưu ý trên của Nghị định 137/2020/NĐ-CP sẽ giúp người dân hiểu rõ và thống nhất về các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý pháo, giúp người dân nhận thức rõ thế nào là pháo hoa có tiếng nổ và không có tiếng nổ, loại pháo hoa được sử dụng và loại pháo hoa bị cấm; bảo đảm an toàn cháy, nổ khi sử dụng loại pháo hoa được cho phép... Đồng thời, hiểu rõ những quy định của Nghị định này cũng góp phần tránh để các đối tượng xấu lợi dụng nhằm buôn bán lậu pháo hoa, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng  trong việc quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh pháo hoa được cấp phép, xử lý nghiêm hành vi nhập lậu, sản xuất, buôn bán, sử dụng trái phép pháo nổ./.

 
Thạc sĩ Trần Thị Mai Thu
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8282580

Đang Online : 626